Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, 20 năm Ngày toàn dân PCCC: Đóng góp xứng đáng của lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố Hải Phòng (Kỳ 1) -Tiên phong từ những ngày đầu

15:42 01/10/2021

Ngày 04-10-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Pháp lệnh “Quy định việc quản lý Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy”. Ngày đó đã trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát PCCC, nay là lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH (gọi tắt là PCCC).

Chữa cháy tàu Alexander Grin tại Cảng Hải Phòng (Ảnh tư liệu)     

Nhưng trước đó từ 13-5-955, khi Hải Phòng được giải phóng, cũng đồng thời ngày giải phóng toàn miền Bắc, lực lượng Cảnh sát PCCC đã được hình thành. Trong niềm hân hoan của không khí tiếp quản, một số đoàn viên Công đoàn bí mật trong Đội cứu hỏa cũ, đã đến tiếp quản cơ sở cứu hỏa ở phố Hoàng Diệu. Đây là tổ chức phòng cháy, chữa cháy đầu tiên của thành phố, tiền thân của lực lượng Cảnh sát PCCC – CATP Hải Phòng ngày nay.

Biên chế lúc này, ngoài số vào tiếp quản còn có 20 công nhân cứu hỏa được ta lưu dụng, với 4 xe chữa cháy và 3 máy bơm mà ta đã đấu tranh buộc quân Pháp để lại. Với lực lượng và phương tiện ít ỏi đó, đội phòng cháy, chữa cháy bắt tay ngay vào xây dựng tổ chức, lập các kế hoạch, phương án PCCC, phục vụ công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế của thành phố, giữa vô vàn khó khăn. Đồng chí Phạm Kiểm được giao làm Đội trưởng, đồng chí Trần Đăng Hải làm Đội phó.

Sau ngày thành phố Hải Phòng giải phóng hơn 1 tháng, tại khu vực Cảng Đoạn Xá xảy ra vụ cháy kho do quân đội quản lý, đây là kho vũ khí, đạn dược của Pháp do ta thu hồi sau chiến tranh. Khi lực lượng PCCC đến nơi thì đám cháy đã lan rộng, các chiến sĩ dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Phạm Kiểm, đã lợi dụng dịa hình, địa vật, kéo vòi rồng tiếp cận gần đám cháy, tập trung phun nước dập tắt ngọn lửa, hạ nhiệt độ khu vực kho.

Trong điều kiện chữa một đám cháy có đạn nổ, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, song cán bộ, chiến sĩ PCCC đã nêu cao lòng quả cảm, không ngại nguy hiểm, không sợ hy sinh, chữa cháy thắng lợi. Chiến công trên của lực lượng PCCC được Nhân dân khâm phục, Ủy ban hành chính thành phố khen ngợi.

Ngày 30-12-1955, Chính phủ giao Bộ Công an quản lý công tác phòng, cứu hỏa và tiếp nhận xe và máy bơm chữa cháy do Liên Xô viện trợ. Ngày 27-3-1956, Bộ Công an ban hành Chỉ thị số 347/TA về việc “Xây dựng lực lượng chuyên nghiệp ở miền Bắc”.

Cũng trong năm 1956, Bộ Công an ban hành Quyết định số 1175/V2, ngày 01-6-1956, quy định về nguyên tắc, nhiệm vụ, cơ cấu và chế độ làm việc của đội cứu hỏa, trong đó, còn quy định rõ đội cứu hỏa thành phố, thị xã là một bộ phận của Cảnh sát nhân dân.

Cuối năm 1956, 11 đơn vị phòng hỏa, cứu hỏa của các tỉnh thành phố miền Bắc lần lượt được thành lập, trong đó có Hải Phòng. Lực lượng cứu hỏa bắt đầu chỉnh quân, tập luyện và tập huấn nghiệp vụ PCCC do chuyên gia Liên Xô hướng dẫn.

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, lực lượng PCCC tiến hành củng cố tổ chức, được bổ sung thêm một số cán bộ, chiến sĩ trẻ, khoẻ để đào tạo, huấn luyện, biên chế thành 4 tiểu đội. Ngoài nhiệm vụ tập luyện, thường trực chiến đấu, các tiểu đội còn thay phiên nhau xuống các ngõ phố nắm địa hình dân cư, hướng dẫn PCCC, qua đó lên sơ đồ phương án kế hoạch chữa cháy cho từng khu vực.

Ở tỉnh lỵ Kiến An, dưới thời thuộc Pháp, không có đội cứu hỏa. Ngay sau khi tiếp quản thị xã, Ty Công an đã giao cho các đơn vị Công an phối hợp vận động nhân dân tham gia phong trào bảo vệ trị an, đồng thời kết hợp tuyên truyền về công tác PCCC, bố trí lực lượng kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy, đề xuất với Ủy ban hành chính tỉnh có chủ trương, biện pháp phòng ngừa các vụ cháy có thể xảy ra.

Ở các vùng nông thôn, trong mùa hanh khô, lực lượng Công an tiến hành tuyên truyền, vận động nhân dân đề phòng hỏa hoạn. Nhờ vậy, kể từ ngày giải phóng đến năm 1960, trên địa bàn Kiến An không có vụ cháy lớn nào xảy ra.

Ở Hải Phòng, ngày 2-4-1957, Ủy ban hành chính thành phố ban hành Nội quy PCCC. Trên cơ sở đó Đội PCCC phân công cán bộ, chiến sĩ đến các cơ quan, xí nghiệp để hướng dẫn về công tác, giúp lãnh đạo đơn vị xây dựng các phương án, củng cố lực lượng, phương tiện PCCC ở những nơi dễ cháy, nổ và hướng dẫn tự vệ các thao tác chữa cháy ban đầu, trong những tình huống đám cháy nhỏ.

Tại các khu dân cư, lực lượng PCCC phối hợp với các đồn Công an, hộ tịch viên dến từng nhà kiểm tra việc lưu giữ và sử dụng chất đốt, nhiên liệu, nhắc nhở những trường hợp không đảm bảo yêu cầu phòng cháy. Lực lượng PCCC cùng các đội dân phòng xây dựng các Tổ PCCC, hướng dẫn tập luyện, đồng thời kiến nghị với các Tiểu khu mua sắm phương tiện PCCC.

Do được tổ chức chặt chẽ và tập luyện chu đáo nên các đội dân phòng dã dập tắt dược nhiều dám cháy nhỏ phát sinh, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Những năm 1958-1960, Hải Phòng - Kiến An bước vào thời kỳ cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, các công trường, nông trường, nhà máy, kho tàng, trường học... được xây dựng, nhiệm vụ PCCC được đặt ra với yêu cầu cao hơn.

Hoàng Minh (Còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông