16:01 25/07/2022 Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2//9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Để đạt được mốc son này, từ trước đó đã biết bao chiến sỹ cách mạng đã phải hy sinh một phần xương máu và cả tính mạng vì nền độc lập của dân tộc. Tiếp đó, Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, lớp lớp những người con ưu tú của chế độ Việt Nam mới đã nhất tề đứng lên, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, bảo vệ thành quả cách mạng.
Trong cuộc chiến đấu này, nhiều chiến sĩ đồng bào ta đã bị thương, có người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Để phần nào xoa dịu nỗi đau mất mát ấy, Chính phủ đã vận động thành lập một tổ chức, lấy tên gọi là Hội giúp binh sĩ tử nạn. Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn (sau đó đổi tên Hội giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hoá (Bình Trị Thiên) ở Hà Nội và một số nơi khác.
Cùng với việc kêu gọi giúp đỡ thương binh, gia đình tử sĩ, vào năm 1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác Thương binh, Liệt sĩ đối với cuộc chiến tranh của Việt Nam. Đồng thời, để chỉ đạo công tác thương binh tử sĩ trong cả nước, ngày 26/2/1947, Phòng thương binh thuộc Chính trị Cục, quân đội quốc gia Việt Nam được thành lập.
Vào tháng 7/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và đại diện một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Thái Nguyên). Nội dung cuộc họp là thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ Tịch, chọn Ngày kỷ niệm Thương binh, Liệt sĩ và bảo vệ công tác Thương binh, Liệt sĩ. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh, Liệt sỹ toàn quốc.
Nhân dịp này, Hồ Chủ Tịch viết: “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con của nhân dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta đã dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết tâm đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh tính mệnh để giữ tính mệnh đồng bào. Họ quyết hy sinh gia đình và tài sản họ để bảo vệ gia đình và tài sản đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của chúng ta…”.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định lấy ngày 27/7 hàng năm chính thức là Ngày Thương binh, Liệt sĩ cả nước.
Theo thống kê, cả nước có hơn 1,2 triệu Liệt sỹ và hàng triệu Thương binh, nhưng dường như ai cũng hiểu rằng con số này khó đạt được chính xác, bởi do điều kiện chiến tranh, còn nhiều người chưa xác định được danh tính, hồ sơ về Thương binh, Liệt sỹ chưa thể khép lại. Nhưng có một hiện thực không thể phủ nhận, đó là trong suốt hành trình cách mạng, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác Thương binh, Liệt sỹ, người có công.
Hiện thực ấy đã thấm đậm trong lòng mỗi người dân Việt Nam, trở thành một hiện tượng đặc biệt mà khó có quốc gia nào trên thế giới làm được. Để mỗi tháng 7 về, không riêng hệ thống chính trị, mà người người, nhà nhà cho đến các tổ chức xã hội, doanh nghiệp đều hướng đến các hoạt động tri ân, thể hiện tinh thần “uống nước, nhớ nguồn – đền ơn đáp nghĩa” đầy nhân văn của truyền thống Việt Nam.
Đối với Hải Phòng, theo Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Anh Quân, thành phố hiện đang thực hiện chế độ trợ cấp hàng tháng cho trên 29.000 người có công và thân nhân người có công với kinh phí bình quân 50 tỷ/tháng. 100% bà Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn thành phố còn sống từ trước đến nay đều được các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời.
Chỉ tính từ năm 2016, thời điểm triển khai Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố đến nay, thành phố đã chỉ đạo thực hiện đầy đủ kịp thời các chính sách đối với người có công trên địa bàn, tổ chức chi trả ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần với tổng kinh phí hơn 4.641 tỷ đồng.
Cùng với việc thực hiện hỗ trợ nhà ở theo chính sách chung, từ năm 2012 HĐND TP đã ban hành chính sách đặc thù, triển khai hỗ trợ cho 9.765 hộ gia đình người có công có khó khăn về nhà, với tổng kinh phí trên 350 tỷ đồng.
Hàng năm, ngoài ngân sách của Trung ương tặng quà nhân dịp các ngày Lễ, Tết nguyên đán, ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7) thành phố đã chi từ nguồn ngân sách của thành phố tặng quà 100% người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng và người được ủy quyền thờ cúng liệt sỹ với mức năm sau cao hơn năm trước.
Đồng chí Lê Anh Quân cho biết, kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022) năm nay, thành phố đã quyết định mức tặng quà là 5 triệu đồng/người, số đối tượng được thụ hưởng là 46.046 người, với tổng kinh phí 230 tỷ đồng.
Có thể nói, Ngày 27/7 thực sự đã đi vào lịch sử dân tộc, khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Hải Phòng cũng như cả nước, để hàng năm cứ đến dịp này, sự lan tỏa nghĩa tình vừa sâu lắng, vừa đằm thắm lại dâng lên, trọn vẹn hai chữ “tri ân” đầy ý nghĩa.
Lê Minh Thắng
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão