Làng nghề nuôi cá chép đỏ ở Cao Minh (Vĩnh Bảo) tấp nập dịp Tết ông Công, ông Táo

10:01 02/02/2024

Theo tín ngưỡng văn hóa của người Việt, ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày ông Công ông Táo cưỡi cá chép về chầu Trời, báo cáo công việc một năm qua dưới hạ giới. Để phục vụ nhu cầu của người dân trong ngày Tết cuối năm, những ngày này, người dân làng nghề nuôi cá chép đỏ ở Hội Am (xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo) tất bật bắt cá để đưa ra thị trường dịp Tết ông Công ông Táo.

Làng Hội Am (xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo) được xem là làng nuôi cá chép đỏ truyền thống với quy mô lớn. Mỗi dịp Tết đến, làng sản xuất "phương tiện" cho ông Công, ông Táo về trời lại nhộn nhịp hẳn lên.

Dưới ao, bà con tranh thủ đánh bắt cá chép đỏ rồi đưa vào sống tại các ô vây tướt chờ giao cho thương lái. Trên các tuyến đường, tấp nập xe tải nhỏ, xe máy thồ chở cá chép đỏ vào ra.

Chị Nguyễn Thị Nhiễu, ở làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, đưa cá chép đỏ ra khu vực ngã tư Quốc lộ 37 và Quốc lộ 17B để thuận tiện bán cho thương lái

Theo ông Đào Xuân Luân - Chủ tịch UBND xã Cao Minh, cho biết, làng nghề ương nuôi cá giống Hội Am có lịch sử lâu đời. Bà con làm nghề trong xã chủ yếu ương cá bột thành cá giống rồi đưa đi tiêu thụ khắp trong Nam, ngoài Bắc. Đến nay, cả làng Hội Am có hơn 400 hộ theo nghề ương cá giống.

Trong đó, có hơn 300 hộ nuôi cá chép đỏ phục vụ dịp Tết ông Công, ông Táo. Dịp này, các hộ làm nghề ở Hội Am cung cấp ra thị trường hàng chục tấn cá chép đỏ, cá Koi.

Trong số những hộ có diện tích ao nuôi cá chép đỏ lớn ở làng Hội Am, có gia đình chị Nguyễn Thị Nhiễu. Chị Nhiễu cho biết, vụ này, gia đình chị có 7 sào ao nuôi cá chép đỏ, dự kiến thu về hơn 1,4 tấn cá. Để thuận lợi cho việc tiêu thụ, từ ngày 20 tháng Chạp, gia đình chị bắt đầu đánh bắt cá đưa vào vây tướt để sống chờ thương lái đến thu mua.

Cả làng Hội Am có hơn 400 hộ theo nghề ương cá giống. Trong đó, có hơn 300 hộ nuôi cá chép đỏ phục vụ dịp Tết ông Công, ông Táo

So với năm trước, năm nay thương lái thu mua với giá thấp hơn (50.000 đồng - 60.000 đồng/con loại 30 con/kg so với 80.000 - 100.000 đồng).

Mặc dù vậy, sau khi trừ chi phí mua giống, thức ăn, nhân công chăm sóc, gia đình chị Nhiễu thu lãi khoảng 7 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều so với cấy lúa, trồng rau màu hay nuôi cá thịt.

Còn gia đình anh Nguyễn Văn Bốn, ở làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, nuôi cá chép đỏ trên diện tích hơn 1 sào ao phục vụ dịp Tết ông Công, ông Táo này. Gia đình anh Bốn dự kiến thu hơn 2 tạ cá chép đỏ. Do cá đẹp, hiện thương lái hỏi mua với mức giá 60.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg so với mặt bằng chung.

Từ ngày 19-22 tháng Chạp, thương lái sẽ đến tận nơi thu mua 

Anh Bốn chia sẻ, ngoài bán cho thương lái, gia đình tôi tranh thủ đưa một phần cá chép đỏ ra chợ bán dịp Tết ông Công, ông Táo này với mức giá 5.000 - 10.000 đồng/con. Sau 6 tháng kể từ khi thả cá bột, gia đình tôi thu lãi khoảng 7 triệu đồng/sào ao. Mặc dù số lãi không lớn, nhưng góp một phần để lo cái Tết no ấm, đủ đầy.

Ngoài nuôi cá chép đỏ, một số hộ dân trong làng Hội Am đứng ra thu mua cá trong xã rồi giao cho các thương lái đưa đi tiêu thụ chủ yếu tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố và tỉnh Quảng Ninh.

Theo anh Nguyễn Văn Toàn, người dân nuôi cá tại làng Hội Am cho biết, từ ngày 12 tháng Chạp, anh bắt đầu thu mua cá chép đỏ rồi giao cho thương lái đưa đi tiêu thụ. Đến ngày 21 tháng Chạp, anh thu mua tổng cộng hơn 11 tấn cá chép đỏ các loại phục vụ Tết ông Công, ông Táo.

Làng nghề ương nuôi cá giống Hội Am có lịch sử lâu đời

“Năm nay, giá thu mua giảm so với năm ngoái bởi nhiều làng nghề nuôi cá thịt, ương cá giống trong và ngoài thành phố chuyển sang nuôi cá chép đỏ dẫn đến nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, cá chép đỏ do người dân Hội Am nuôi được thị trường ưa chuộng bởi màu sắc tươi tắn, khỏe mạnh, kích thước phù hợp. Với mức giá bán 50.000 - 60.000 đồng/kg hiện nay, các hộ làm nghề vẫn thu lãi lớn”, anh Toàn chia sẻ.

Người làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo mất 6 tháng để ương cá bột thành cá thương phẩm trung bình 20 - 30 con/kg bán dịp Tết ông Công, ông Táo

Theo những người dân nơi đây, việc nuôi cá chép không hề đơn giản, từ việc chọn giống, làm ao cho đến nguồn nước duy trì trong ao, bởi nếu gặp phải nước bẩn độc hại, cá sẽ chết hoặc bị bệnh, sẽ ảnh hưởng không tốt cho việc thờ cúng. Bà con nơi đây cho biết, khi cá chép được gom lại, từ ngày 19-22 tháng Chạp, thương lái sẽ đến tận nơi thu mua hoặc gọi điện thoại trước để cho gia đình phân loại cá, sau đó cho vào bao tải bơm ôxy vận chuyển đi các địa phương trên địa bàn thành phố và Quảng Ninh…

Nghề nuôi cá chép đỏ ở làng Hội Am tuy không giàu có, nhưng cũng giúp người dân nơi đây luôn có một cái Tết vui vẻ, đầm ấm, vì cứ chuẩn bị thu hoạch cá chép là họ biết Tết đã cận kề.

TRUNG KIÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông