Kinh tế thành phố 9 tháng năm 2021: Giữ vững các ngành kinh tế trụ cột (Kỳ 2) - Quyết tâm cán đích

09:59 06/10/2021

Đánh giá tại phiên họp thường kỳ mới đây của UBND TP cho thấy, trong 9 tháng qua thành phố đã tập trung cao độ, phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ, điều quan trọng là chúng ta đã giải quyết được một khối lượng công việc rất lớn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành tiếp tục có nhiều đổi mới, với những cách làm hiệu quả.

Ngành Du lịch chưa thể hoạt động bình thường do dịch Covid-19

Một mặt Hải Phòng đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, một mặt kiên định với các mục tiêu tăng trưởng, giữ nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội. Dù kết quả chưa được như mục tiêu đề ra, nhưng lại đặc biệt thành công so với mặt bằng chung của cả nước.

Chúng ta đã dự báo rất chính xác và triển khai kịp thời các giải pháp, vừa căng mình phòng, chống dịch, vừa khắc phục khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong điều kiện cả đầu vào lẫn đầu ra đều gặp thách thức.

Mặc dù vậy, hiện diễn biến dịch Covid-19 tiếp tục khó lường, thực tế chỉ khi nào dịch bệnh không còn trên thế giới nói chung và các địa phương khác của Việt Nam nói riêng thì cuộc chiến phòng, chống dịch của Hải Phòng mới thực sự thành công.

Nghĩa là, những kết quả đạt được trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế của Hải Phòng trong 9 tháng rất ấn tượng, nhưng khó khăn thách thức vẫn tiếp diễn, gây áp lực lớn cho việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Các đánh giá cho thấy, những con số tích cực kể trên mới thể hiện sự nỗ lực trong bối cảnh khó khăn chung, chứ không thể ngộ nhận về mục tiêu tăng trưởng.

Nhìn lại 9 tháng qua, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn có không ít phân ngành kinh tế của thành phố chưa thể hoạt động bình thường hoặc thu hẹp quy mô, nhất là trên các lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Dẫn đến hiệu quả thấp, không những tạo áp lực cho tương lai của nội ngành, mà còn ảnh hưởng đến những mắt xích phối hợp quan trọng trong tổng chuỗi cung ứng toàn xã hội. Chẳng hạn như dịch vụ lưu trú và lữ hành thành phố 9 tháng chỉ đạt khoảng 5,7 triệu lượt, giảm 16,63%; tương tự như vậy, dịch vụ vận chuyển hành khách chỉ đạt đạt 37,1 triệu lượt, giảm 28,66% so với cùng kỳ năm trước.

Ngay cả lĩnh vực công nghiệp, một trong những ngành trụ cột của kinh tế thành phố, bên cạnh những phân ngành duy trì tăng trưởng tốt, còn nhiều phân ngành đang suy giảm sâu, ví dụ như: sản xuất bê tông giảm 35,89%; sản xuất lốp xe giảm 34,2%; sản xuất phụ tùng ô tô giảm 26,1%; sản xuất máy in giảm 24,99%; sản xuất trang phục giảm 20,79%; sản xuất giày dép giảm 16,46%...

Bên cạnh đó, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng cũng giảm 11,96% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó một số phân ngành có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh như: sản xuất trang phục giảm 22,46%; sản xuất giày dép giảm 12,84%; sản phẩm xi măng, vôi và thạch cao giảm 8,97%...

Nhưng khó khăn tác động đã khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, ảnh hưởng không nhỏ đến an sinh xã hội. Thống kê cho thấy có đến 23/29 ngành công nghiệp cấp 2 có chỉ số lao động giảm, trong đó có một số ngành sử dụng nhiều lao động như sản xuất giày dép giảm 14,9%; may mặc giảm 8%; nến, văn phòng phẩm giảm 6%… 

Dịch vụ cảng biển, một trong những phân ngành kinh tế trụ cột

Cũng tại cuộc họp thường kỳ của UBND TP vừa qua, nhiều ý kiến đã chỉ ra những điểm mấu chốt, để các ngành, các địa phương và doanh nghiệp không thể thỏa mãn với thành tựu, mà phải tiếp tục vào cuộc quyết liệt, tiến về đích với khả năng cao nhất có thể.

Thời gian còn lại của năm 2021 chỉ là 3 tháng, theo thông lệ đây chính là điểm rơi của các chương trình, kế hoạch cũng như hợp đồng kinh tế, mang tính quyết định đối với kết quả hoạt động của cả năm.

Vì vậy trước mắt nhiệm vụ hàng đầu là phòng, chống dịch Covid-19 thành công, nhưng bên cạnh đó cũng cần rà soát tất cả chương trình, kế hoạch, các cơ chế, chính sách đề ra từ đầu năm, tạo ra các động lực tăng trưởng mới, biến nguy cơ thành cơ hội phát triển.

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, kinh tế Hải Phòng cũng như cả nước đang được đặt trong những tác động đa chiều, mà về lâu dài chúng ta khó có thể đơn phương bứt phá. Vấn đề đặt ra, dù khó khăn nhưng Hải Phòng quyết tâm tiến về phía trước, cần tập trung theo hướng chủ đạo vào ưu thế của sản xuất công nghiệp, tạo mọi điều kiện để duy trì sản xuất và phát triển.

Cùng với đó, các dự án đầu tư FDI đã đăng ký và các dự án đầu tư của các doanh nghiệp trong nước câng được quan tâm triển khai sớm và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đồng thời tiếp tục thu hút các dự án mới.

Về phương hướng nhiệm vụ từ nay dến hết năm, thành phố cũng quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công, tâp trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án lớn, trọng điểm của thành phố; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khuyến khích tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng; tăng cường quản lý, chỉnh trang phát triển đô thị, giao thông; đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; duy trì nghiêm chế độ thường trực chiến đấu, nắm chắc tình hình địa bàn, giữ vững quốc phòng an ninh...

Đối với riêng nhiệm vụ phát triển kinh tế, điều quan trọng nhất là thành phố phải tiếp tục giữ vững sự ổn định của các ngành kinh tế trụ cột, như tinh thần Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, một số chỉ tiêu tăng trưởng giảm so với cùng kỳ năm trước, vì vậy khối lượng nhiệm vụ từ nay đến cuối năm là rất đáng lưu tâm.

Cho thấy, nhiệm vụ của quý 4 còn rất nặng nề, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải tập trung cao, với tinh thần thuận lợi không được chủ quan, khó khăn phải tránh bi quan buông xuôi và bị động. Đồng thời cần kiên trì chủ động và linh hoạt trong mọi điều kiện để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ cả năm 2021.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông