Lại chuyện lừa đảo bán hàng qua mạng xã hội

15:47 12/11/2023

Mua bán hàng qua mạng xã hội đang ngày càng trở lên phổ biến. Bên cạnh những ưu điểm nổi bật, đây được coi là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với khách hàng, nhất là việc có thể bị chiếm đoạt tiền đặt cọc hoặc không thể kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hóa đặt mua.

 

Hình ảnh đối tượng tải trên mạng để lừa khách mua ô tô giá rẻ

Đơn cử gần đây nhất, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - CATP tiếp nhận đơn trình báo của anh H.N (quận Lê Chân) về việc bị lừa đảo 139 triệu đồng khi thực hiện giao dịch mua điện thoại qua mạng. Qua nỗ lực điều tra, cơ quan Công an xác định Nguyễn Mạnh Tuấn là thủ phạm hiện ở tại thành phố Đà Nẵng.

Tại cơ quan Công an, Tuấn đã khai nhận đã thu thập thông tin, hình ảnh qua mạng rồi tạo tài khoản mạo danh trang facebook của các cửa hàng điện thoại có thật sau đó kết bạn, trao đổi với những người làm nghề mua, bán điện thoại trên phạm vi cả nước. Khi đã chiếm được lòng tin, hắn dụng “chiêu” mồi khách mua điện thoại giá rẻ rồi nhằm lúc người mua chuyển tiền xong thì chặn liên lạc để chiếm đoạt.

Các đối tượng trong vụ lừa bán ô tô trên mạng bị Cơ quan Công an bắt giữ

Trước đó, vào năm 2022, Công an quận Ngô Quyền cũng đã nhận được đơn của anh T.T.L. (ở phường Máy Chai) trình báo bị lừa đảo “bán ô tô qua mạng” và mất trắng 290 triệu đồng. Vào cuộc, Đội CSĐT tổng hợp Công an quận đã làm rõ nhóm đối tượng Võ Thanh Lâm, Nguyễn Ngọc Trái và Nguyễn Văn Quý đã sử dụng hình ảnh xe ô tô Lào, Campuchia trên mạng xã hội rồi đăng bán để lừa những người nhẹ dạ hám rẻ. 

Khi con mồi cắn câu, Lâm báo giá và liên tiếp yêu cầu người mua chuyển tiền đặt cọc. Bằng thủ đoạn này, nhóm Võ Thành Lâm đã thực hiện hàng chục phi vụ lừa chiếm đoạt tài sản tại nhiều tỉnh, thành suốt trong Nam ngoài Bắc.

Trên đây chỉ là hai ví dụ điển hình về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lừa bán hàng qua mạng xã hội. Thực tế, thủ đoạn không mới và rất quen thuộc các đối tượng lừa đảo là lập các tài khoản Facebook, Zalo giả mạo và tìm mọi cách yêu cầu người mua hàng chuyển khoản số tiền từ 20 - 30% giá trị đơn hàng vào một số tài khoản đã được chuẩn bị trước gọi là để “đặt cọc cho chắc chắn”.

Sau khi nạn nhân chuyển khoản, đối tượng sẽ nhanh chóng rút tiền, không gửi hàng và chặn Facebook, Zalo, số điện thoại của người mua hàng.

Để phòng ngừa, ngăn chặn các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức trên, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác. Khi phát hiện đối tượng nghi vấn, sự việc có dấu hiệu lừa đảo cần trình báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

CẨM TÚ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích