Lễ hội Chèo bơi Cát Hải: Rộn ràng sóng nước ngày Xuân

23:21 12/02/2023

“Dù ai buôn đâu bán đâu/ Lễ hội hai mốt rủ nhau thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Đến ngày hai mốt nhớ về chèo bơi”. Câu ca có tự bao đời như nhắc nhở, thúc giục người dân đảo Cát Hải và du khách thập phương đến ngày 21 tháng Giêng hàng năm cùng tụ hội về đây để tham dự Lễ hội chèo bơi - một nét văn hóa riêng đã góp phần tạo nên sắc thái Xuân khá độc đáo ở vùng biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc.

Rộn ràng sóng nước

Mang theo tâm trạng náo nức, phấn khởi của những ngày đầu Xuân mới, tôi hòa vào dòng người và xe đông đúc đi qua cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ra đảo Cát Hải (Tp. Hải Phòng) để tham quan lễ hội đua thuyền truyền thống ngư dân nơi đây. Đã thành thông lệ từ lâu đời, cứ đến ngày 21 tháng Giêng hàng năm, huyện đảo Cát Hải lại tổ chức lễ hội chèo bơi. Hoạt động sôi nổi đầu Xuân này đã làm rộn ràng cả một vùng biển đảo quê hương. Về đây, tôi mới cảm nhận được không khí sôi động, vui tươi của không gian văn hóa làng quê Việt.

Ông Đoàn Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Cát Hải, Trưởng ban tổ chức lễ hội chèo bơi hồ hởi cho biết: “Lễ hội chèo bơi Cát Hải được tổ chức trong 3 ngày, từ 19 đến 21 tháng Giêng. Song song với lễ hội chèo bơi là các hoạt động văn hóa, thể thao khác diễn ra ngay trung tâm lễ hội - Đình Gia Lộc và ở Trung tâm VHTT thị trấn như lễ rước nước, thi đấu bóng bàn, bóng chuyền, cờ tướng, đi xe đạp chậm, nhảy bao, thi đập niêu, thi đan lưới, thi làm bánh trôi nước, thi kéo co nữ, rước kiệu chư vị Tiên thánh hồi cung.

Độc đáo lễ rước kiệu chư vị Tiên thánh hồi cung

Đây là một lễ hội truyền thống hàng năm của người dân đảo Cát Hải với tâm nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, đánh bắt được nhiều cá tôm và cũng là lễ xuất quân đầu năm của một mùa cá mới!”. Theo tục lệ, những ngày này, nhà nào cũng làm món bánh trôi cổ truyền để dâng lên các vị thành hoàng và bàn thờ tổ tiên của mình để cầu mong cho trời yên biển lặng, bình an no đủ và tránh được mọi tai ương.

Các đội đua đang quyết tâm về đích

Trước khi lễ hội diễn ra cả tháng, các khu dân cư của thị trấn Cát Hải đều huy động những thanh niên trai tráng, khỏe mạnh, dẻo dai hăng say tập luyện để chuẩn bị cho cuộc so tài trên sóng được diễn ra tốt đẹp. Người dân đảo tin rằng thuyền đua thắng cuộc thì việc làm ăn trong năm sẽ được khấm khá, phát đạt và gặp nhiều may mắn. Năm nay có 3 thuyền rồng đại diện cho 6 khu dân cư của thị trấn Cát Hải tham gia tranh tài. Mỗi thuyền gồm 17 người, trong đó một người thổi còi chỉ huy nhịp điệu, 2 người cầm lái và 14 người cầm dầm chèo.

Bà Hoàng Hồng Luân- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cát Hải trao thưởng cho các đội đạt giải đua thuyền truyền thống

Sau 3 hồi trống khai hội của vị cao niên, 51 vận động viên của 3 thuyền đua với trang phục quần áo dài 3 màu bạch, đỏ, vàng, (theo màu đã gắp thăm) đầu chít khăn nhiễu điều đỏ, lưng thắt bao tượng, vác dầm chèo trên vai khẩn trương xuống thuyền chờ lệnh xuất phát. 

Trên bờ kè đá suốt chiều dài của đảo, hàng ngàn người xem đứng vòng trong vòng ngoài hò reo như sấm dậy để cổ vũ cho các đội đua. Các đội đua phải chèo thuyền rồng với quãng đường là 1,5 vòng từ Đông đảo đến Tây đảo (khoảng 3 km).

Trong tiếng trống dục liên hồi, những hàng chéo cứ đều đều đưa xuống nước, hất tung nước lên trắng xoá. Nhìn những cơ bắp cuồn cuộn nổi của mỗi tay chèo và từng đợt sóng bắt nguồn từ mỗi con chải dạt vào bờ như biểu thị sức mạnh tập thể, tình đoàn kết không chỉ của đội đua mà còn truyền vào bờ, đến với mỗi người xem.

Độc đáo lễ rước kiệu chư vị Tiên thánh hồi cung 

Khi nghe tôi hỏi cảm xúc về lễ hội này, anh Subhash Goyat, một du khách đến từ Ấn Độ đang mải mê reo hò, cổ vũ quay sang hào hứng nói: “Bản thân tôi là một giáo viên bộ môn Yoga và đã sống ở Việt Nam 7 năm nay rồi nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tham dự lễ hội đua thuyền ở đảo Cát Hải. Tôi cảm thấy hết sức thú vị và càng thêm yêu đất nước và con người của đất nước các bạn!”.

 Tìm về tích xưa

Ông Bùi Hữu Sản, Phó trưởng ban quản lý Di tích đình chùa Gia Lộc- Di tích được xếp hạng lịch sử văn hoá cấp thành phố năm 2004 kể lại cho tôi nghe tích xưa để hiểu thêm về nguồn gốc của lễ hội chèo bơi.

Tích kể lại rằng: có hai vợ chồng ông lão đánh cá người xã Hương Cát, cửa biển Đại Càn, châu Hoan nước Việt. Chồng là Triệu Bình, vợ là Dương Thị Phấn. Một đêm, bà nằm mộng thấy mình nuốt mặt trăng vào bụng, tức thời có thai. Khi hai vợ chồng đang thả lưới ở cửa biển Đại Càn thì bà trở dạ, sinh hạ một bé gái, đặt tên là o Càn (Càn nương). Lớn lên cô gái có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, mày cong lá liễu, má phấn hoa đào.

Các hoạt động trong lễ hội thu hút được đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương tham dự

Bấy giờ, vua Đoan Tông nhà Nam Tống của Bắc Triều xa giá Nam Việt. Khi du tới cửa biển Đại Càn, thấy nàng sắc đẹp tuyệt trần bèn gia nạp cho Đế Bính (Thái tử) để kết duyên châu trần. Rồi Đoan Tông mất, Đế Bính lên ngôi lập nàng là hoàng hậu. Sau đó hoàng hậu sinh hạ được hai công chúa là Hồng Liên và Hồng Hạnh. Hoàng hậu có một người hầu gái họ Vương rất thân cận, yêu quý nên cho ở cùng hai công chúa.

Khi Nguyên - Tống đánh nhau, Tống thua trận. Đế Bính cùng thừa tướng Lục Tú Phu bị hãm trong trận mạc. Được tin này, hoàng hậu và hai công chúa cùng người hầu gái vội lên chiếc thuyền nhỏ chạy xuống đất Nam. Mấy tháng sau nghe tin Đế Bính cùng thừa tướng Lục Tú Phu lao mình xuống biển tự vẫn, hoàng hậu xót xa nói với hai công chúa và nàng hầu rằng: “Sống bởi việc nước là cái sống vẻ vang, chết vì việc nước là cái chết sống mãi. Sống mà không trả được thù nước thì thà chết mà được tiếng thơm, còn tiếc gì tuổi thanh xuân nữa!”. Than xong, bốn người ra thẳng bờ biển gieo mình xuống nước mà thác. Ba ngày sau, dòng nước đưa họ đến cửa biển Đại Càn- châu Hoan.

Lễ hội đã trở thành nét văn hoá đặc sắc của người dân huyện đảo Cát Hải

Dân làng ở đây vớt lên mai táng và lập miếu thờ nhỏ trên gò thờ cúng. Đời vua Trần Anh Tông, nhà vua cất quân chinh phạt Chiêm Thành. Bốn vị thánh nương ứng vào giấc mơ của vua và xin theo Hoàng gia đánh giặc. Đoàn quân đại thắng trở về. Đến cửa biển Đại Càn, vua truyền binh sĩ cùng dân làng dựng một ngôi miếu đồ sộ, xây cất lăng mộ, mở hội ăn mừng. Vua lại ban sắc chỉ là “Đại Càn Quốc gia Nam hải Tứ vị thánh nương”, ban tặng cho dân ba trăm quan tiền xanh dùng để trông coi, giữa gìn, tế lễ…

Tác giả và du khách Subhash Goyat đến từ Ấn Độ

Từ đó về sau, Tứ vị thánh nương thường là hộ quốc cứu dân, cầu tạnh, xin mưa tất thảy đều linh thiêng nên nhiều đời vua chúa khen phong nữ tự “Thượng đẳng phúc thần”. Các vùng cửa biển duyên hải Bắc Bộ nước ta làm nghề chài lưới đều lập miếu thờ ghi nhớ công ơn phù hộ độ trì của Tứ vị thánh nương. Vùng biển Hải Phòng nói chung và cửa biển Cát Hải nói riêng cũng nằm trong thông lệ đó.

Rước kiệu chư vị Tiên thánh hồi cung

Lễ hội chèo bơi đã trở thành hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của vùng quê sông nước, thu hút hàng ngàn người dân, du khách trong và ngoài nước tham gia. Ngoài ý nghĩa truyền thống, nét đẹp văn hoá thì đây còn là dịp để bà con ngư dân tập luyện, thử thách sự dẻo dai, rèn luyện ý chí, cổ vũ con người phấn đấu vươn lên làm ăn, xây dựng quê hương không chỉ ở riêng huyện đảo Cát Hải mà còn phổ biến rộng rãi khắp các vùng biển đảo nước ta.

LAM GIANG

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông