Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt (23/11/1922-23/11/2022): Tấm gương chói sáng trên đỉnh cao niềm tự hào Việt Nam (Kỳ 1) - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng miền Nam

15:05 22/11/2022

Đồng chí Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống văn hiến, yêu nước, đấu tranh chống áp bức cường quyền, nên khi tuổi đời còn rất trẻ, Đồng chí đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước, giác ngộ cách mạng.
Đồng chí Võ Văn Kiệt (ngoài cùng bên trái) cùng thanh niên xung phong miền Nam năm 1976 (ảnh tư liệu)

          Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Kiệt gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của Đảng và dân tộc ta. Thời thơ ấu và niên thiếu vất vả, bươn trải đã hun đúc ý chí giải phóng dân tộc, bản lĩnh của Võ Văn Kiệt. Khi 16 tuổi, đồng chí đã giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào Thanh niên phản đế và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi.

          Khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, ở tuổi 18, Đồng chí được giao làm Bí thư Chi bộ xã Trung Hiệp, Huyện ủy viên huyện Vũng Liêm, lãnh đạo Nhân dân nổi dậy cướp chính quyền ở huyện lỵ, trong quá trình hoạt động cách mạng, Đồng chí đã bắt đầu bộc lộ tư chất của một tài năng lớn.

          Trên cương vị Tỉnh ủy viên lâm thời tỉnh Rạch Giá, Đồng chí thường xuyên bám địa bàn, bám đất, bám dân, nhiều lần đối mặt với cái chết trong gang tấc, xây dựng cơ sở cách mạng, huấn luyện lực lượng quân sự, mở rộng và phát triển căn cứ địa U Minh trở thành đầu não chỉ huy kháng chiến của các tỉnh miền Tây Nam Bộ, góp phần cùng các địa phương trong cả nước làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

          Khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, trên cương vị Ủy viên Chính trị dân quân cách mạng Liên tỉnh miền Tây, đồng chí Võ Văn Kiệt được phân công trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở các tỉnh Rạch Giá, Bạc Liêu. Dấu chân của Đồng chí đã in khắp các chiến trường miền Tây Nam Bộ. Bằng trí tuệ, hoạt động chỉ đạo của mình, Đồng chí đã góp phần tích cực vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta.

          Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), đồng chí Võ Văn Kiệt được Đảng phân công bí mật ở lại miền Nam, tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam. Trong tình thế khó khăn của cách mạng miền Nam khi đó, đồng chí Võ Văn Kiệt đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, bám sát địa bàn, chỉ đạo cơ sở đấu tranh với kẻ thù. Với sự nhạy cảm của một nhà hoạt động cách mạng lão luyện, Đồng chí có những nhận định hết sức đúng đắn về âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, kịp thời đề ra những đối sách, chỉ đạo phong trào cách mạng.

          Xuất phát từ thực tiễn nóng bỏng của cách mạng miền Nam, nắm bắt yêu cầu, nguyện vọng đấu tranh của quần chúng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những ý kiến đề xuất với đồng chí Lê Duẩn, góp phần bổ sung cơ sở lý luận và thực tiễn cho bản Đề cương cách mạng miền Nam, để từ đó Đảng ta nghiên cứu, hoàn thiện cho ra đời Nghị quyết 15 lịch sử, thổi bùng lên phong trào Đồng khởi, tạo bước ngoặt quan trọng của cách mạng miền Nam.

          Từ cuối năm 1959 đến đầu năm 1970, dưới sự chỉ đạo của Khu ủy T.4, đứng đầu là Bí thư Võ Văn Kiệt, quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã anh dũng chiến đấu lập nhiều chiến công vang dội; góp phần vào thắng lợi chung của Nhân dân cả nước, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris (1/1973), rút quân khỏi miền Nam, tạo ra cục diện mới cho cách mạng miền Nam.

          Sau Hiệp định Paris, trên cương vị là Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 9, đồng chí Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu đưa ra những quyết định mang tính lịch sử “Đánh địch lấn chiếm, giữ đất giữ dân”; không chấp nhận ngừng bắn khi chính quyền Sài Gòn đã vi phạm Hiệp định Paris; kiên quyết, chủ động và liên tục tiến công địch trên các mặt trận, cả nông thôn và thành thị.

          Với quyết định đúng đắn và rất sáng tạo đó, chỉ trong thời gian ngắn, quân và dân Khu 9 đã làm thất bại âm mưu lấn chiếm của địch, mở rộng thêm nhiều vùng giải phóng, tạo nên thế và lực mới rất quan trọng, là một trong những cơ sở để Đảng ta đưa ra quyết định phát động cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

          Mùa Xuân năm 1975, trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn, trên cương vị Ủy viên Đảng ủy đặc biệt của Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đồng chí đã cùng Bộ Tư lệnh chiến dịch, chỉ huy năm cánh quân thần tốc tiến vào thành phố, phối hợp với sự nổi dậy của Nhân dân, buộc chính quyền Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

          Sau ngày đất nước thống nhất, trên cương vị Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh rồi Bí thư Thành ủy, Đồng chí đã cùng lãnh đạo Thành phố đưa ra những quyết sách hết sức năng động, phù hợp với tình hình thực tiễn, từng bước tháo gỡ khó khăn, đưa Thành phố dần đi vào ổn định để rồi sau đó trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.

          Đã có lúc người ta đặt cho đồng chí Võ Văn Kiệt nhiều cái tên như “Chủ tịch gạo”, “Bí thư phá rào” để thấy những quyết định của Đồng chí không rập khuôn, giáo điều, thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo, năng động, bám sát yêu cầu của thực tiễn cách mạng, có tầm ảnh hưởng lớn đối với đất nước, với Nhân dân.

          (còn nữa)

          Hoàng Minh 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông