Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Tây Bắc (1952-2022): Bản hùng ca giữa rừng hoa ban (Bài 3)

10:01 27/10/2022

Đêm ngày 17/11/1952, Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) được tăng cường tiến công Bản Hoa, diệt hơn 300 tên. Đêm ngày 18/11, Trung đoàn 141 (Đại đoàn 312) dùng 2 tiểu đoàn đánh Ba Lay diệt gần 1 tiểu đoàn địch. Cùng thời gian, Đại đoàn 308 tiến công nhiều vị trí ở Hát Tiêu, Mường Lụm, loại khỏi vòng chiến đấu 98 tên, diệt và bắt sống 149 tên, có 69 lính Âu - Phi.

 

Bài 3-Reo vang bài ca chiến thắng

          Đêm ngày 19/11 đến 2 giờ 15 phút ngày 20/11/1952, Đại đoàn 316 tiến công Mộc Châu, loại khỏi vòng chiến đấu 309 tên, thu toàn bộ vũ khí, giải phóng hơn 1.000 dân bị địch bắt giam.

          Sau khi các vị trí then chốt ở tuyến phòng ngự cao nguyên Mộc Châu bị tiêu diệt, địch ở Chiềng Pan, sông Con, Tạ Say, Sa Piệt, Tạ Khoa… rút chạy, ta tiếp tục truy kích diệt và bắt sống hơn 1 tiểu đoàn địch. Bị tiến công mạnh, địch ở Chiềng Đống, Cò Nòi, Yên Châu phải rút về Nà Sản. Những trận đánh vào tuyến phòng thủ Mộc Châu của ta đã giành thắng lợi lớn.

          Trên hướng Phú Thọ (hậu phương của chiến dịch), ngày 17/11/1952, để đánh tan cuộc hành binh Loren, Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) phục kích địch trên đường Chân Mộng - Năng Yên, Trạm Thản, tiêu diệt và bắt sống trên 400 tên, phá hủy 27 ô tô, 17 xe tăng, xe bọc thép. Đêm ngày 23, rạng sáng ngày 24/11/1952, Trung đoàn 36 tiến công địch ở Núi Quyết (gần Cổ Tiết thuộc tỉnh Phú Thọ), diệt thêm 1 đại đội, làm thiệt hại nặng binh đoàn cơ động số 4 của địch.

          Sau gần 1 tháng đánh lên Phú Thọ, cuộc hành quân của địch phản kích vào hậu phương chiến dịch của ta đã không đem lại kết quả và bị thiệt hại nặng: 1.800 tên bị loại khỏi vòng chiến đấu, 173 tên bị bắt, 60 xe cơ giới bị phá hủy.

          Kết quả đến hết giai đoạn hai, ta đã diệt và bắt sống hơn 30.000 tên địch, giải phóng 17.700 km2, tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản) và một phần tỉnh Lai Châu không còn giặc. Đế ngày 30/11/1952 quân ta chuyển sang bắt đầu giai đoạn ba của Chiến dịch, bẳng cuộc tiến công Tập đoàn cứ điểm Nà Sản.

          Sau những thiệt hại nặng, trước nguy cơ mất còn ở Tây Bắc, bộ chỉ huy quân Pháp quyết định xây dựng Nà Sản thành cứ điểm mạnh, lực lượng phòng thủ gồm 12 tiểu đoàn bộ binh 1 tiểu đoàn pháo binh, tổng binh lực lên đến 12.000 tên, coi đây là “con đê ngăn sóng”.

          Tiểu khu Nà Sản thuộc xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Địa hình bằng phẳng, rộng, đồi núi nhấp nhô, ra xa có nhiều các điểm cao quan trọng. Ngày 30/11/1952, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định mở đợt tiến công thứ 3 tiêu diệt địch ở Nà Sản, lực lượng gồm 12 tiểu đoàn thiếu thuộc các đại đoàn 308, 312, 316.

          Đêm ngày 30/11/1952, Trung đoàn 102 và Tiểu đoàn 322, Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) tiến công chiếm được Pú Hồng, nhưng sau đó địch phản kích chiếm lại; Tiểu đoàn 115, Trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) tiến công làm chủ được Bản Hời (Bắc Nà Sản), diệt gần 1 đại đội địch.

          Đêm ngày 1/12, Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) tiến công Bản Vây (Nam Nà Sản), Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) tiến công Nà Si. Cuộc chiến đấu của quân ta trên các hướng diễn ra vô cùng ác liệt, địch sử dụng không quân, pháo binh bắn phá dữ dội vào trận địa của ta, dùng hỏa lực tại chỗ ngăn chặn quyết liệt, bộ đội ta bị thương vong nhiều; trong khi đó, ngày 02/12 địch lại thả dù tăng cường cho Nà Sản 2 tiểu đoàn; thời gian chiến dịch đã dài, ta chưa chuẩn bị đầy đủ để đánh chắc thắng.

          Ngày 10/12/1952, sau khi xem xét tình hình, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định kết thúc chiến dịch. Như vậy sau 2 tháng mở chiến dịch, quân ta đã diệt, bắt sống và làm bị thương trên 6.000 tên địch, giải phóng diện tích 28.500km2 với 25 vạn dân của vùng Tây Bắc.

          Kết quả chiến dịch Tây Bắc đã mở ra một thế chiến lược mới, rất thuận lợi cho ta, nối liền Tây Bắc với Việt Bắc và Thượng Lào, nối liền với phía Tây căn cứ địa Việt Bắc. Đường giao thông quốc tế từ Trung Quốc sang Lào Cai (Việt Nam), từ Việt Nam sang Lào, từ Tây Bắc, Việt Bắc xuống Liên khu 3, Liên khu 4 vào Nam dễ dàng, thuận lợi hơn.

          Chiến thắng Tây Bắc 1952 đã đi vào lịch sử kháng chiến giành độc lập dân tộc, là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cả về quân sự, chính trị, kinh tế, tạo ra thế và lực mới để tiến hành cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

          Về quân sự, Chiến thắng Tây Bắc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, thu nhiều vũ khí trang bị. Đập tan thế bố trí lực lượng của địch tại vùng Tây Bắc và các cuộc hành quân, chi viện của địch, đẩy địch vào thế co cụm, phòng ngự.

          Về chính trị, kinh tế, Chiến thắng Tây Bắc đã giải phóng được một vùng rộng lớn đất đai ở địa bàn chiến lược. Những cánh đồng rộng lớn như Điện Biên, Nghĩa Lộ, Than Uyên, Quang Huy, Phù Yên lắm thóc, nhiều lâm thổ sản đã thuộc về ta, góp phần tạo thuận lợi cho việc xây dựng, củng cố chính quyền Nhân dân, cơ sở Đảng, cơ sở chính trị và tiềm lực cho kháng chiến; mở rộng hậu phương kháng chiến, tạo điều kiện thuận lợi cuộc tiến công chiến lược Đông xuân 1953 - 1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

          Chiến thắng Tây Bắc đã khẳng định sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam, khả năng tác chiến, hiệp đồng binh chủng với quy mô lớn ở địa hình rừng núi, xa hậu phương, làm kinh nghiệm quý để ta tổ chức các chiến dịch với quy mô lớn hơn.

          Đồng thời là nguồn động viên to lớn đối với quân và dân ta, qua đó góp phần củng cố niềm tin vào sự nghiệp cách mạng, đường lối kháng chiến của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, kiến quốc thắng lợi.

          Hoàng Minh (tổng hợp)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông