10:07 15/09/2018 Nói thêm về những bất cập tồn tại, nhìn vào thực trạng mô hình CCN ở Hải Phòng. Sau thời kỳ phát triển có phần nghiêng về tự phát, bởi do địa phương quyết định thành lập nên các CCN chưa có một khái niệm cụ thể, lẫn lộn giữa cụm và điểm ngay trong nội bộ những cơ quan sáng tạo ra nó, chưa nói đến việc làm thế nào để cộng đồng doanh nghiệp cũng như xã hội cùng hiểu và điều chỉnh. Tên gọi không thống nhất, thiếu quy chuẩn về mô hình và quan trọng nhất là không có cơ quan chủ quản cụ thể đang là thực trạng chung của các CCN. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản làm nảy sinh không ít vấn đề phức tạp trong quá trình hoạt động, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, ô nhiễm môi trường, tranh chấp lao động... Hơn nữa nhiều vụ việc vi phạm dù đã được phát hiện làm rõ nhưng được xử lý chậm, thiếu kiên quyết, đôi khi bị đùn đẩy vì mỗi ngành chỉ chịu trách nhiệm đối với lĩnh vực mình quản lý.
Một góc CCN Bắc An Lão (huyện An Lão)
Một trong những điều kiện đối với CCN được hiểu là: “có ranh giới địa lý xác định, nằm cách biệt với khu dân cư…”, nhưng cũng ít CCN ở Hải Phòng đáp ứng được tiêu chí này. Bởi lẽ tiếp cận từ thực tiễn, một số không nhỏ các CCN mang đậm tính sáng tạo của địa phương, thậm chí chỉ mang tên gọi là CCN khi các cơ sở sản xuất đã hình thành, được “quy” lại để hợp thức hoá. Vấn đề nữa là, ban đầu tưởng như CCN ở xa dân cư, nhưng làn sóng “công nghiệp về đầu dân ta theo về đó” đã là lẽ tự nhiên.
Đơn giản khi phát sinh nhu cầu sinh hoạt của người lao động, phát sinh các yếu tố phục vụ sản xuất kinh doanh, đương nhiên sẽ phát sinh yêu cầu về dịch vụ. Đây là hệ quả dẫn đến sự hình thành các khu dân cư mới “hậu công nghiệp”, đôi khi do sự yếu kém trong quản lý đất đai cũng như các ngành quản lý khác, dẫn đến hệ luy ngoài mong muốn.
Bên cạnh đó, kể cả những CCN được triển khai thành lập một cách bài bản, qua quá trình hoạt động cũng phát sinh bất cập vì quy hoạch được điều chỉnh. Đơn cử như CCN Vĩnh Niệm, một trong những mô hình tiên phong của thành phố, hiện cũng đang lọt thỏm giữa trung tâm do thời gian đã biến khu vực hoang vắng một thời phía Nam quận Lê Chân trở thành khu vực phát triển năng động.
Việc đề xuất di dời CCN Vĩnh Niệm sau năm 2020 và chuyển đổi mục đích sử dụng đất mặt bằng hiện nay là phù hợp với yêu cầu phát triển, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, việc làm và lao động. Nhìn từ góc độ khác, đây cũng là một bài học kinh nghiệm về tầm nhìn và phát triển bền vững.
Nói như vậy, không có nghĩa trong mấy chục năm qua mô hình CCN nằm ngoài sự quản lý. Trên thực tế, trước khi có Nghị định 68 của Chính phủ, mô hình CCN cơ bản hoạt động theo sự quản lý của Quy chế được ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhưng điều bất cập mang tính vĩ mô thấy rõ, thời điểm ra đời từ Quyết định 105 đến Nghị định 68 đã là 18 năm, từ lúc mô hình công nghiệp nói chung ở Hải Phòng cũng như cả nước tập trung vào chiều rộng, công nghệ đầu tư trong nước còn lạc hậu chủ yếu vào các dạng hình sử dụng nhiều lao động, tiêu tốn nguyên vật liệu và năng lượng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật manh mún, nhỏ lẻ. Cuộc cách mạng về công nghệ thông tin cũng chưa tạo hiệu ứng rõ nét như hiện nay.
Sản xuất đồ chơi trẻ em tại CCN Tân Liên (Vĩnh Bảo)
Trải qua thời gian, sự ứng dụng khoa học kỹ thuật liên tục phát triển, quá trình tái cấu trúc đổi mới mô hình tăng trưởng sang chiều sâu cũng khiến cơ cấu vận hành của các khu, cụm công nghiệp thay đổi.
Đặc biệt khi quy hoạch được quan tâm, kiểm soát đầu tư công nghệ và môi trường được thắt chặt, các KCN có diện mạo mới thì các CCN vô hình dung trở thành sân sau thế chỗ cho các KCN. Đây là xu hướng vận động tất yếu và tích cực, nhưng trước những thay đổi mạnh mẽ về phát triển chung, việc phát triển các CCN cũng cần phải được quy hoạch lại, theo hướng xác định quy mô thế nào, ai quản lý và bao nhiêu là đủ?
Đây là việc cấp thiết để hoàn thiện hóa một mô hình đang đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của thành phố, trên cơ sở đúc rút những bài học thành công và chưa thành công trong quá trình hàng chục năm hình thành và hoạt động.
Thời gian qua, tại Hải Phòng đã diễn ra nhiều sự kiện liên quan thảo luận khá sâu về vấn đề này. Trong đó, một trong những ý kiến được cân nhắc là cơ chế về hình thức vận hành và bộ máy quản lý, nhằm khắc phục những hoạt động tự phát, quản thì mỗi nơi làm một kiểu, đầu tư thì theo kiểu tự thân vận động có đến đâu đầu tư đến đó.
Đồng thời nhiều ý kiến cho rằng cần có những quy định cụ thể nhằm quản lý việc sử dụng đất đai, xây dựng các CCN một cách hiệu quả, tránh tình trạng tràn lan lãng phí. Hoặc những quy định về đăng ký, xây dựng, đảm bảo môi trường, an toàn lao động cũng cần phải xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành, giám sát và xử lý vi phạm.
Một vấn đề nữa cũng được quan tâm, đó là cần phải rà soát lại toàn diện bản đồ công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp Hải Phòng, xác định lại lộ trình của từng giai đoạn quá độ cho các lĩnh vực nghề, để đề xuất cơ chế quy tụ những cơ sở sản xuất, những ngành nghề sản xuất đã phát triển tốt về CCN. Nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tương tự hoặc có liên quan tới nhau hoạt động trong các CCN chuyên ngành, một mặt nhằm tăng sức cạnh tranh, một mặt dễ áp dụng hơn các chính sách ưu đãi.
Tất nhiên để đạt được điều này, các mục tiêu phải được tập hợp trong một đề án khoa học, với sự tham gia xây dựng của nhiều chuyên gia có bề dày kinh nghiệm.
Điều đó cho thấy, Hải Phòng vẫn là địa phương nhìn trước được vấn đề, rõ nét nhất là việc từ ngày 20-9-2016, UBND TP đã ban hành Quyết định 2038/QĐ-UBND về việc bãi bỏ một số quyết định thành lập, phê duyệt quy hoạch, phê duyệt dự án đầu tư CCN trên địa bàn thành phố.
Đây là bước đi rất quan trọng, nhằm rà soát, đánh giá lại tổng thể để nâng cao chất lượng các CCN, tạo ra một hệ thống vận hành hiệu quả hơn giữa quản lý và phát triển, hướng tới tương lai bền vững.
(còn nữa)
Hoàng Minh
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Phát hiện 10 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trưa ngày 24/11 tại huyện Tiên Lãng
Công an quận Hồng Bàng phối hợp kiểm tra, xử lý 9 trường hợp vi phạm nồng độ cồn