Lo tái tạo nguồn cung thực phẩm

11:01 07/02/2023

Thị trường tết Nguyên đán bao gồm cả thời gian trước, trong và sau tết, năm nay ít có biến động cục bộ, tình hình cung ứng khá suôn sẻ. Tuy nhiên theo thông lệ hàng năm, do dồn lực cho nhu cầu tết nên nguồn hàng thực phẩm thời điểm tháng Giêng thường gặp bất ổn, đòi hỏi sự tập trung cao để tiếp tục giữ vững yêu cầu vận động của thị trường.

Giá trở lại ổn định

          Những ngày qua, sau khoảng thời gian rất ngắn sau tết Nguyên đán Quý Mão giá môt số loại thực phẩm tăng, nhưng đến hiện tại mọi thứ đã trở lại vạch xuất phát, thậm chí có không ít nhóm hàng đang giảm giá.

Thời tiết đang thuận lợi cho canh tác các loại rau vụ Đông

          

          Bà Nguyễn Thị Hằng, một tiểu thương kinh doanh thịt lợn ở đường An Đà cho biết, cùng thời điểm nay năm trước giá thịt lợn tăng rất mạnh. Cụ thể trước tết Nguyên đán giá thịt lợn giảm sâu chỉ ở mức bình quân 90 nghìn đồng/kg, nhưng ngay sau tết thịt đã tăng giá, tính chung cả tháng Giêng năm Nhâm Dần bình quân lên khoảng 120 nghìn đồng/kg.

          Còn tết năm nay giá thịt lợn cơ bản ổn định, xoay quanh mức bình quân 115 nghìn đồng/kg, tuy cũng có lúc tăng giảm nhưng mức tăng không đáng kể và cũng tùy theo buổi chợ.

          Trong khi đó, nói về giá gia cầm, bà Đào Thị Nga – một tiểu thương cũng ở đường An Đà chia sẻ, trong những ngày trước tết vừa qua giá thịt các loại ngan, vịt giảm khoảng 10%, nhưng giá thịt gà ta lại tăng với mức tương ứng. Nhưng diễn biến trên cũng chỉ xảy ra khoảng hai tuần, và hiện đã cân bằng trở lại.

          Hiện quầy hàng bà Nga bán lẻ thịt gà ta 120 nghìn đồng/kg, thịt ngan 110 nghìn đồng/kg và thịt vịt 80 nghìn đồng/kg, trứng gà ta 3.000 đồng/quả, trứng vịt 3.800 đồng/quả. “Nếu thời tiết tiếp tục thuận lợi, thì rất ít khả năng xảy ra biến động giá gia cầm.”, bà Nga khẳng định.

          Cũng so với dịp trước tết Nguyên đán Quý Mão, hiện giá các loại rau xanh thuộc diện giảm mạnh và giảm sâu nhất. Theo bà Lương Thị Mai, người chuyên buôn rau từ Hải Dương về bán ở Hải Phòng thì chỉ trong hai tuần giá rau xanh đã giảm tới một nửa.

          Có thể kể như rau cải từ 15 nghìn đồng/bó giảm chỉ còn 7 nghìn đồng/bó, rau cúc từ 12 nghìn đồng/bó còn 5 nghìn đồng/bó, bắp cải từ 18 nghìn đồng/kg còn 8 nghìn đồng/kg, súp-lơ từ 15 nghìn đồng còn 8 nghìn đồng/cây…

           Bà Mai cho biết thêm, đợt rét kéo dài đã tạo thuận lợi cho rau vụ Đông phát triển tốt, hiện các vùng rau ở Hải Dương đang vào chính vụ thu hoạch nên giá rẻ, chất lượng tốt, chủng loại cũng rất phong phú.

          Khảo sát thị trường thực phẩm thành phố cho thấy, tại thời điểm này hiện chỉ còn một số thủy sản là còn ở mức giá cao, nhưng cũng phân hóa khá rõ nét. Trong đó các loại cá nước ngọt giữ ổn định, cá nước mặn tăng nhẹ, riêng các loại tôm vẫn cao hơn mức giá trước tết khoảng 15%.

          Hiện tiêu thụ mạnh ở các chợ là các loại cá trắm nước ngọt với mức 70 nghìn đồng/kg (trắm trắng), 90 nghìn đồng/kg (trắm đen) và tôm thẻ sống loại to được bán lẻ 270 nghìn đồng/kg.

Cần chủ động tái tạo nguồn cung thực phẩm để ổn định thị trường

          Không lơ là với nguồn cung

          Theo số liệu của ngành nông nghiệp, thì vụ Đông năm nay tổng diện tích gieo trồng cây trên địa bàn thành phố đạt khoảng  6.545 ha, chỉ bằng gần 97% so với vụ năm trước.

          Trong đó  diện tích nhóm rau các loại đạt khoảng 4.582 ha, nhưng cũng so với cùng kỳ năm trước hầu hết diện tích đều giảm, như nhóm rau lấy lá đạt 2.145,5 ha, giản gần 5%; nhóm rau lấy quả đạt 727 ha, giảm 2%; nhóm rau lấy củ, rễ, thân đạt 720 ha, đạt diện tích tương ứng năm trước.

          Về chăn nuôi, số liệu thống kê cũng cho thấy, tổng đàn lợn của thành phố ước khoảng 155,57 nghìn con, giảm 4,1%; đàn gia cầm ước khoảng 8.648,65 nghìn con, tăng 1,67%...

          Cho thấy dù tăng giảm thì thực tế với cường độ nêu trên thì nguồn cung tại chỗ của Hải Phòng sẽ không máy tác động lớn, bởi mức tăng giảm đều không đáng kể.

          Hơn nữa, theo ông Đào Quang Thanh – chủ một doanh nghiệp đầu mối cung ứng thực phẩm, thì thực phẩm tươi sống Hải Phòng được hình thành từ rất nhiều nguồn, trong đó nguồn cung tại chỗ lúc cao điểm cũng chỉ đạt khoảng 40% nhu cầu, còn lại cơ bản là từ các tỉnh lân cận, một phần khác nhập khẩu hoặc phía Nam và Trung Quốc nhưng chủ yếu là rau dạng củ, quả... 

          Cũng theo ông Thanh, có hai nguyên nhân chính khiến giá thực phẩm ổn định thời gian qua, thứ nhất là thời gian trước phía Trung Quốc nhập khẩu tiểu ngạch với số lượng lớn, khiến nhiều người đã đầu tư vào chăn nuôi.

          Nhưng trong năm 2022 vừa qua do chính sách chống dịch Covid-19 khắt khe nên hoạt động biên mậu Việt – Trung bị ảnh hưởng, sự chi phối của thị trường Trung Quốc không tác động nhiều vào thị trường trong nước.

          Thứ hai, thời tiết năm nay rất thuận lợi, ít dịch bệnh, không chỉ tạo điều kiện tốt cho nuôi trồng mà cũng rất thuận lợi cho bảo quản, lưu thông hàng hóa. Cùng với đó giá các nhóm hàng hóa liên quan, nhất là giá xăng dầu đang được kiểm soát tốt, không gây biến động đến lưu thông cũng như phân phối nhóm hàng thực phẩm.

          Tuy nhiên, cũng theo trao đổi của ông Thanh, thị trường thực phẩm trong thời gian tới vẫn khó dự báo, kể cả trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Bởi lẽ việc quy hoạch vùng nuôi trồng, nguồn cung thực phẩm hiện còn bộc lộ không ít bất cập, dễ tạo ra bị động khi thị trường Trung Quốc biến động, vì nước bạn vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất nông sản của Việt Nam.

          Mặt khác, mỗi dịp sau tết thì nguồn giống cũng sẽ bấp bênh, vì bản thân giống cũng là một kênh đầu tư nuôi trồng, nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm dịp tết sẽ tác động ngược trở lại nguồn cung, rất có thể sẽ làm tăng giá giống trong thời gian tới.

          Vấn đề đặt ra là, nếu để tự phát thì nguồn cung sẽ rất khó lường, đương nhiên sẽ khó cân đối với nguồn cầu, tác động không nhỏ đến bình ổn thị trường.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích