Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021: Quảng bá về Hải Phòng văn minh, hiện đại

07:40 02/10/2021

Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 có sự tham gia của 30 đoàn nghệ thuật và gần 3.000 nghệ sĩ trên cả nước, kế hoạch dự kiến tổ chức vào tháng 7 nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên sự kiện dời lịch lần thứ 4 sang cuối tháng 10 và đầu tháng 11 tới. Đây là sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tại thành phố Hải Phòng.

Để nghệ thuật không lùi lại phía sau

Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2021 là sự kiện văn hóa nhằm tuyên truyền, quảng bá về Hải Phòng văn minh, hiện đại. Đây cũng là dịp để các nghệ sĩ trong nước hoạt động ở lĩnh vực sân khấu kịch nói được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong lao động sáng tạo nghệ thuật.

Đặc biệt hoạt động này nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt trong thời gian cả nước căng thẳng phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì người yêu nghệ thuật luôn cần những liều vắc xin tinh thần để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mới đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa thông báo lần 4 về việc tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 tại Hải  Phòng.

Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi đối với các đơn vị đăng ký tham gia liên hoan, các đơn vị tại địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, căn cứ tình hình thực tiễn có thể đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến.

Với hình thức thi trực tuyến, sẽ diễn ra từ ngày 28-10 đến 4-11-2021. Với thi trực tiếp, sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 18- 11- 2021 tại thành phố Hải Phòng.

Trước thông báo này, đại diện các nhà hát ở các tỉnh, thành phố trên cả nước bày tỏ nhiều lo lắng, những nơi thiếu kinh phí tham dự liên hoan vì gần 2 năm nay, sân khấu “tắt đèn”, không có nguồn thu hoặc thi trực tuyến không thể lột tả hết chất lượng nghệ thuật vở diễn, chưa kể đường truyền dẫn có thể bị gián đoạn, ảnh hưởng đến việc chấm - thi của ban giám khảo mà các diễn viên mất cảm hứng khi biểu diễn không có người xem.

         

Các nghệ sỹ Hải Phòng trong vở diễn về đề tài gia đình

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, lý do Cục vẫn quyết định tổ chức Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc 2021 là bởi các nghệ sĩ đều mong muốn được làm nghề và được dự thi khi đã chuẩn bị sẵn sàng các tác phẩm trong suốt một năm qua.

Nếu không tổ chức Liên hoan theo đề án đã phê duyệt thì phải tới năm 2024 mới có Liên hoan tiếp theo, đó là điều thiệt thòi cho nghệ sĩ, diễn viên.

Cũng theo đại diện của Cục Nghệ thuật biểu diễn, nhiều năm qua, có rất ít đơn vị sân khấu xã hội hoá, đặc biệt là sân khấu TP.HCM tham gia các liên hoan, cuộc thi nghệ thuật do Bộ VHTTDL tổ chức bởi không lo được kinh phí đi lại, ăn ở.

“BTC Liên hoan sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị và đặc biệt mong sự có mặt của các sân khấu xã hội hoá ở TP.HCM. Đến hết ngày 25.10, chúng tôi mới kết thúc nhận đăng ký của các đơn vị.

Hơn thế, nếu như khu vực TP.HCM có yêu cầu, chúng tôi cũng sẽ tổ chức một đợt thi riêng ngay tại đây để có đầy đủ đại diện những gương mặt sân khấu kịch nói của cả nước.

Rất mong các sân khấu xã hội hoá phía Nam sẽ có những tác phẩm dàn dựng công phu, nắm bắt được hơi thở của cuộc sống. Đây cũng là dịp để các nghệ sĩ cùng giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

Sẵn sàng mọi phương án để “tác chiến”…

Theo giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Hoàng Mai: “Theo tôi được biết, ở thời điểm này trên thế giới vẫn tổ chức các cuộc thi và giải thi đấu về nghệ thuật, thể thao. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tính toán rất kỹ khi lựa chọn tổ chức Liên hoan tại thành phố Hải Phòng.

Đặc biệt, Hải Phòng đang là vùng xanh an toàn; kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao, liên tục dẫn đầu cả nước, kể cả trong thời gian bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Các nghệ sĩ đến với Liên hoan sẽ phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ và Bộ Y tế”.

Cũng theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể ThaoTrần Thị Hoàng Mai, việc tổ chức Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 là để khởi động lại các hoạt động văn hoá nghệ thuật phục vụ quần chúng nhân dân đã bị đứt quãng trong thời gian dịch bệnh. Sau những ngày căng thẳng chống dịch thì người dân rất cần những liều vắc xin tinh thần để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Các vở kịch tham gia Liên hoan là những tác phẩm mới được dàn dựng công phu và đạt chất lượng cao ở từng đơn vị nghệ thuật. Đây là cơ hội cho người dân Hải Phòng nói riêng và người dân cả nước nói chung được thưởng thức những tác phẩm kịch nói đặc sắc thông qua hình thức trực tuyến trên kênh YouTube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam, Fanpage Cục nghệ thuật biểu diễn.

Các nghệ sĩ ở Hải Phòng là chủ nhà đăng cai liên hoan kịch nói lần này nên may mắn và có điều kiện biểu diễn trực tiếp vở diễn về đề tài gia đình.

Tuy nhiên, đến nay, ê kíp sáng tạo từ đạo diễn, âm nhạc, họa sĩ đều ở Hà Nội chưa thể về Hải Phòng do thực hiện các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, các nghệ sĩ kịch nói thành phố tập luyện khá khó khăn, ảnh hướng phần nào đến tiến độ, chất lượng vở diễn. Nhưng, cái khó đó có thể khắc phục bằng cách tập luyện online như cách làm của Đoàn Cải lương Hải Phòng vừa áp dụng đối với vở diễn nằm trong Đề án sân khấu truyền hình Hải Phòng 2021 vừa qua.

Liên hoan sân khấu Kịch nói toàn quốc 3 năm diễn ra một lần, là dịp thể hiện, khẳng định tài năng, đóng góp của hàng trăm nghìn nghệ sĩ, diễn viên trên cả nước. Liên hoan cũng là bữa ăn tinh thần vô cùng phong phú đối với công chúng toàn quốc.

Vũ Duyên

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông