LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM ĐỂ CÁN BỘ “TỰ SOI, TỰ SỬA” (Bài 2): NHẬN DIỆN RÕ CÁC BIỂU HIỆN SAI TRÁI ĐỂ VIỆC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM BẢO ĐẢM NGHIÊM TÚC, TRÁCH NHIỆM, HIỆU QUẢ

16:34 08/08/2023

Việc lấy phiếu tín nhiệm là chủ trương lớn, là việc làm định kỳ, thường xuyên của Đảng, Quốc hội, nhằm góp phần làm tốt hơn nữa công tác đánh giá, sử dụng cán bộ. Tuy nhiên, một số thế lực thù địch, phản động cố tình bóp méo, làm sai lệch mục đích, ý nghĩa cao đẹp của việc lấy phiếu tín nhiệm. Cũng không loại trừ có một số trường hợp lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ, “hạ bệ” lẫn nhau. Đây là những biểu hiện sai trái cần được nhận diện rõ và đấu tranh phản bác để việc lấy phiếu tín nhiệm đáp ứng được đầy đủ quan điểm, nguyên tắc, yêu cầu, mục tiêu mà Đảng, Quốc hội đề ra.

                             Mỗi cán bộ, đảng viên là “bộ lọc” phản bác quan điểm sai trái về lấy phiếu tín nhiệm

          Ngay khi Bộ Chính trị ban hành Quy định 96; Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sửa đổi Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, các thế lực thù địch đẩy mạnh việc phát tán thông tin, tài liệu xuyên tạc, thêu dệt ra nhiều câu chuyện, trong đó bịa đặt trắng trợn những sự việc, câu chuyện không có thật liên quan tới việc lấy phiếu tín nhiệm.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Hội nghị Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa 13 được đánh giá là thành công, bảo đảm khách quan, minh bạch, thế nhưng  trên các mạng xã hội như facebook, zalo, youtube và một số hãng truyền thông không thiện chí với Việt Nam đăng tải các tin, bài hoàn toàn mang tính bịa đặt, thêu dệt trắng trợn, hoàn toàn không chính xác về kết quả phiếu tín nhiệm của một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Đây là những thông tin xấu độc, bóp méo sự thật, xuyên tạc, cắt ghép, suy diễn, quy chụp vô căn cứ; dàn dựng, tạo ra một số diễn đàn bàn về uy tín của một số đồng chí lãnh đạo cấp cao trên mạng để  lôi kéo các đối tượng thiếu thông tin, thù địch, bất mãn với chế độ nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta... Chúng phát tán các tin, hình ảnh giả tạo, sai lệch, thật giả lẫn lộn, biến không thành có, gây hoài nghi trong dư luận, tác động đến tâm lý, tư tưởng, tình cảm của nhân dân vào cán bộ, đảng viên, làm mất đoàn kết nội bộ, mất lòng tin đối với những người thiếu bản lĩnh. Có không ít bài viết của chúng cho rằng lấy phiếu tín nhiệm là “chiêu trò mị dân”, là hình thức. Qua đó nhằm mục đích làm giảm niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, không tin tưởng vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí lãnh đạo cấp cao, chủ chốt của Đảng, Nhà nước.

          Tuy nhiên, điều rất đáng mừng là những quan điểm sai trái thù địch đó đã không đủ sức đứng vững trên dư luận không chỉ bởi không có “sức nặng” về thông tin, không chính xác mà bởi lòng tin của cán bộ, đảng viên, của nhân dân ta đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là hoàn toàn tuyệt đối, là to lớn, đủ sức át đi mọi quan điểm, thông tin sai trái, bịa đặt.

Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm 50 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13

Ngay dưới phần comment các tin, bài, clip đó, có rất nhiều người vào bình luận thẳng thắn “chỉ mặt, vạch tên” sự bịa đặt trắng trợn đó và khẳng định niềm tin sâu sắc vào các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.  Đây cũng chính là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam. Mỗi người hãy là bộ lọc phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đó, tự bản thân và nhắc nhở mọi người trog gia đình, kêu gọi người dân Việt Nam không xem, không đọc, không chia sẻ những thông tin xấu độc; chỉ đọc, chỉ tin những thông tin do các cơ quan báo chí chính thống của Đảng, Nhà nước phát ra. Đồng thời, tỏ thái độ, chính kiến rõ ràng, đấu tranh thẳng thắn với những quan điểm sai trái, thù địch đó.

Cùng với đó, phải hiểu, phải nắm thật chắc nội dung Quy định số 96 của Bộ Chính trị; Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) và là những tuyên truyền viên tích cực góp phần chuyển tải những quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu; những nội dung chủ yếu của các văn bản này tới mọi người.

Qua đó, để cán bộ, đảng viên, nhân dân thấy rõviệc lấy phiếu tín nhiệm đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị đã được Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định là việc làm cần thiết, được thực hiện dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch. Thông qua lá phiếu tín nhiệm nhằm giúp cấp ủy có một kênh thông tin tham khảo quan trọng, làm cơ sở cho việc đánh giá chính xác, bố trí sử dụng đúng cán bộ. Kết quả việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư  vừa qua  được BCH Trung ương thực hiện dân chủ, khách quan, công tâm, minh bạch, bảo đảm; được tiến hành bài bản, chu đáo, thận trọng, nghiêm túc,  đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Đây là minh chứng rõ nét khẳng định Đảng ta nói chung, mỗi cán bộ lãnh đạo các cấp nói riêng luôn có ý thức, tinh thần cầu thị, tôn trọng lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng và nhân dân. Những thông số của mỗi lá phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo là tiền đề, cơ sở để mỗi cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, không ngừng hoàn thiện phẩm chất nhân cách và nâng cao năng lực công tác, thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn cương vị, trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

          Nhận diện rõ, đấu tranh với những hiện tượng “biến tướng” trong lấy phiếu tín nhiệm

          Khi thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường về Nghị quyết của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội thẳng thắn bày tỏ những băn khoăn, lo lắng về một số hiện tượng “biến tướng” trong lấy phiếu tín nhiệm có thể xảy ra trên thực tế. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị rà soát làm rõ tiêu chí sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước làm căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; trong đó làm rõ hơn nhóm đối tượng có quan hệ gia đình gần gũi với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

           Dẫn lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Trung ương Đảng khóa 13 là “kiên quyết không để xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ” và nhấn mạnh  Quy định số 96-QĐ/TW có quy định nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu,  đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết nội dung người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra tình trạng lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm bỏ phiếu tín nhiệm gây mất đoàn kết nội bộ.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phát biểu thảo luận về Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm

Ngoài ra, trong việc tổ chức thực hiện cần làm tốt việc nắm tình hình và công tác tư tưởng để phòng ngừa từ sớm, từ xa  những trường hợp có thể xảy ra hiện tượng mất đoàn kết nội bộ. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa nêu rõ, “ở một tập thể lớn thì khó có thể xảy ra hiện tượng này, nhưng cá biệt ở HĐND xã ở một số ít địa phương với tính chất dòng họ, làng xã tương đối đậm đặc thì khả năng trên vẫn có thể xảy ra, bởi số lượng đại biểu HĐND của một xã không nhiều. Chỉ cần một nhóm người của dòng họ chiếm số đông trong HĐND xã chi phối hoặc thao túng số phiếu có thể lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm làm giảm uy tín của người khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ”. Điều này cũng có thể xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị khi mà tập thể lãnh đạo mất đoàn kết và “lấy cớ lấy phiếu tín nhiệm” để cố tình gạt bỏ lẫn nhau.

Một hiện tượng khác có thể xảy ra cũng phải nhận diện rõ. Đó là còn  có biểu hiện cảm tính, nể nang, dễ dãi, khiến cho quy trình trong công tác cán bộ chưa thể “tròn vai” và còn mang tính hình thức. Minh chứng là, đã có quá nhiều cán bộ, đảng viên khi được tôn vinh, khen thưởng, cất nhắc, trọng dụng, nhưng một thời gian sau, các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra mới phát hiện cán bộ có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong giai đoạn còn giữ quyền cao chức trọng. Thực tế số lượng cán bộ bị xử lý kỷ luật, bị truy tố thời gian qua đã nói lên điều đó. Điều này có một phần nguyên nhân từ việc chưa nhìn nhận rõ và toàn diện trong công tác đánh giá cán bộ.

Cũng rất đáng lưu ý khi trong thời gian chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm, lãnh đạo một số cơ quan bỗng trở nên “mềm” tính hơn bao giờ hết, trở thành người khác hẳn. Trong khi trước đó, trong mắt CBCNV cơ quan, họ là người lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền, có nhiều dấu hiệu của lợi ích nhóm; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ không vững vàng, không được anh em quý mến, nể trọng. Thế nhưng, họ bỗng thay đổi để nhằm có ít hơn số phiếu tín nhiệm thấp. Thậm chí, còn có những hứa hẹn với một số cán bộ chủ chốt để lấy lòng. Bởi vậy, các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn đặt vấn đề, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định trong nghị quyết về "lợi ích phi vật chất" như phần thưởng, hứa hẹn chức vụ…  để ngăn chặn việc “vận động” lấy phiếu của một bộ phận cán bộ./.

(Còn tiếp)

                                                                                                                                                Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông