Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn chính thức khai hội

22:30 14/09/2018

Hàng năm, cứ vào ngày 9-8 Âm lịch, người dân Hải Phòng và du khách khắp nơi lại nô nức về tham dự Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn. Nhưng ít ai biết rằng, để có một mùa chọi trâu thành công, với các kháp đấu diễn ra suôn sẻ, ngay từ ngày 1-8 Âm lịch, BTC lễ hội cùng các bậc cao niên các làng có trâu chọi đã tổ chức một nghi lễ vô cùng trang nghiêm, chính thức khai hội theo phong tục truyền thống của người dân địa phương. Đó chính là lễ dâng hương, thượng cờ.

Chủ nhang thực hiện các nghi lễ dâng hương (Ảnh: Phan Tuấn)

Lễ dâng hương, thượng cờ khai hội là nghi lễ vô cùng quan trọng, mở đầu cho vòng chung kết Lễ hội chọi trâu với mong muốn cầu mưa thuận gió hòa để các kháp đấu diễn ra an toàn, sôi nổi. Nếu lễ dâng hương, thượng cờ không được thực hiện có nghĩa là lễ hội chọi trâu không tồn tại. Vì vậy, hàng năm, cứ vào ngày 1-8 Âm lịch, BTC lễ hội cùng các bậc cao niên, chủ trâu tham dự vòng chung kết lễ hội, người dân địa phương cùng đông đảo du khách tiến hành trình lễ vật, dâng hương và thực hiện nghi thức thượng cờ.

Lễ dâng hương, thượng cờ được tổ chức trang trọng tại đền Nghè (phường Vạn Hương) và đền thờ Nam Hải Thần Vương (ở Đảo Dấu). Tương truyền, cả tổng Đồ Sơn xưa chỉ thờ duy nhất một vị thành hoàng, đó là “Điểm Tước Thần Vương”. Theo các cụ bô lão tại đây kể lại, vùng đất Đồ Sơn xưa đang yên vui bỗng có một con thuỷ quái đến phá hoại các xóm vạn chài, bắt dân cư mỗi năm phải cũng cho nó một “thiện nam” tại vụng Mát; từ đó họ luôn cầu thần khấn phật ra tay cứu giúp. Thế rồi vào một đêm hè, giông bão nổi lên, thuỷ quái bị giết, xác dạt vào bãi biển nơi mỏm Nghè, chân núi Ngọc.

Các ông chủ trâu sắp lễ dâng hương tại đền Nghè trong lễ thượng cờ Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2018 (Ảnh: Phan Tuấn)

Được sự giúp đỡ của thần linh, xóm vạn chài trở lên yên vui. Cư dân Đồ Sơn khi đó đã tiến hành lễ cầu duệ hiệu. Sau 7 ngày, 5 đêm thì thấy hiện lên nốt chân chim trên mâm bột, từ đó Điểm Tước (có nghĩa là vết chân chim) trở thành tên gọi của thành hoàng tổng Đồ Sơn. Người dân Đồ Sơn ngày ấy đã theo đúng chỗ đó dựng đền thờ thần Điểm Tước.

Đêm 10-8 âm lịch năm đó, dân ấp qua đền thấy 2 trâu đang chọi nhau để vui lòng thần. Từ nguồn gốc của vị thành hoàng làng mà tục chọi trâu đã được hình thành ở Đồ Sơn và là tập tục rất lâu đời của người Việt cổ được lưu giữ cho đến ngày nay. Hàng năm, người dân Đồ Sơn lại tập trung tại đền Nghè thực hiện nghi lễ dâng hương, thượng cờ để xin thần hoàng làng cho nhân dân chính thức khai hội.

Tại đây, BTC Lễ hội thực hiện khởi trống khai hội, dâng hương khai lễ, thực hiện khóa lễ để báo cáo lên thành hoàng làng và thực hiện nghi lễ thượng cờ khai hội. Sau đó, các chủ trâu cũng tiến hành dâng hương, dâng hoa lên thành hoàng làng để cầu mong cho ông trâu của mình sẽ có một trận thi đấu thật ấn tượng, đạt kết quả tốt trong các kháp đấu.

Chủ trâu dâng hương cầu mong lễ hội thành công (Ảnh: Phan Tuấn)

Ngay sau khi thực hiện nghi lễ dâng hương, thượng cờ tại đền Nghè, BTC lễ hội cùng các bậc cao niên, chủ trâu tham dự vòng chung kết lễ hội, người dân địa phương lại tiếp tục đến dâng hương tại đền thờ Nam Hải Đại Thần Vương. Nam Hải Đại Thần Vương là vị danh tướng tuấn kiệt đời nhà Trần sau trận thủy chiến với quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng bị trôi dạt vào, được ngư dân Đồ Sơn đắp mộ, lập miếu thờ thành kính hương khói.

Trong một dịp kinh lý ra Bắc, Vua Tự Đức, khi đi ngang qua hòn Dấu bất ngờ gặp sóng to gió lớn đã cho thuyền ghé vào đảo thăm ngôi đền. Thắp hương, khấn vái xong thì trời quang mây tạnh. Thấy ngôi đền linh thiêng, vua liền ban chiếu phong là Nam Hải Thần Vương. Nhân dân miền biển Đồ Sơn mỗi lần đi biển qua đều dừng thuyền vào đảo thắp hương, cầu xin Nam Hải thần vương năm đi biển yên bình, đánh được nhiều tôm cá.

Chính vì thế, mỗi mùa Lễ hội chọi trâu đến, cùng với đền Nghè, BTC Lễ hội lại tiến hành dâng hương trung thiên; thỉnh chuông; tấu trống, chiêng khai lễ; dâng hương khai lễ,thực hiện khóa lễ một cách vô cùng trang trọng với mong muốn cầu mưa thuận gió hòa để các kháp đấu diễn ra an toàn, sôi nổi.

Các đại biểu, BTC lễ hội dâng hương tại đền thờ Nam Hải Đại Thần Vương (Ảnh: Phan Tuấn)

Ngay khi lá cờ khai hội chính thức được kéo lên, các chủ trâu có trâu tham gia vòng chung kết năm 2018 đã tiến hàng dâng lễ, dâng hương lên các vị thần hoàng, thể hiện tấm lòng, lòng tôn kính của mình đối với các vị thần. Ông Lương Tiến Vấn, chủ trâu số 16 (phường Vạn Sơn) cho biết: “Lễ dâng hương, thượng cờ mang tính chất tâm linh, là lễ giáo của dân tôc, mang thuần phong mỹ tục của tổng Đồ Sơn cũ. Gia đình tôi đã dậy từ rất sớm để chuẩn bị lễ vật với tấm lòng thành tâm nhất dâng lên các thành hoàng làng, với mong muốn các thành hoàng làng sẽ về phù hộ cho ông trâu của mình có màn thi đấu xuất sắc nhất tại vòng chung kết sắp tới”.

Chủ trâu dâng hương tại đền thờ Nam Hải Đại Thần Vương cầu mong lễ hội thành công (Ảnh: Phan Tuấn) 

Còn theo ông Hoàng Trung Hiếu – Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Phó trưởng BTC Lễ hội cho biết: “Tổ chức phần lễ là phần cốt lõi của lễ hội. Mở đầu cho lễ hội năm nay là lễ dâng hương, thượng cờ. Chỉ khi lễ dâng hương, thượng cờ được tổ chức khi đó Lễ hội chọi trâu mới chính thức được bắt đầu. Lễ dâng hương, thượng cờ không chỉ mang tính chất tâm linh của người dân Đồ Sơm mà thể hiện mong ước, nguyện vọng của người dân Đồ Sơn, cầu mong cho lễ hội năm nay diễn ra tuyệt đối an toàn, với những trận đấu hấp dẫn, xứng tầm là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia”.

Hải Ngân

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông