Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Dấu ấn Hải Phòng trên chặng đường 35 năm đổi mới (Kỳ 3): Tự tin trên con đường Đảng đã lựa chọn

14:11 09/06/2021

Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng phân tích rõ, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.

Thương hiệu Vinfast – biểu tượng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Hải Phòng cũng như cả nước.

Nội dung này chính là sự thể chế hóa Nghị quyết 10-NQ/TW của Trung ương Đảng, xác định rõ 3 trụ cột nòng cốt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gồm: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân.

Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển.

Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất để định hướng, điều tiết, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

          Nhìn vào thực tiễn Hải Phòng, như đã đề cập ở kỳ trước, trong 35 năm đổi mới có thể nói kinh tế thành phố có một hành trang dày dặn đạt được từ giai đoạn vừa kết thúc.

Hải Phòng đã giải quyết được một khối lượng công việc rất lớn mang tính toàn diện, củng cố vững chắc trên lộ trình phát triển, đó là kết quả đúng đắn của các biện pháp quản lý, chỉ đạo mang nhiều tư duy và hành động đổi mới.

Các nút nghẽn cản trở sự phát triển đang từng bước được tháo gỡ, tiềm năng của thành phố dần được khơi dậy, một Hải Phòng năng động, sáng tạo, cởi mở, thân thiện và hội nhập đang dần được khẳng định.

Đặc biệt giai đoạn từ năm 2015 đến nay, Hải Phòng đã đạt được những đột phá về phát triển kinh tế đa thành phần, với việc đề ra những cơ chế mở, thông thoáng, đã và đang triển khai những mục tiêu rất sát với chủ trương của Đảng về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với sự sáng tạo và giải pháp mạnh mẽ.

Trên cơ sở đó, bước vào giai đoạn mới thành phố đã đề ra nhiệm vụ cốt lõi cho từng lĩnh vực cụ thể, hướng tới những mục tiêu mang tính bền vững trên tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Cụ thể, Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố đã đề ra mục tiêu với chủ trương thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển.

Trong đó: “Phát triển mạnh mẽ, đồng bộ các thành phần kinh tế. Nâng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân và khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào GRDP của thành phố. Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp vào GRDP thành phố của khu vực kinh tế tư nhân là 56%, khu vực kinh tế FDI là 35%”.

Mặc dù vậy, những vấn đề hạn chế của kinh tế đa thành phần tại Hải Phòng cũng bộc lộ không ít bất cập. Đây cũng là vấn đề của cả nền kinh tế Việt Nam, mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh còn thấp, thiếu bền vững; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; hiệu quả và năng lực của nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế; môi trường bị ô nhiễm tại nhiều nơi; công tác quản lý, điều tiết thị trường còn nhiều bất cập. Trong khi đó, sự cạnh tranh đang diễn ra ngày càng quyết liệt trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế”.

Từ kinh nghiệm đúc rút trong thực tiễn, Đại hội 16 Đảng bộ thành phố Hải Phòng đã đề ra những giải pháp cơ yếu nhằm phát triển kinh tế đa thành phần trong giai đọan 2020-2025.

Trước hết, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực sự trở thành một động lực quan trọng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đặc biệt trong các ngành kinh tế chủ lực. Cùng vói đó là quan tâm thu hút các tập đoàn kinh tế lớn cả trong và ngoài nước, giữ vai trò dẫn dắt, có sức lan tỏa và đóng góp ngân sách chủ đạo.

Hải Phòng là nơi tập trung những tổ hợp công nghiệp lớn nhất của Tập đoàn đa quốc gia sở hữu thương hiệu LG

Thành phố cũng chủ trương ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp để trở thành nhà cung cấp, doanh nghiệp phụ trợ, tham gia chuỗi giá trị, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Đại hội 16 cũng xác định: “Đẩy mạnh đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tập thể, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển hiệu quả, bền vững”.

Cùng với đó là giải quyết dứt điểm những khối lượng công việc tồn đọng, như hoàn thành sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đối với doanh nghiệp do thành phố quản lý; có cơ chế, chính sách xây dựng, phát triển, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Hải Phòng có tâm, có tài, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển thành phố.

Như vậy, Đại hội 16 Đảng bộ thành phố đã thể chế rõ nét hơn chủ trương căn bản về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện thực tế Hải Phòng.

Đồng thời khẳng định vai trò của Đảng trong phát triển kinh tế không chỉ khơi thông cơ chế dân chủ, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp và người lao động, mà còn khẳng định vai trò định hướng chính trị cho một giai đoạn mới trên lộ trình phát triển bền vững.

Điều quan trọng là chúng ta đã nhận diện đúng thực trạng, tự tin với thành tựu, đánh giá đúng tiềm năng và thách thức, phát huy nội lực và tranh thủ sự hỗ trợ từ ngoại lực để đi lên và vươn xa.

Phát huy truyền thống vẻ vang được hội tụ từ hàng nghìn năm của miền đất và con người luôn tràn đầy hào khí Bạch Đằng Giang, với truyền thống Trung dũng - Quyết thắng, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới và khát vọng vươn lên mạnh mẽ.

Hải Phòng nhất định sẽ cùng cả nước hoàn thiện và vận hành thành công nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, một mô hình chưa có trong tiền lệ lịch sử.

Theo nguyên tắc mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc rút: “Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”.

          Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông