22:25 10/11/2024 Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, ngày 21-7-1954, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng quyết định đưa đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra miền Bắc (gọi tắt là tập kết ra Bắc) để tiếp tục học tập, nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Ðảng. Với những người trong cuộc, ký ức 70 năm ngày đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí họ.
Theo đó, với vị trí chiến lược, Hải Phòng được Trung ương Đảng tin tưởng, giao nhiệm vụ cùng các địa phương khác như Thanh Hóa, Thái Bình, Nghệ An đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc với khoảng hơn 32.000 con em miền nam ruột thịt.
Nhân dân Hải Phòng đã tổ chức đón tiếp, chăm sóc, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đời sống của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết. Nhường cơm sẻ áo, chăm lo từng giấc ngủ, miếng ăn đến việc học hành của từng học sinh miền Nam.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, hầu hết các “hạt giống đỏ” được ươm trồng trên đất bắc trở về miền nam thành lực lượng nòng cốt, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, nhiều người trong số họ đã trở thành các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, các nhà khoa học, nhà giáo, nghệ sĩ, nhà doanh nghiệp có uy tín, đóng góp nhiều cho đất nước, cho quê hương.
Ngược dòng thời gian 70 năm về trước của những cô cậu học trò niên thiếu vừa mới độ tuổi 11,12 từ miền Nam xa xôi họ vượt Trường Sơn bão lửa tập kết ra Bắc. Đầu năm 1955, miền Bắc có 5 cụm trường: Hải Phòng, Hà Đông, Hải Dương, Vĩnh Phúc, và Hà Nam với 17.500 học sinh các cấp I, II, III phổ thông, bổ túc văn hóa. Thời gian sau đó, toàn miền Bắc đón khoảng 32.000 học sinh, riêng Hải Phòng có 15.000 học sinh học tại gần 20 trường. Hải Phòng khi ấy chính là “vườm ươm” lớn nhất nuôi dưỡng những “Hạt giống Đỏ” cho học sinh miền Nam được học tập và trưởng thành
70 năm đã trôi qua, nhưng với NSND Trà Giang, ký ức về những ngày đón tiếp ấy vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí. Nữ NSND chia sẻ, Thời gian đầu ra Bắc, NSND Trà Giang học ở trường ở Thái Bình và Sơn Tây, sau đó đến cuối năm 1955 là thời gian bà đến Hải Phòng. Nghĩ về thời kỳ đó, đến nay NSND Trà Giang vẫn luôn bồi hồi xúc động và vẫn luôn luôn khắc ghi lòng biết ơn sâu sắc nhất đối với nhân dân Hải Phòng. Năm 1955, Hải Phòng mới tiếp quản thì học sinh miền Nam về và thời gian mới tiếp quản thì nhân dân Hải Phòng còn gặp rất là nhiều khó khăn nhưng nhân dân thành phố Cảng vẫn nhường cơm sẻ áo, dành tất cả sự quan tâm cho học sinh miền Nam.
Miền Bắc lúc bấy giờ mới giải phóng, còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế và đời sống, nhưng những con em của đồng bào miền Nam tập kết vẫn có được một cơ ngơi để học tập và vui chơi.
Từng ở Hải Phòng 7 năm từ lớp 4 đến hết lớp 10 THPT, trong miền ký ức của tiến sỹ Diệp Ngọc Sương khi ấy, dường như cả Hải Phòng đã dành trọn tình cảm, sự đùm bọc, dạy dỗ và nuôi nấng những thế hệ học sinh như bà bằng cả tình yêu thương như ruột thịt.. Cả tuổi thơ của bà gắn bó với Cầu Quay, chợ Sắt, với sông Lấp, Cầu Rào cùng biết bao ký ức tươi đẹp về những người bạn thân thương người Hải Phòng, về thành phố hoa phượng đỏ mà bà nặng lòng, thổn thức mỗi khi nhắc đến. Và cho đến sau này, khi đã trở về Nam công tác, đứng trên bục giảng, ký ức tươi đẹp về thành phố này vẫn được bà lồng vào những bài giảng cho bao thế hệ học trò miền nam hiểu hơn, yêu hơn những năm tháng học sinh miền Nam được bao bọc, nuôi dưỡng và trưởng thành trên đất Bắc
Tiến sỹ Diệp Ngọc Sương - Cựu học sinh miền Nam tập kết ra Bắc chia sẻ, sau thời gian tập kết ra Bắc trở về miền nam tôi vẫn không nguôi tình yêu và nỗi nhớ tới miền Bắc thân yêu, hồi còn nhỏ thì “Ngày Bắc đêm Nam”, nhưng đến khi về miền Nam thì lại “Ngày Nam đêm Bắc” luôn đau đáu nhớ về Hải Phòng. Sau khi chia tay Hải Phòng về với miền Nam, tôi vẫn luôn luôn nghĩ mình phải phấn đấu như thế nào để xứng đáng được cái tình yêu thương của đồng bào miền Bắc chăm sóc mình nuôi dưỡng mình để trưởng thành.
Sau 70 năm, Hải Phòng hôm nay đã rộng dài, đẹp đẽ, hiện đại và khang trang hơn rất nhiều với những công trình vượt thời gian mang tầm thế kỷ. Những cựu học sinh miền Nam tập kết ra Bắc thuở nào cũng đều đã bước vào độ tuổi “xưa nay hiếm”. Họ về Hải Phòng mỗi năm dịp phượng nở, dịp kỷ niệm những tháng ngày đầu tiên đặt chân lên đất Bắc. Họ tìm lại dấu ấn, nỗi nhớ niềm thương của những tháng năm niên thiếu và còn cảm thấy vui mừng, hạnh phúc khi thành phố - quê hương thứ hai trong họ đang đổi thay, phát triển mạnh mẽ mỗi ngày.
Tình cảm cùng niềm tin yêu giữa nhân dân hai miền Nam – Bắc không chỉ trong quá khứ mà còn trường tồn đến tương lai. Để biểu tượng “hạt giống đỏ” được xây dựng ngay trên đất Bắc, trên quê hương Hải Phòng này còn mãi và để nhắc nhớ về những năm tháng chia ngọt sẻ bùi không thể nào quên.
VŨ DUYÊN
17:47 02/12/2024
17:38 02/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Thủ tục trang bị vũ khí quân dụng
Công an quận Kiến An: Điều tra làm rõ đối tượng trộm cắp tài sản
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão