Lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường: Gian nan nhưng phải làm

16:42 11/03/2017

 

 

Kiên quyết xử lý các vi phạm
Kiên quyết xử lý các vi phạm

Tiếp nối TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, tháng 3 này, lực lượng quản lý đô thị của 3 quận trung tâm Hải Phòng đồng loạt ra quân trong nhiều ngày với từng cụm riêng để chấn chỉnh, lập lại đường thông hè thoáng cho người đi đường. Việc kiên quyết dẹp bỏ hàng quán, “giành” và “giữ” lại vỉa hè cho người đi bộ của các cơ quan chức năng được đánh giá là “cuộc chiến” gian nan nhưng cần phải làm và được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, đồng tình ủng hộ…

Từ lâu, nạn lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, kinh doanh hoặc làm nơi đỗ xe, bãi giữ xe... đã trở thành vấn nạn của rất nhiều đô thị lớn. Những tuyến đường càng ở địa bàn trung tâm, gần khu dân cư sầm uất thì càng bị lấn chiếm nhiều. Vỉa hè không còn, người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường “tranh” cả phần đường dành cho các phương tiện giao thông. Đã có nhiều vụ ùn tắc, va quệt dẫn đến tai nạn đáng tiếc xảy ra, gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản cũng bắt nguồn từ chính hệ quả “chợ nuốt đường” nói trên. Đó là chưa kể những thiệt hại vô hình mà tình trạng lấn chiếm lòng đường gây ra như làm mất trật tự đô thị, làm xấu đi hình ảnh của thành phố trong lòng du khách và bạn bè quốc tế mỗi khi đến tham quan và làm việc...

Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm lòng lề đường tràn lan ở các đô thị là việc không hề đơn giản. Có ý kiến cho rằng, kinh doanh vỉa hè góp phần giải quyết mưu sinh của không ít hộ gia đình. Song, đối với một đô thị phát triển, hướng đến sự văn minh thì loại hình kinh doanh này hiện không còn phù hợp. Hoặc nếu có tồn tại cũng phải tổ chức buôn bán theo quy hoạch chứ không thể lấy đây làm lý do để bao biện cho hành vi chiếm dụng lòng lề đường dành cho người đi bộ.

Còn đối với người vi phạm, ai cũng biết đó là hành vi bị cấm, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nhưng vì mưu sinh họ vẫn cứ chiếm dụng để mua bán. Người này thấy người kia làm được thì đua nhau lấn chiếm khiến cho đường phố đôi khi biến thành cái chợ, đặc biệt vào những giờ tan tầm, gây bức xúc cho những người tham gia giao thông.

Chính vì vậy đầu năm 2017, chính quyền quận 1, TP Hồ Chí Minh khi mở đầu chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ đã tạo được tiếng vang lớn. Sau TP Hồ Chí Minh là Hà Nội và giờ đến lượt Hải Phòng.

Việc các cơ quan chức năng của quận Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân ra quân chấn chỉnh, xử lý việc bày bán hàng hóa lấn chiếm lòng đường đã nhận được sự đồng tình đặc biệt của người dân thành phố. Những hàng quán bè phè bị dẹp bỏ, những mái che, mái vẩy bị dỡ đi, vỉa hè nhiều tuyến phố trung tâm như Trần Phú, Cầu Đất, Lạch Tray, Lương Khánh Thiện, Điện Biên Phủ, Nguyễn Đức cảnh, Tô Hiệu, Phan Bội Châu..., người đi bộ đã có thể sải bước.

Bộ mặt mỹ quan đô thị bước đầutrở nên thông thoáng, sạch đẹp, dư luận xã hội ủng hộ tuyệt đối vì ngoài sự an toàn của mỗi người dân khi tham gia giao thông còn có cả sự an toàn của các cháu học sinh mỗi giờ tan trường.

Khi đường thông, hè thoáng, các cháu học sinh có thể tự ra về, giảm bớt tình trạng kẹt xe lúc tan trường do tâm lý phụ huynh không yên tâm để con tự về nên buộc phải đưa đón, lãng phí cả về thời gian, công sức và tiền bạc. Vào một quán bánh đa cua trên đường Đà Nẵng, thắc mắc: “Sao hôm nay lại phải ăn tận trong nhà (mọi lần trong nhà chỉ bày một vài bàn và chứa đồ - PV), chúng tôi nhận được câu trả lời: “Đợt này họ làm nghiêm lắm!”. Rõ ràng những động thái của cơ quan chức năng đã có tác động không nhỏ đến ý thức của những người lấy vỉa hè, lòng đường làm nơi mưu sinh.

Cuộc chiến lập lại kỷ cương trật tự đường hè”giành” đã khó, “giữ” còn gian nan hơn vì trong quá trình triển khai, các lực lượng chức năng gặp phải không ít trường hợp chống đối, không chịu chấp hành hoặc khi lực lượng chức năng vừa rút khỏi thì lại tái diễn vi phạm.

Do đó, công tác quản lý trật tự đường hè của các địa phương không được phép buông lỏng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục để trật tự đô thị thực sự đi vào nề nếp. Các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm sao để mọi người dân thấy rõ việc lấn chiếm lòng lề đường là mất mỹ quan đô thị, làm xấu đi bộ mặt thành phố, là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt rất nặng.

Đồng thời, chính quyền địa phương cũng cần sắp xếp và định hướng chuyển nghề cho những người bán hàng rong thuộc diện hộ nghèo; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng lề đường. Đặc biệt, chế tài xử phạt từ nay cần phải “mạnh tay” và nghiêm minh với bất kể hành vi vi phạm nào. Chỉ có như vậy mới góp phần hạn chế, đẩy lùi nạn ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố, diện mạo đô thị mới sáng sủa, sạch sẽ thêm lên.

Bùi Hạnh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích