Lực lượng Cảnh sát kinh tế: “Mưu trí, dũng cảm, vì nước vì dân, quên thân phục vụ”

16:21 19/04/2022

Ngày 10-8-1956, Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành Thông tư số 1001/TTg xác định tổ chức của ngành Cảnh sát nhân dân. Trong đó, quy định: “Cảnh sát kinh tế phụ trách công tác bảo vệ công khai các nhà máy, hầm mỏ”. Tại thời điểm này, lực lượng bảo vệ kinh tế ở cơ quan Bộ có Vụ Bảo vệ kinh tế. Tại các sở, ty thành lập phòng, ban bảo vệ kinh tế. Đây chính là những tổ chức tiền thân của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu hiện nay (lực lượng Cảnh sát kinh tế).

Ra đời trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, lực lượng còn rất mỏng, cơ sở vật chất khó khăn, thiếu thốn, đội ngũ CBCS lại chưa có kinh nghiệm trong thực tiễn công tác, chiến đấu. Song lực lượng Cảnh sát kinh tế đã nhanh chóng bắt tay ngay vào công việc, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ công khai an toàn cho các nhà máy, hầm mỏ duy trì hoạt động sản xuất. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đất nước.

Ngày 31-7-2006, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 899/QĐ-BCA lấy ngày 10-8-1956 là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát kinh tế. Trải qua các giai đoạn lịch sử, cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước thì tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cũng diễn biến ngày càng phức tạp với những phương thức, thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, xảo trá hơn.

Đại tá Lê Nguyên Trường, Phó giám đốc CATP, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT – CATP, trao thưởng và tặng hoa chúc mừng Phòng Cảnh sát kinh tế lập công xuất sắc

Được mệnh danh là “quả đấm thép” trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, đội ngũ CBCS lực lượng Cảnh sát kinh tế luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh chính trị, vững vàng; tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, Nhân dân; nỗ lực vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, chủ động, kiên quyết tấn công, trấn áp tội phạm, lập nhiều chiến công xuất sắc tô thắm truyền thống anh hùng của lực lượng CSND Việt Nam.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2011 - 2021, lực lượng Cảnh sát kinh tế cả nước đã điều tra, xử lý 24.222 vụ án, 33.977 bị can phạm tội về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; thu hồi được khối tài sản lớn trong các vụ án, chiếm tỷ lệ cao so với thiệt hại xảy ra. Trong 5 năm (2017 – 2021), toàn lực lượng đã kê biên, thu hồi tổng số tài sản thiệt hại lên tới 94.162 tỷ đồng. Riêng Cục Cảnh sát kinh tế đạt 79.257 tỷ đồng. Trong đó, điển hình là điều tra, khám phá nhiều vụ án kinh tế lớn, nghiêm trọng kéo dài nhiều năm, gây thất thoát lớn về tài sản của Nhà nước.

Đơn cử có thể kể đến vụ làm giả giấy tờ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở Ngân hàng Vietinbank gây thiệt hại trên 4.000 tỷ đồng; vụ Phạm Thanh Bình ở Vinalines, vụ Nguyễn Đức Kiên ở ngân hàng ACB gây thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng; vụ Hà Văn Thắm ở ngân hàng Đại Dương gây thiệt hại 5.000 tỷ đồng. Hay vụ Huỳnh Thị Huyền Như ở ngân hàng VietinBank gây thiệt hại 4.600 tỷ đồng. Kế đến là vụ Phạm Công Danh ở ngân hàng Xây dựng gây thiệt hại 6.000 tỷ đồng; vụ Trần Phương Bình ở ngân hàng Đông Á gây thiệt hại 2.000 tỷ đồng; vụ Trầm Bê ở ngân hàng Sacombank gây thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng…

 Cùng với đó, là hàng loạt các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn khác được lực lượng phát hiện, phanh phui. Đơn cử như các vụ vi phạm về đất đai tại Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Khánh Hòa; vụ AVG; vụ Vinashin, Vũ “nhôm”, Út “trọc”... Các vụ án này liên quan đến nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao được đưa ra xét xử nghiêm theo quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần khẳng định rõ quan điểm xử lý nghiêm các vi phạm, không có vùng cấm, bất kể đó là ai.

Đặc biệt, năm 2020, bên cạnh việc duy trì nhịp độ, khí thế đấu tranh phòng chống tham nhũng, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã chủ động nhận diện, chọn điểm đột phá, đánh đúng, trúng tội phạm theo đúng phương châm: “truy tố một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, góp phần lan tỏa, làm chuyển biến tình hình trong một số lĩnh vực “nhạy cảm” như phòng chống dịch Covid-19, xã hội hóa dịch vụ y tế. Tiêu biểu phải kể đến vụ CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, vụ công ty Việt Á...

Những nỗ lực, cống hiến và thành tích đạt được trong 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Cảnh sát kinh tế (1956 - 2021) đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Toàn lực lượng có 5 đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT Nhân dân thời kỳ đổi mới”; nhiều lượt tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an tặng thưởng Huân, Huy chương, Bằng khen. Riêng Cục Cảnh sát kinh tế được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ trong suốt 10 năm liền (2012 - 2021).

Qua đó, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của lực lượng CSND: “mưu trí, dũng cảm, vì nước vì dân, quên thân phục vụ”.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông