Đằng sau mỗi vụ TNGT là những hậu quả đau lòng. Nỗi đau ấy càng nhân lên gấp bội cho thân nhân người bị nạn khi những kẻ gây ra tai nạn bỏ trốn. Vì vậy, công tác điều tra, xử lý những đối tượng vi phạm không chỉ để nghiêm trị mà còn để răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho mọi người khi tham gia giao thông, cũng như góp phần làm vơi đi những nỗi đau...
| |
Nặng nề những nỗi đau
Nhá nhem tối một ngày cuối tháng 7-2012, trên đường Nguyễn Văn Linh, lượng người xe qua lại vẫn còn khá đông đúc. Đến đoạn đường trước cổng chợ Hàng, một vài người đi đường phanh xe gấp vì phát hiện phía trước có một người phụ nữ nằm bên cạnh chiếc xe máy dúm dó. Nhiều người có mặt lúc đó vội rút điện thoại báo công an. Một vài người dân ở gần đó cho biết, trước đó chừng 10 phút, họ nghe tiếng va chạm nên chạy ra thì đã thấy người phụ nữ xấu số nằm chết thảm trên đường, phía trước là chiếc xe ô tô chở container loại 40 feet màu đỏ phóng chạy với tốc độ nhanh nên không kịp phản ứng gì…
Nạn nhân sau đó được xác định là bà Nguyễn Thị T. (sinh 1963, ở phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân), có hoàn cảnh hết sức eo le, phải một mình tần tảo nuôi đứa con trai đang theo học Trường đại học dân lập Hải Phòng. Từ ngày bà T. gặp nạn mất đi, cậu con trai không những phải chịu nỗi đau về tinh thần mà còn day dứt vì vẫn không biết kẻ gây ra cái chết tức tưởi cho mẹ mình là ai...
Cũng mang nỗi đau khi bỗng nhiên mất đi đứa con trai duy nhất do TNGT, ông Nguyễn Văn Xuân, ở xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương), đau xót cho biết: Sau gần 1 năm từ ngày tai họa ập xuống cho đến giờ, ông vẫn chưa tin mình mất con. Tối hôm đó ăn cơm ở nhà xong, cậu con trai ông là Nguyễn Văn Minh xin phép đi xe máy đi sang huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) để liên hoan chia tay người bạn hôm sau lên đường nhập ngũ và hẹn sẽ về trước 22h.
Thế nhưng đến tận khuya vẫn không thấy con về, sau đó lại nhận được điện thoại của bạn Minh báo sẽ cho người đến đón ông đi ngay có việc. Linh cảm thấy có điều chẳng lành, ông hớt hải cùng mấy người họ hàng và hàng xóm đi theo đến Quốc lộ 10 thì bàng hoàng nhận ra xác con mình đang đắp chiếu bên đường. Cho đến bây giờ, gia đình ông vẫn không biết kẻ đã gây ra cái chết cho con mình là ai vì chiếc xe ô tô gây tai nạn đã mất hút vào bóng đêm…
Thảm cảnh từ các vụ TNGT nghiêm trọng thật sự đau lòng. Nỗi đau ấy càng nhân lên cho thân nhân của người bị nạn, khi mà những kẻ gây ra tai nạn vẫn biệt tích…
Nhọc nhằn việc truy tìm
“Sau khi TNGT xảy ra, đối tượng bỏ trốn thì điều khó nhất đối với lực lượng công an đó là ngay lập tức phải truy nóng đối tượng trong thời gian ngắn nhất, nếu không sẽ dẫn đến việc mất dấu vết. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc chứng minh tính liên quan của phương tiện và người điều khiển phương tiện trong việc gây ra các vụ TNGT” - đại úy Phạm Thanh Sơn, cán bộ điều tra, Công an quận Lê Chân khẳng định.
Chẳng hạn, vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra cuối năm 2011 trên đường Nguyễn Văn Linh làm anh Phạm Văn Hải (sinh 1990, ở phường Quán Toan, quận Hồng Bàng) tử vong. Sau khi gây tai nạn, lái xe bỏ chạy, hiện trường còn lại chỉ là vài mảnh vỡ, một chiếc xe máy nằm đổ ở đường, có một vài vết máu. Trước đó, nạn nhân bị văng vào lề đường, được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong. Do vụ việc xảy ra vào ban đêm nên không có nhân chứng trực tiếp.
Lực lượng CSGT và Công an phường sở tại nhanh chóng vào cuộc và nhận định xe gây tai nạn là ôtô tải trọng lớn. Tiến hành rà soát tất cả các bến bãi xe container thường hay đậu, đỗ trên địa bàn thành phố, phát hiện một vài xe có đặc điểm màu sơn để lại hiện trường nhưng không quay về bến đỗ mặc dù không được điều động. Tiếp tục sàng lọc thời gian hoạt động của các phương tiện này, cơ quan công an đã xác định được một chiếc xe vừa đi tút lại sơn ở đầu xe.
Đối chiếu với vị trí va chạm với xe máy, các cán bộ điều tra lập tức triệu tập lái xe cùng phương tiện. Sau một hồi quanh co chối cãi, lái xe phải thừa nhận sau khi gây tai nạn đã mang xe đi sơn sửa lại hòng thoát tội. Tại một cửa hàng sơn sửa xe ở khu vực ngã ba Đình Vũ, điều tra viên đã thu thập một số vật chứng và cuối cùng, đối tượng lái xe gây tai nạn là Phạm Văn Hoàng (sinh 1982, ở xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo) đã bị khởi tố và xử lý về hành vi “vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ”.
Theo một số điều tra viên án giao thông, trong các vụ TNGT, lỗi thường căn cứ vào thực tế hiện trường, nhìn sơ bộ có thể đánh giá được phương tiện nào đi sai, đi đúng. Tuy nhiên quá trình điều tra phải thận trọng tỉ mỉ, làm rõ đến tận cùng của sự việc. Những vụ TNGT xảy ra ban đêm khó hơn ban ngày rất nhiều, nhất là khâu nhân chứng và dấu vết. Đã vậy nhiều khi lực lượng công an có mặt tại hiện trường để ghi nhận khách quan, người nhà của nạn nhân đôi khi không hiểu, còn giám sát lại… công an.
Nhưng đến khi yêu cầu chứng thực vào sơ đồ hiện trường cho khách quan toàn diện thì nhất quyết không ký, thiếu sự cộng tác với cơ quan công an. Hơn nữa, không phải vụ TNGT nào cũng có sự giúp đỡ từ nhân chứng. Hiện trường xảy ra vụ tai nạn vì thế cũng không được bảo vệ kịp thời, có thể bị xáo trộn, đổi thay, có thể làm ảnh hưởng đến những nhận định khách quan về vụ án. Khám nghiệm hiện trường có khi chỉ còn lại một vết cào dưới đường hay 1 vết máu đã khô. Khó khăn nữa là nhiều khi nhân chứng cũng không xác định được cụ thể về phương tiện liên quan khiến nhiều vụ việc đã khó khăn lại càng khó khăn hơn…
Nâng mức hình phạt để đủ sức răn đe
Trên thực tế, việc xử lý đối tượng “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” chưa đáp ứng được yêu cầu răn đe, giáo dục, phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa. Trong thời gian từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn thành phố Hải Phòng xảy ra gần 1.400 vụ vi phạm quy định về ATGT, làm chết gần 1.200 người và khoảng 500 người bị thương, thiệt hại lượng tài sản lớn. Tuy nhiên số vụ việc được khởi tố, xử lý hình sự chỉ chiếm khoảng 35% trong tổng số vụ việc xảy ra. Số vụ việc không khởi tố, xử lý hành chính chiếm trên 35%, còn lại là chưa giải quyết.
Theo thượng tá Hoàng Văn Viên, Phó chánh văn phòng Cơ quan CSĐT (Công an thành phố Hải Phòng), quá trình giải quyết vụ án vi phạm quy định về ATGT ngoài những khó khăn trong công tác khám nghiệm hiện trường thì có rất nhiều vụ việc nạn nhân… từ chối giám định thương tích, sau đó hai bên tự thỏa thuận giải quyết với nhau, gây khó khăn cho công tác điều tra. Như vậy, cơ quan điều tra không có căn cứ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra, xử lý đối tượng trước pháp luật.
Điển hình như vụ tai nạn xảy ra ngày 21-7-2011, trên đường 353 (phường Anh Dũng, quận Dương Kinh). Lỗi được xác định do anh Nguyễn Đình Chiểu điều khiển xe máy sai phần đường gây tai nạn làm chị Nguyễn Thị Liên bị trọng thương. Nhưng khi cơ quan công an ra quyết định trưng cầu giám định thì phía nạn nhân từ chối… do đã nhận được bồi thường thỏa đáng.
Mặt khác, các vụ TNGT đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng xác định do lỗi hỗn hợp, nhưng lỗi chính lại do người bị nạn. Vì vậy sau khi hai bên thỏa thuận bồi thường vật chất đầy đủ, người bị nạn hoặc gia đình người bị nạn không đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong các vụ việc này, có vụ cơ quan điều tra không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, có vụ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, nhưng căn cứ để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự cũng không thống nhất.
Mặt khác, hầu hết các vụ TNGT đều được các công ty bảo hiểm chi trả thiệt hại cùng với sự hỗ trợ của chủ phương tiện nên các bị cáo thường tự nguyện bồi thường trước cho gia đình người bị hại. Trong khi đó, gia đình người bị hại nghĩ rằng dù sao người thân của họ cũng không thể sống lại được, vì thế thường làm đơn xin xử bị cáo mức án nhẹ nhất hoặc xin cho bị cáo được hưởng án treo.
Có những vụ án lỗi hoàn toàn thuộc về bị cáo như chạy quá tốc độ, say rượu, lái xe…, tuy nhiên khi xét xử, áp dụng khoản 2 điều 202 BLHS, nhiều tòa án lại chỉ xử phạt bị cáo thậm chí dưới khung và cũng không cấm bị cáo hành nghề trong một thời gian sau khi mãn hạn tù. Mức hình phạt như vậy rõ ràng chưa đủ tác dụng cải tạo giáo dục và răn đe phòng ngừa chung, chưa kể một số trường hợp bị cáo còn được hưởng án treo. Một số lý do để tòa án tuyên cho bị cáo mức hình phạt quá nhẹ vì cho rằng đó là lỗi vô ý.
Nỗi đau của những gia đình người bị hại là quá lớn, không gì có thể bù đắp được. Pháp luật nước ta thể hiện chính sách khoan hồng nên những người trực tiếp làm công tác xét xử và gia đình của người bị hại hướng đến chính sách nhân đạo đối với các bị cáo là cần thiết, phù hợp với đạo lý của dân tộc, tuy nhiên cũng cần phải xem xét, nếu không đúng sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả răn đe, phòng ngừa chung. Với những trường hợp điều khiển phương tiện có lỗi, thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 202 BLHS thì phải khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra.
Nếu quá trình điều tra xác định người bị hại cũng có lỗi thì đó là những tình tiết xem xét giảm nhẹ đối với người gây tai nạn. “Để giải quyết vấn đề người bị hại từ chối giám định thương tích, cơ quan thẩm quyền cần cho giám định thương tích qua hồ sơ bệnh án của nạn nhân mới tạo điều kiện cho cơ quan điều tra chủ động tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định pháp luật” - ông Hoàng Văn Viên đề nghị.
TRẦN VĂN |