19:40 01/09/2023 Như Chuyên đề An ninh Hải Phòng đưa tin, chiều 31-8, tại Hải Phòng, VCCI phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng và các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên tổ chức diễn đàn Liên kết phát triển Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông. Đây là một trong những hoạt động để thực hiện các nội dung của Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông đã được lãnh đạo 4 địa phương ký kết. Diễn đàn cung cấp bức tranh tổng thể về sự phát triển của các KCN của 4 địa phương, thu hút sự quan tâm, chú ý và nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất, hiến kế của các chuyên gia, các nhà quản lý, doanh nghiệp để tạo sự liên kết chặt chẽ, phát triển bền vững các KCN, góp phần đắc lực thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chuyên đề An ninh Hải Phòng trân trọng giới thiệu một số ý kiến tại diễn đàn.
Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM): Các KCN thuộc 4 địa phương cần tiếp cận mô hình sinh thái và đổi mới sáng tạo
Đến cuối năm 2022, 61/63 tỉnh, thành phố có KCN, KKT với 403 khu công nghiệp, 18 khu kinh tế ven biển và 26 khu kinh tế cửa khẩu. Đến nay, hệ thống các KCN đã thu hút được hơn 10.000 dự án trong nước và gần 11.000 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 340 tỷ USD (trong đó, tổng vốn đầu tư FDI là khoảng 230 tỷ USD). Các KCN đã thực sự trở thành "cứ điểm" sản xuất quan trọng của thế giới, sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới của nhiều tập đoàn hàng đầu như: Samsung, Intel, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn, …
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, phát triển các KCN Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Đó là sự quá tải về cơ sở hạ tầng; vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng; việc phát triển KCN theo chiều rộng gặp khó khăn; yêu cầu tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu khá cấp thiết...
Trên thực tế, tại 4 tỉnh trục cao tốc phía Đông, các KCN đang ở giai đoạn chuyển tiếp từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2, tức là chuyển dần từ tận dụng số lượng lớn yếu tố đầu vào (như vốn, lao động, tài nguyên) sang giai đoạn sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào. Bên cạnh đó, nhiều KCN đã chuyển sang giai đoạn 2 (giai đoạn đạt ngưỡng hiệu quả do yếu tố đầu vào). Tại các tỉnh, thành có tỷ lệ đô thị hóa cao, nhiều KCN bước sang giai đoạn “hậu công nghiệp”, giai đoạn “dịch vụ hóa công nghiệp” hay giai đoạn đổi mới sáng tạo.
Do vậy, tiếp cận sinh thái và đổi mới sáng tạo không chỉ là mô hình phát triển phù hợp cần hướng tới mà còn là mô hình tất yếu và then chốt đối với các KCN để nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững cho từng KCN, từng địa phương; tạo lực kéo cho thu hút đầu tư FDI.
Mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy vai trò tích cực đối với với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan trong và ngoài nước. Tôi cho rằng, bên cạnh các chính sách hiện hữu, cần có thêm các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của các Bộ ngành và hướng dẫn về kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt đối với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp và giải pháp kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, cũng cần bổ sung các chính sách ưu đãi về tài chính (như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng) cho các KCN, khu sinh thái, doanh nghiệp sinh thái để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới KCN sinh thái.
Tiến sĩ Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam: Đổi mới trong tư duy quy hoạch phát triển KCN
Dự kiến giai đoạn 2021-2030, tổng số KCN trên địa bàn 4 tỉnh thành phố là 139 khu, tăng thêm 60 khu. Tổng diện tích các KCN là 59.441ha, tăng thêm 23.930ha, tức là tăng gần gấp đôi. Hiện trạng các KCN đang được đưa vào khai thác thực tế là 15.913ha với tỷ lệ lấp đầy là 50,45%, tức là diện tích KCN thực sự đưa vào sản xuất là 8.028ha. Đây sẽ là một thách thức lớn trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch nhằm đảm bảo khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai. Bên cạnh đó nguồn lao động và các điều kiện hạ tầng cần được xác định cụ thể để góp phần tăng hiệu quả đầu tư cho các KCN.
Yêu cầu về chuyển đổi mô hình phát triển các KCN từ mô hình hiện nay sang các mô hình KCN chuyên biệt, các mô hình KCN sinh thái, KCN đô thị là hướng phát triển tất yếu. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi không chỉ cần thời gian, nguồn vốn mà trên hết rất cần sự đổi mới trong tư duy quy hoạch phát triển KCN, sự quyết tâm khi tổ chức thực hiện và nỗ lực của các đơn vị. Nhà nước cũng rất cần những quy định về lộ trình chuyển đổi để đảm bảo sự công bằng và phát triển bền vững trong tương lai.
Do đó, cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong trách nhiệm quản lý, đầu tư giữa các bộ, ngành, địa phương về loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, giữa các ban quản lý và địa phương trong việc đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho lực lượng lao động. Hoàn thiện các quy định phân công thống nhất giữa các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ để đảm bảo công tác điều hành quản lý KCN thông suốt, hiệu quả.
Ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng: Phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, tăng cường liên kết cùng phát triển
Nằm trong trục cao tốc phía Đông, các địa phương đều có những lợi thế riêng để phát huy, khai thác, cụ thể như: Hải Phòng có lợi thế đặc biệt về hệ thống cảng biển và logistics; Quảng Ninh với thế mạnh về tài nguyên du lịch, dịch vụ, chuỗi sản xuất - thương mại gắn với thị trường Trung Quốc; Hải Dương có tiềm năng nổi trội về nguồn nhân lực, quỹ đất và thế mạnh về công nghiệp cơ khí, chế tạo; Hưng Yên có lợi thế đặc biệt do tiếp giáp thủ đô Hà Nội, tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp cũng như nông nghiệp công nghệ cao, đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh.
Để tăng cường tính liên kết của các khu công nghiệp, khu kinh tế trục cao tốc phía Đông, tôi xin đề xuất một số giải pháp.
Thứ nhất, Hội đồng kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông cần thực hiện tốt vai trò là cơ quan lãnh đạo, điều phối hoạt động liên kết kinh tế giữa các địa phương trong tiểu vùng theo Thỏa thuận đã ký kết.
Thứ hai, các địa phương phải luôn luôn chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ cùng địa phương còn lại để tìm cách kết nối chia sẻ nguồn lực chung, tập trung đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng giao thông động lực chiến lược để đẩy mạnh việc liên kết các khu công nghiệp, khu kinh tế, qua đó tạo khu vực hội tụ đầy đủ các ưu thế để thu hút đầu tư.
Thứ ba, cần nghiên cứu kết nối các khu công nghiệp giữa các địa phương theo chuỗi, theo cụm liên kết giữa các ngành có tính chất tương đồng hoặc có vai trò hỗ trợ lẫn nhau.
Thứ tư, tổ chức các chương trình để kết nối các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài trên quy mô toàn bộ tiểu vùng kinh tế trục cao tốc phía Đông, đặc biệt là kết nối với các tập đoàn đa quốc gia, có sức lan tỏa lớn; thông qua đó giúp các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, từng bước nâng cao vị thế của các doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.
Cùng với đó, chú trọng phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp để hình thành khu vực liên kết kiểu mẫu, tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút các nhà đầu tư đại bàng để thúc đẩy thu hút các doanh nghiệp phụ trợ.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Hải Dương: Đề nghị xây dựng thể chế liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, liên kết trục cao tốc phía Đông
Hành động liên kết phát triển hạ tầng KCN trục cao tốc phía Đông nếu hoạt động hiệu quả sẽ đem lại kết quả rất lớn cho sự phát triển chung của 4 tỉnh: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên; giúp tận dụng hiệu quả lợi thế của mỗi tỉnh; hình thành sự liên kết trong hoạt động công nghiệp, cộng sinh công nghiệp, góp phần tăng cường hiệu suất công nghiệp cho các tỉnh nói chung và cho khối các KCN nói riêng; đảm bảo định hướng phát triển KTXH, an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Hồng.
Để có thể phát huy được thế mạnh mỗi địa phương, mỗi lĩnh vực, đối tượng công nghiệp trong mỗi liên kết phát triển hạ tầng KCN trục cao tốc phía Đông, tôi đề nghị VCCI và các địa phương tiếp tục tham mưu với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng thể chế liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, liên kết trục cao tốc phía Đông trong Đề án thể chế liên kết vùng ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Cùng với đó, tiếp tục tham mưu với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung dự án Luật KCN, KKT tạo khung pháp lý cao nhất để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và sự đồng bộ trong việc quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành các KCN, KKT, KCX theo hướng phân cấp, giao nhiệm vụ trực tiếp cho Ban Quản lý thực hiện toàn diện chức năng quản lý nhà nước đối với các KCN, KKT, KCX, trong đó có chức năng thanh tra, nhằm thống nhất, đồng bộ trong cơ chế quản lý nhà nước đối với các KCN; giải quyết những mâu thuẫn, chồng chéo trong cơ chế quản lý đối với các lĩnh vực về xây dưng, môi trường, lao động… trong KCN.
Các Bộ, ngành chủ động phân cấp, ủy quyền cho các Ban Quản lý thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành đảm bảo phát huy hiệu quả vai trò “một cửa, một đầu mối” của các Ban Quản lý KCN, KKT, KCX.
Ngoài ra, cần xây dựng đề án phát triển các KCN, KKT giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó xác định cụ thể số lượng, diện tích và tiến độ thực hiện các KCN, KKT đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển, nguồn lực của mỗi địa phương; đồng thời, tận dụng được sự ảnh hưởng của nguồn lực, thế mạnh của địa phương lân cận.
Mỗi địa phương cần chia sẻ, kết nối trong xúc tiến đầu tư, nhằm tạo cho các KCN có cơ hội tiếp xúc và thu hút đầu tư; đồng thời, chia sẻ những lĩnh vực đầu tư hiện có trong mỗi KCN để cộng đồng doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu, xây dựng và hình thành mối liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất, dần hình thành nên mối quan hệ cộng sinh công nghiệp, là tiền đề cơ sở hình thành nên công nghiệp sinh thái, công nghiệp xanh.
Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Quảng Ninh: Bảo đảm sự liên kết hiệu quả và thực chất
Để phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, tăng cường hiệu suất và tính liên kết của các khu công nghiệp, khu kinh tế trục cao tốc phía Đông, tôi xin đề xuất một số nội dung sau:
Một là: Triển khai thực hiện nội dung thỏa thuận đã ký kết của lãnh đạo 4 địa phương, đề nghị các đầu mối Ban Quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp của 4 địa phương phải xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể.
Hai là: Các địa phương phối hợp tổ chức xây dựng và đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế để đảm bảo sự liên kết, sự kết nối phát triển chung cho cả 4 tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các tỉnh có KCN, KKT trên cả nước đề xuất xây dựng và ban hành Luật về khu công nghiệp, khu kinh tế để tạo hành lang pháp lý cho việc thành lập và phát triển các KCN, KKT.
Ba là: Các địa phương phải cùng phối hợp với nhau để rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, khu kinh tế. Từ đó xây dựng định hướng phát triển các ngành nghề phù hợp với tiềm năng lợi thế của mỗi địa phương và đảm bảo sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau tạo thành mối liên kết, cộng sinh công nghiệp tạo sự liên hoàn thành một khối thống nhất trong việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế chung của cả 4 địa phương.
Bốn là: Trên cơ sở định hướng quy hoạch và ngành nghề thu hút đầu tư của các KCN, KKT, các địa phương phối hợp xây dựng và ban hành bộ tài liệu xúc tiến đầu tư vào các KCN, KKT chung cho cả 4 địa phương và tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư chung trên cơ sở đó tạo sự thống nhất và đảm bảo hiệu suất, tính liên kết của các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Năm là: Các địa phương tổ chức điều tra, thống kê về nguồn nhân lực của mỗi địa phương để tổng hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực chung. Đồng thời, rà soát nhu cầu về lao động của các KCN, KKT. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và phương án đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu và đặt hàng cụ thể đối với từng cơ sở đào tạo nghề của mỗi địa phương để tránh tình trạng vừa thừa vừa thiếu lao động (do đào tạo không phù hợp với nhu cầu). Đồng thời, thực hiện các hoạt động giới thiệu việc làm, điều phối nguồn nhân lực để vừa đảm bảo về việc làm cho lao động các địa phương, vừa đảm bảo quyền lợi, thu nhập và điều kiện sống, sinh hoạt của người lao động; vừa nâng cao chất lượng, trình độ tay nghề, nâng cao năng suất lao động và tránh những tranh chấp về lao động và những vấn đề xã hội phát sinh.
Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C: Cần gỡ rào cản để phát triển khu công nghiệp sinh thái
Phát triển Khu công nghiệp (KCN) sinh thái đang là hướng đi mới của các KCN để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Hệ thống cao tốc phía Đông được hình thành đã mang lại nhiều lợi thế, hỗ trợ cho sự phát triển cho các doanh nghiệp. Trước đó, việc đi lại giữa các địa phương là vô cùng khó khăn, khi trục cao tốc được thực hiện đã giúp việc đi lại rút ngắn nhiều thời gian.
Bất cứ nhà đầu tư nào trước khi quyết định một dự án đầu tư cũng sẽ hướng tới hạ tầng cảng biển là mục tiêu cuối cùng. Vì vậy, bên cạnh hạ tầng đường bộ, cần phải phát triển hạ tầng tại các cảng biển. Chúng ta cần tận dụng những cơ hội hiện nay một cách hiệu quả nhất, một cách thống nhất, đồng bộ. Điều đáng mừng là cả 4 địa phương đều nằm trên trục cao tốc phía Đông và kết nối thuận lợi với cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh. Tuy nhiên, cũng cần chú trọng phát triển cả về đường sắt; đường thủy nội địa…
Việc phát triển KCN sinh thái đang là hướng đi mới của các KCN để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Tại Việt Nam, các KCN được quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại và thân thiện với môi trường đã và đang được các nhà đầu tư FDI quan tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư. Việc phát triển KCN theo hướng mô hình KCN sinh thái đang trở thành tiêu chí, sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư FDI, nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển.
Hiện nay, có nhiều chủ trương về phát triển bền vững, chúng tôi đã và đang kiên trì xây dựng các khu công nghiệp sinh thái, hướng tới phát triển bền vững. Vì vậy, để đạt được mục tiêu đã nêu và để phát triển các khu công nghiệp thành khu công nghiệp sinh thái bền vững, cần phải có các chính sách, pháp luật đồng bộ, các chế định, chế tài đồng bộ, thống nhất... Để thu hút các dự án phát triển bền vững, bên cạnh việc tận dụng tốt các ưu đãi về đất, mặt bằng, cần sử dụng công cụ thuế một cách hiệu quả. Các tỉnh, thành phố cần có chung một quy định về sử dụng đất, cấp nước, thoát nước, cung cấp điện năng. Cùng với đó, cần thiết bổ sung việc cung cấp nguồn năng lượng xanh và tăng cường đào tạo nghề.
Ngoài ra, trong các đoàn xúc tiến đầu tư thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, cần có đại diện của 4 tỉnh, thành phố để thu hút đầu tư, tăng sức hấp dẫn cho các KCN.
Ông Nguyễn Anh Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Shinec: Đề xuất thành lập Hội kết nối vùng KCN
Tôi đề xuất các KCN tại 4 tỉnh, thành phố cùng thành lập Hội kết nối vùng KCN và giao VCCI giữ vai trò thường trực. Hội hoạt động dựa theo cơ chế vận hành, điều phối và liên kết hợp tác hiệu quả trên cơ sở tối ưu hoá việc huy động, sử dụng nguồn lực là các KCN trục cao tốc phía đông từ Hà Nội tới Hải Phòng rồi nối tiếp đến cửa khẩu Móng Cái
Theo đó, thiết lập kênh hệ thống logictics cho các KCN khi tham gia vào hội. Bằng cách tạo ra một hệ thống logictics đồng nhất và hiệu quả, các doanh nghiệp tham gia vào hội sẽ phần nào tiết kiệm được chi phí logictics, tận dụng được chi phí vận chuyển đảm bảo sự liên kết liên tục và suôn sẻ giữa các KCN, đồng thời nâng cao hiệu suất hoạt động và cạnh tranh của toàn bộ khu vực.
Hội có thể hợp tác với các đơn vị vận tải và các công ty logictics để xây dựng một hệ thống vận tải hoàn chỉnh và liên kết cho các KCN đồng thời tối ưu hóa quy trình logictics. Điều này có thể bao gồm xây dựng và quản lý các cơ sở vận tải, đảm bảo sự kết nối giữa các KCN thông qua đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường thủy, và cung cấp các dịch vụ vận chuyển đa phương thức để đáp ứng đa dạng nhu cầu của các doanh nghiệp trong KCN hướng tới giảm chi phí logictics góp phần thúc đẩy phát triển bất động sản công nghiệp.
Cùng với đó, Hội tạo ra một mạng lưới liên kết giữa các KCN của 4 tỉnh thành phố, tạo điều kiện cho việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và cơ hội hợp tác. Mục tiêu là tăng cường sự phối hợp giữa các KCN, khai thác tối đa tiềm năng kinh tế và thúc đẩy phát triển công nghiệp toàn vùng. Thường niên tổ chức các sự kiện, hội thảo và diễn đàn để tạo một nền tảng gặp gỡ và giao lưu định kỳ giữa các KCN. Các cuộc hội thảo chuyên đề có thể tập trung vào các lĩnh vực như quản lý KCN, phát triển công nghiệp 4.0, công nghệ và chuyển đổi số, xử lý môi trường và năng lượng, và các xu hướng mới trong ngành công nghiệp. Đây sẽ là cơ hội để các thành viên trong mạng lưới cùng nhau học hỏi và tiếp cận với các thông tin mới nhất và những phương pháp tiên tiến nhất.
Về xúc tiến đầu tư và hợp tác, cần tổ chức các cuộc gặp gỡ, hội thảo, diễn đàn đầu tư và triển lãm định kỳ. Các sự kiện này sẽ tạo cơ hội cho các chủ đầu tư và nhà đầu tư tiềm năng gặp gỡ, trao đổi thông tin và xây dựng mối quan hệ hợp tác. Hội có thể hỗ trợ việc thiết lập các liên kết hợp tác giữa các KCN để tăng cường cạnh tranh và khai thác tối đa tiềm năng của khu vực; giới thiệu các cơ hội hợp tác, kết nối các doanh nghiệp trong các KCN...
Bài: Hồng Thanh- Ảnh: Tú Quyên
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão