15:03 22/03/2024
Lễ hội truyền thống có vai trò rất lớn trong đời sống cộng đồng dân cư cũng như trong phát triển du lịch Cát Bà. Đó là hoạt động để tôn vinh sức mạnh cộng đồng và cũng là “cầu nối” tạo nên sự gắn kết cộng đồng, là tài nguyên nhân văn để phát triển du lịch. Tại Cát Hải, trong những năm qua, vai trò của lễ hội đối với phát triển du lịch ngày càng được thể hiện rõ nét.
Lễ hội văn hoá truyền thống là một dạng hoạt động văn hoá đặc thù, với những giá trị của nó, tự thân đã có sức thu hút du khách rất lớn. Khách du lịch muốn tham gia lễ hội, chiêm nghiệm, trải nghiệm lễ hội để tìm hiểu, khám phá bản sắc đó.
Thực tế là trong những năm gần đây, các lễ hội văn hóa truyền thống ở Cát Hải, nhất là Lễ hội Xa Mã ở Hoàng Châu; Hội đua thuyền rồng truyền thống trên đảo Cát Bà; Lễ hội Làng cá Cát Bà… đã và đang có sức thu hút ngày càng đông đảo du khách gần xa, kích cầu ngành Du lịch địa phương. Điều đó được minh chứng qua số lượng khách du lịch ngày càng tăng, thời gian lưu trú của du khách càng dài.
Trong những năm qua, huyện Cát Hải đã chú trọng khai thác các lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống, các di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn để xây dựng các sản phẩm du lịch như: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng... nhằm làm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.
Chính vì vậy, hiện nay Cát Bà không còn là điểm dừng chân hay lưu trú trong chuyến hành trình của du khách nữa mà đã và đang thực sự trở thành một điểm đến hấp dẫn với nhiều loại hình dịch vụ du lịch.
Đã có những công ty du lịch, lữ hành trong và ngoài thành phố xây dựng một số chương trình du lịch, tour du lịch gắn với các lễ hội văn hóa truyền thống và nhất là gắn với Lễ hội Làng cá Cát Bà và Khai mạc du lịch Cát Bà hàng năm.
Hiện trên địa bàn toàn huyện có 313 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 6.566 phòng nghỉ, 11.806 giường; có 141 tàu chở khách tham quan, lưu trú nghỉ đêm đang hoạt động trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà với 1.212 phòng nghỉ trên vịnh; có 77 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, tại một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện còn có trên 100 hộ gia đình có phòng nghỉ phục vụ khách du lịch vào mùa cao điểm.
Khi khách du lịch đến với lễ hội sẽ kéo theo các nhu cầu thiết yếu như đi lại, lưu trú, nghỉ dưỡng, ăn uống, mua sắm, giải trí... Các ngành dịch vụ phát triển đã mang lại nguồn thu đáng kể cho huyện đảo. Theo báo cáo của Phòng Văn hoá Thông tin Thể Thao và Du lịch huyện Cát Hải, tổng lượt khách du lịch quý I ước đạt 409.150 lượt khách; trong đó, khách quốc tế ước đạt 256.014 lượt khách. Tổng doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 351,6 tỷ đồng.
Các ngành dịch vụ phát triển đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương, tăng thu nhập, nâng cao đời sống mọi mặt cho Nhân dân, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn thành phố. Số cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch ngày càng tăng; đặc biệt, lực lượng lao động trong ngành Du lịch cũng từ đó từng bước được đào tạo hướng đến sự chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ du khách với phong cách, thái độ tận tình chu đáo, văn minh, lịch sự.
Từ các hoạt động lễ hội trên địa bàn Cát Hải thời gian qua đã góp phần tích cực vào việc đáp ứng nhu cầu chính đáng về đời sống tinh thần của Nhân dân. Thông qua lễ hội người dân được thụ hưởng, được thỏa sức sáng tạo, cùng nhau chia sẻ và truyền cho nhau những kiến thức về hoạt động lễ hội, các hình thức diễn xướng, các trò chơi dân gian. Vì thế, các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương luôn được bảo tồn và phát huy; được trao truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hoạt động lễ hội đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc, của địa phương; thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, từ đó có cách ứng xử đúng mực với những di sản mà cha ông để lại, nhất là trong thời kỳ hội nhập.
Bên cạnh đó, các lễ hội văn hóa truyền thống ở Cát Hải trong thời gian qua đã góp phần quảng bá hình ảnh huyện đảo xinh đẹp, hữu tình, con người Cát Hải mến khách. Trong những năm gần đây, Cát Bà đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, bởi nơi đây không chỉ có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhiều di tích lịch sử văn hóa mà còn có nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo.
Các lễ hội đó được khôi phục, bảo tồn và tổ chức hàng năm ngày càng có quy mô, chất lượng, được tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đã thu hút được đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Nhiều du khách biết đến Cát Bà và họ đến với Cát Bà thông qua các lễ hội truyền thống. Qua đó chứng tỏ rằng lễ hội văn hóa truyền thống chính là kênh thông tin quảng bá có hiệu quả hình ảnh của địa phương.
Lễ hội văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện cũng như mảnh đất và con người ở đây đã cùng nhau trải qua nhiều biến thiên của lịch sử. Việc bảo tồn, khôi phục và phát huy có hiệu quả giá trị các lễ hội trong đời sống cộng đồng dân cư sẽ góp phần tích cực vào phát triển du lịch cũng như phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo.
Lan Phương
13:22 22/11/2024
16:04 21/11/2024
22:36 20/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão