10:21 06/10/2021 Những năm gần đây, trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại của nông dân mang lại thu nhập lên đến nhàng trăm triệu đồng mỗi năm. Mức thu nhập này không chỉ nâng cao đời sống kinh tế cho nông hộ, các mô hình này cũng từng bước thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa, tạo ra các vùng sản xuất kinh doanh tập trung do các hộ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Nhận thấy mô hình trang trại chăn nuôi khá phù hợp với điều kiện gia đình, bà Trần Thị Thắm, sinh năm 1963, phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh với số tiền 45 triệu có được qua hình thức vay vốn ngân hàng. ban đầu bà đã tập trung đầu tư xây dựng chuồng trại, nuôi vịt, gà. Chăn nuôi thuận lợi, có nguồn thu nhập ổn định, gia đình bà tiếp tục mở rộng quy mô, đến nay đàn lợn của gia đình bà Thắm đã lên đến 50 con, và hàng trăm con gà, 3 sào ao nuôi cá, trên 50 con chó, mèo, chim, trên bờ trồng hoa, rau, củ, quả... phân gia súc, gia cầm gia đình bà làm mô hình hầm bể Biogas.
Với việc áp dụng mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp, mỗi năm gia đình bà thu nhập hàng trăm triệu đồng. Với số tiền thu được gia đình bà trang trải cuộc sống, đầu tư làm nhà, nuôi con, cháu ăn học và tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất.
Bà Thắm cho biết: Trước đây, thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào cây lúa, canh tác phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tự nhiên, nên năng suất và sản lượng đạt thấp. Đến khi chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế phù hợp, áp dụng kỹ thuật vào khâu chăm sóc và hình thành mô hình phát triển kinh tế nên đời sống gia đình ngày càng được nâng lên.
Hay như bà Nguyễn Thị Thỉnh, sinh năm 1968, là hội viên Chi hội phụ nữ số 10, quận Dương Kinh là một điển hình khác. Những năm đầu khi mới lập gia đình, cuộc sống gia đình bà rất khó khăn, nguồn kinh tế của cả gia đình chỉ trông chờ vào 1,2 sào ruộng canh tác trồng lúa lại không có kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt… hai vợ chồng bà làm thuê để sống qua ngày. Vốn cần cù, chịu thương, chịu khó, bà Thỉnh luôn cố gắng tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh với mô hình chăn nuôi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đến nay gia đình bà mở rộng mô hình chăn nuôi hàng trăm con gà, vịt cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, cuộc sống đã vượt qua khó khăn, điều kiện kinh tế hơn trước rất nhiều.
Bà Thỉnh cho biết: “Nhờ nguồn thu nhập từ chăn nuôi nên các con có điều kiện được đi học đến nơi đến chốn, kinh tế gia đình cũng tạm ổn không còn lo thiếu ăn, thiếu mặc như trước. Mặc dù sức khỏe yếu, sinh con 4 lần đều mổ, bản thân mình phải gánh vác tất cả việc nặng nhẹ trong gia đình nhưng có điều kiện lo được cho những người thân của mình có cái ăn cái mặc thì có cực khổ bao nhiêu cũng chịu được”. 4 đứa con đều rất chăm ngoan, học giỏi, con gái lớn đỗ thủ khoa Trường Đại học Ngoại Thương, rồi Đại học Ngoại ngữ, cháu giành được nhiều suất học bổng, ngoài giờ học còn tranh thủ làm thêm giúp bố mẹ. Con gái thứ 2 học Đại học Hải Phòng khoa quản trị kinh doanh, ngoài giờ đi học phụ giúp bố mẹ làm việc nhà và dạy 2 em học hành. Niềm vui không chỉ dừng ở đó, cuối năm 2019, bà đã xây được căn nhà khang trang, rộng rãi, thoáng mát, kinh tế gia đình từng bước đi lên.
Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trên địa bàn thành phố hiện có 539 trang trại. Phát triển kinh tế trang trại là xu hướng tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Phần lớn các trang trại đều tận dụng, khai thác hiệu quả phần đất nông, lâm nghiệp và thủy sản được chính quyền giao, cấp hằng năm, tạo ra nhiều giá trị sản phẩm hàng hóa và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, nhất là lao động thời vụ. Đặc biệt từ các trang trại này cũng xuất hiện nhiều gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Việc nâng cao hiệu quả hoạt động các trang trại để đạt doanh thu ổn định là vấn đề luôn được các chủ trang trại và các ngành chức năng quan tâm, chú trọng.
Để khuyến khích hình thành, phát triển thêm nhiều trang trại, các sở, ngành, địa phương cũng cần tích cực vào cuộc rà soát những diện tích đất nông, lâm nghiệp chưa sử dụng có thể canh tác; nắm bắt tình hình tư tưởng trong cộng đồng dân cư về nhu cầu được sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất, nhất là đối với những tổ chức, cá nhân có nhu cầu phát triển kinh tế trang trại theo hướng tập trung, bền vững. Cùng với đó là quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách như: Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; vay vốn tín dụng; hỗ trợ mua con giống, cây giống; ứng dụng KHCN... để tạo thuận lợi và thúc đẩy quá trình hình thành, phát triển kinh tế trang trại trong nhân dân.
VŨ DUYÊN