Lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp

16:35 12/09/2024

Cung cấp điện, nước; chống ngập lụt; bảo đảm an toàn giao thông; nâng cấp cơ sở hạ tầng KCN; chăm lo tới lao động nữ; cung cấp nguồn nhân lực; thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho người lao động… là những vấn đề được đề cập trong cuộc đối thoại giữa lãnh đạo BQLKKT Hải Phòng và các doanh nghiệp vừa qua. Có thể nói, đây là những vấn đề liên quan trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp, cần có sự chung tay giải quyết của các ngành, các cấp. Với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, lãnh đạo BQLKKT Hải Phòng và các ngành thành phố đã có những câu trả lời thỏa đáng cho doanh nghiệp, thể hiện rõ tinh thần đồng hành, cùng phát triển.

                                                                      Những kiến nghị chính đáng

           Ông Kwak Sang Ki, Tổng Giám đốc Công ty Ohsung Vina nêu ý kiến: công ty hoạt động từ năm 2016 tại KCN Tràng Duệ. Đây là KCN có hạ tầng khá tốt nhưng gần đây nảy sinh một số vấn đề như tình trạng ngập lụt khá nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sản xuất của các doanh nghiệp. Ngoài ra, hệ thống điện chiếu sáng trong KCN cũng cần được đầu tư bài bản hơn để bảo đảm an toàn. Theo ông Kwak Sang Ki, doanh nghiệp trong KCN luôn lo lắng về sự ổn định trong cung cấp điện và rất mong muốn thành phố đồng hành. Ngoài ra, cũng phản ánh thêm về tinh trạng xe buýt chở công nhân tới các KCN cần được quản lý tốt hơn, bảo đảm vận hành an toàn và không gây cản trở, ùn tắc giao thông. Cùng với đó, doanh nghiệp rất hoan nghênh nỗ lực của thành phố trong xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, mức giá vẫn còn khá cao so với thu nhập của người lao động.

                                 Các doanh nghiệp trong KCN phát biểu, nêu nhiều ý kiến, đề xuất

          Đại diện Công ty TNHH Công nghiệp nhựa Kyowa, vốn đầu tư Nhật Bản tại KCN Tràng Duệ phản ánh: doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động khá lớn nhưng rất khó khăn vì thiếu ứng viên. Đồng thời nêu rõ những bất cập, khó khăn trong quy định về số giờ làm thêm, làm khó cho cả doanh nghiệp và người lao động vì hai bên đều có nhu cầu nhưng bị giới hạn bởi luật định. Từ đó kiến nghị các cấp có thẩm quyền đề xuất tăng số giờ làm thêm cho doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu từ thực tế.

          Đại diện Công ty Kyowa cũng cho biết, theo quy định, doanh nghiệp chỉ được phép thanh toán những ngày phép chưa sử dụng hết cho người lao động khi họ nghỉ việc. Tuy nhiên, trên thực tế, người lao động dôi dư rất nhiều ngày phép vì không có nhu cầu nghỉ. Doanh nghiệp đề nghị, để tăng thêm thu nhập cho người lao động, tránh lãng phí, cho phéo doanh nghiệp được thanh toán ngày phép không sử dụng cho người lao động.

           Về điện, doanh nghiệp mong muốn thành phố có giải pháp hỗ trợ cải tiến hệ thống điện KCN, giải quyết tình trạng mất điện bất thường hàng năm làm ngừng dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp và ảnh hưởng tới tiến độ xuất hàng cho khách hàng. Cùng với đó, kiến nghị thành phố hướng dẫn, xem xét, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được lắp đặt, sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời…

                                          Các doanh nghiệp trong KCN phát biểu, nêu nhiều ý kiến, đề xuất

          Theo Công ty CP Greating Fortune Container Việt Nam, hơn một năm qua, đường nội bộ số 6 (68m) thuộc KCN MP Đình Vũ đã bị xuống cấp trầm trọng và tạo các hố sâu ổ lớn trên diện tích rộng gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Công ty đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết. Vì sự xuống cấp này mà nhiều hãng tàu đã từ chối vào nhận vỏ container ở bãi này.

           Lãnh đạo Công ty Thâm Việt (chủ đầu tư KCN An Dương) phản ánh tình trạng ngập lụt trong KCN do kênh Hoàng Lâu thoát nước chậm. Đồng thời kiến nghị về việc bàn giao mặt bằng cho KCN còn chậm; đề nghị tiếp tục cho phép thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho chuyên gia và công nhân…

           Đại diện một số doanh nghiệp đề nghị các KCN cần quy hoạch vị trí để xe ô tô; đề nghị quan tâm hơn tới chế độ chính sách, giờ nghỉ cho lao động nữ đang nuôi con nhỏ; chế độ cho người lao động bị tai nạn giao thông trên đường đi làm; về việc mở các chi nhánh; về chính sách thuế; về thủ tục hải quan…

                                                                                     Lắng nghe và giải quyết

           Điều đáng mừng, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng và sự tham gia của lãnh đạo các ngành: Hải quan, Thuế, Kế hoạch và Đầu tư; Lao động- TBXH…, hầu hết các câu hỏi, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp đã có câu trả lời thỏa đáng.

Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên chủ trì đối thoại với doanh nghiệp trong KCN

          Theo đó, về việc cấp điện trong KCN, đồng chí Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng yêu cầu Công ty Điện lực Hải Phòng phối hợp với các ngành và doanh nghiệp để bảo đảm cấp điện an toàn, ổn định, coi đây là cam kết của thành phố đối với các nhà đầu tư. Về nguồn nhân lực, đồng chí Lê Trung Kiên cho biết, Thành ủy và HĐND thành phố đã ban hành nghị quyết hỗ trợ đào tạo nghề với các cơ chế, chính sách vượt trội. Do đó, trong thời gian tới, ứng viên cho các doanh nghiệp sẽ dồi dào hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng tại các KCN. Về tuyến đường trong KCN MP Điình Vũ, đồng chí Lê Trung Kiên yêu cầu Công ty Minh Phương càn khẩn trương có kế hoạch cải tạo, nâng cấp, không để tình trạng này kéo dài. 

           Về tình trạng ngập lụt và hệ thống điện chiếu sáng tại KCN Tràng Duệ, đồng chí Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế yêu cầu chủ đầu tư- Công ty CP KCN Sài Gòn- Hải Phòng khẩn trương có giải pháp. Đối với KCN An Dương, lãnh đạo BQLKKT cho biết, hiện đã có dự án cải tạo, nâng cấp kênh Hoàng Lâu. Sau khi dự án hoàn thành, tình trạng ngập lụt sẽ được giải quyết đáng kể. Mặc dù vậy, Công ty Thâm Việt cũng cần xem xét lại hệ thống hạ tầng KCN, bảo đảm tương thích, đồng bộ với hệ thống thoát nước của thành phố mới giải quyết tận gốc vấn đề.

                              Hải Phòng luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong KCN phát triển

          Lãnh đạo BQLKKT Hải Phòng cũng ghi nhận các ý kiến về bàn giao mặt bằng còn lại cho KCN An Dương; về dự án xây dựng nhà ở chuyên gia và công nhân sẽ tiếp tục được thực hiện khi  Quy hoạch chung phát triển Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt. Ngoài ra, các chính sách về giá nhà ở xã hội của Hải Phòng đã được tính toán, xem xét kỹ lưỡng, hiện được coi là mức giá khá ưu đãi do được xây dựng ở những vị trí đắc địa, thuận tiện nhất.

           Đồng chí Lê Trung Kiên cũng hoan nghênh ý kiến về cần có khu để xe ô tô cho công nhân trong KCN, cho rằng đây là tín hiệu tích cực, cho thấy tương lai tươi sáng của người lao động trong KCN. Từ đó, chưa đồng tình với ý kiến của một số chủ đầu tư hạ tầng KCN khi cho rằng doanh nghiệp phải tự lo và mong muốn các KCN cần coi đây là dự án phúc lợi công cộng gắn với khu thương mại, công viên cây xanh và có biện pháp xử lý, giải quyết thỏa đáng.

           Lãnh đạo các ngành Hải quan, Thuế, Lao động- TBXH, Kế hoạch và Đầu tư… vừa giải đáp, vừa hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp các vấn đề liên quan tới thành lập chi nhánh, chính sách thuế, thủ tục hải quan; chế độ chính sách cho người lao động, nhất là lao động nữ… Những vấn đề vượt thẩm quyền, lãnh đạo BQL ghi nhận,  tổng hợp báo cáo thành phố và các Bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết và có phản hồi cụ thể tới từng doanh nghiệp.

Đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng cho biết,  với hàng nghìn doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh tại các KCN, KKT trên địa bàn thành phố, thời gian qua, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng luôn lắng nghe và tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bằng nhiều hình thức: trực tiếp, trực tuyến…

Sản xuất máy giặt tại Công ty LG Electronics trong KCN Tràng Duệ

Năm 2023, BQLKKT phối hợp với Công an thành phố tổ chức các hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, các nhà thầu trong từng KCN và tháo gỡ, giải quyết nhiều vấn đề cho doanh nghiệp, nhất là về an ninh trật tự.

Ban cũng phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe và giải quyết các vấn đề về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cấp chất lượng hệ thống giao thông, hạ tầng tại các khu công nghiệp; có đề án cụ thể để thu hút và đào tạo nguồn nhân lực trẻ, có tay nghề cao, tạo môi trường sinh hoạt ổn định cho người lao động; về định hướng phát triển các KCN và thu hút đầu tư…

          Có thể nói, với cách làm thiết thực, hiệu quả, luôn lắng nghe, tháo gỡ, giải quyết, luôn đồng hành của BQLKKT, các doanh nghiệp đều cảm thấy hài lòng và mong muốn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh tại các KCN Hải Phòng. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các KCN, KKT Hải Phòng liên tiếp đón các dự án mới; sản xuất kinh doanh sôi động, hiệu quả và thành công.

           7 tháng  năm 2024, các KCN, KKT đã thu hút  tổng vốn đầu tư đạt 1,22 tỷ USD với 50 dự án. Trong đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1,17 tỷ USD với 43 dự án cấp mới, bằng 60% kế hoạch năm; thu hút vốn đầu tư trong nước (DDI) ước đạt 1.107 tỷ đồng (tương đương 47,33 triệu USD) với 7 dự án cấp mới, bằng11% kế hoạch năm.  Lũy kế đến tháng 7-2024, các KCN, KKT thu hút 571 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đạt 27,3 tỷ USD; thu hút đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đạt 319.423 tỷ đồng (tương đương 13,7 tỷ USD).

7 tháng, tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt 21.028 triệu USD, bằng 65,9% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu đạt 18.303 triệu USD, bằng 70,3% kế hoạch năm; kim ngạch nhập khẩu đạt 14.671 triệu USD, bằng 68,8% kế hoạch năm; nộp ngân sách doanh nghiệp đạt 8.192 tỷ đồng, bằng 68,9% kế hoạch năm.

Tổng số lao động đang làm việc tại các KCN, KKT là 200.820 lao động, tăng 8,42% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân lao động Việt Nam là 11,52 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã thành lập và đi vào hoạt động được 14 KCN, đang tiếp tục tập trung để phát triển thêm 20 KCN mới với tổng diện tích hơn 7.000 ha. Có 4dự án hạ tầng KCN đã đảm bảo các điều kiện, đã nộp hồ sơ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư: KCN Nam Tràng Cát (200,3ha); KCN Tràng Duệ 3 (687ha); KCN Giang Biên 2 (350ha); KCN Vinh Quang (giai đoạn 1 diện tích 226,01ha).

Các KCN còn lại đang trong quá trình lập quy hoạch phân khu, lập đề xuất dự án đầu tư và bổ sung, hoàn thiện các điều kiện cần thiết theo quy định trước khi nộp hồ sơ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư./.

                                                                                                                                        Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông