Lan tỏa phong trào đọc sách, báo

14:53 09/07/2018

Không khí tĩnh lặng bao trùm cả hội trường, người kể rưng rưng nghẹn ngào còn người nghe thì lặng mình bần thần. Có những câu chuyện đã không còn xa lạ với nhiều người, nhưng qua lời kể hấp dẫn, xúc động của các em học sinh, nhiều xúc cảm, suy nghĩ lại được đánh thức. Thêm một lần nữa, truyện từ sách báo được lan tỏa rộng rãi đến mọi người.

Đó là ghi nhận chung của nhiều người khi đến với hội thi thiếu nhi tuyên truyền kể chuyện sách, báo được Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố tổ chức vào mỗi dịp hè.

Dự hội thi năm 2018 với chủ đề “Hải Phòng, mảnh đất, con người và huyền thoại”, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới khẳng định: “Duy trì được hội thi thiếu nhi tuyên truyền sách, báo vào mỗi dịp hè trong nhiều năm qua, Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hải Phòng đã tạo nên một sân chơi bổ ích, khuyến khích các em nhỏ tích cực đọc, học và làm theo sách, báo”.

Những câu chuyện từ hội thi gợi nhiều cảm xúc cho người xem

Trên sân khấu của hội thi năm nay, 10 đội tuyển đến từ các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã tái hiện lại nhiều hoạt cảnh về các nhân vật lịch sử, danh nhân, tấm gương sáng của Hải Phòng. Những hoạt cảnh được kể lại từ các câu chuyện trong sách, báo mà các em học sinh đã được đọc, được học. Mỗi đội tuyển lại lựa chọn một câu chuyện và cách dàn dựng, kể chuyện khác nhau, làm nên sự hấp dẫn, sinh động của hội thi.

Đội tuyển huyện Thủy Nguyên mở màn với câu chuyện “Gạc Ma, vòng tròn bất tử” trong cuốn sách “Hoàng Sa Trường Sa trong vòng tay Tổ quốc” gợi nhiều xúc động cho người nghe. Trong khi đó, cũng mang chủ đề biển, đảo, đội tuyển quận Đồ Sơn lại kể về câu chuyện “Huyền thoại tàu không số” của nhà văn Đình Kính.

Bên cạnh đó, câu chuyện về những nhân vật lịch sử gắn liền với thành phố Cảng cũng được các đội tuyển kể lại qua các hoạt cảnh thi được dàn dựng công phu: Thánh Chân nữ tướng (quận Lê Chân), Ngô Quyền và đại chiến Bạch Đằng Giang (quận Ngô Quyền, Kiến An, Hải An), Vang mãi tên anh Đồng Quốc Bình (quận Dương Kinh), gương sáng Phạm Ngọc Đa (quận Hồng Bàng, huyện Tiên Lãng, Kiến Thụy). Cùng một câu chuyện nhưng với lối kể sáng tạo và cách dàn dựng riêng biệt, các đội thi lần lượt dẫn dắt người nghe đi từ ấn tượng này sang ấn tượng khác, gợi niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc.

Được lựa chọn từ hội thi cấp cơ sở, các quận huyện mang đến hội thi cấp thành phố những đội tuyển xuất sắc nhất. Anh Vũ Duy Hiếu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin huyện Kiến Thụy cho biết: “Hội thi đã được tổ chức qua nhiều năm nên việc huy động các trường tiểu học trên địa bàn huyện tham gia hội thi cấp huyện rồi lựa chọn đội xuất sắc dự thi cấp thành phố không hề khó khăn.

Trong một thời gian ngắn, các em học sinh trường tiểu học Thanh Sơn chăm chỉ tìm kiếm thông tin, tài liệu và đã thể hiện tốt phần thi, tái hiện thành công gương sáng Phạm Ngọc Đa trên sân khấu”.

Ngồi dưới hàng ghế khán giả, bà Trần Thị Hoàng Mai, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cũng bồi hồi nhớ lại kỷ niệm của 30 năm về trước, khi chính bà cũng là một trong các thí sinh tự tin bước lên sân khấu của hội thi thành phố dự thi kể chuyện về tấm gương Phạm Ngọc Đa của quê hương. Cho đến nay, những hội thi kể chuyện được tổ chức thường xuyên như vậy đã nối tiếp mạch nguồn cảm xúc, khơi dậy niềm tự hào cho các em thiếu nhi ngày nay về truyền thống của quê hương từ những bài học ý nghĩa trên các trang sách, báo.

Với nhiệm vụ tuyên truyền, giới thiệu sách, báo nhằm xây dựng cho các em thiếu nhi một sân chơi lành mạnh, giúp các em có cơ hội học tập, nâng cao nhận thức về những giá trị văn hóa dân tộc và trau dồi khả năng diễn thuyết, Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố luôn trăn trở và không ngừng tìm tòi, sáng tạo để xây dựng được chương trình hoạt động hè đạt hiệu quả cao nhất nhưng hình thức tổ chức phải luôn luôn được đổi mới.

Qua rất nhiều năm tổ chức với những hình thức khác nhau, hội thi thiếu nhi tuyên truyền kể chuyện sách, báo đã ghi nhận nhiều tín hiệu đáng mừng khi ngoài việc thể hiện sự yêu thích, trân trọng đối với những nét đẹp trong kho tàng văn hóa lịch sử của đất nước nói chung và Hải Phòng nói riêng, các em đã cho khán giả thấy sự tự tin, bản lĩnh của mình trên sân khấu.

Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới cũng đánh giá, so với các tỉnh, thành phố khác, Hải Phòng duy trì được hoạt động thư viện với 2 điểm nhấn.

Ngoài việc là một trong những địa phương trong cả nước khởi phát phong trào “Sách đi tìm người”  từ những năm 60, 70 của thế kỷ 20, trong khoảng 10 năm trở lại đây, Hải Phòng là địa phương duy trì liên tục hội thi thiếu nhi tuyên truyền sách, báo hè và trở thành mô hình điểm để thư viện các tỉnh, thành phố khác đến tham quan, học tập.

Sau mỗi hội thi, có thể thấy rằng các em học sinh của thành phố Cảng không hề quay lưng lại với lịch sử, văn hóa dân tộc. Mà ngược lại, đối với các em, đó là những gì gần gũi, thân thuộc nhất.

Để cho niềm yêu thích, sự hào hứng ấy không mất đi, rất cần sự quan tâm đúng mức từ nhiều phía và cần thiết duy trì những hội thi như vậy ở các cấp, tạo mạch nguồn duy trì, nhân rộng văn hóa đọc trong cộng đồng, các thế hệ thêm yêu truyền thống tốt đẹp của quê hương và có trách nhiệm chung tay xây dựng thành phố.

Huyền Trâm

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông