Lực lượng Công an nhân dân quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong năm 2022.

10:35 29/12/2021

Ngày làm việc thứ 2 trong Chương trình Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77, tiếp tục Chương trình thảo luận, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, nhiều ý kiến đại biểu đã chỉ ra những tồn tại, vướng mắc trong lĩnh vực mình phụ trách, đồng thời đưa ra kiến nghị, giải pháp với quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu yêu cầu đề ra, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị

Tham luận về vấn đề: “Giải pháp công tác công an phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu góp phần thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh ổn định, lành mạnh, an toàn và thuận lợi trong quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, chúng tôi sẽ chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng như Thanh tra, Kiểm tra, Kiểm toán, Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển... tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện, xử lý các vụ việc sai phạm từ sớm, từ cơ sở, không để sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, phức tạp, dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước, mất cán bộ; Phối hợp với Cơ quan tư pháp khẩn trương đưa các vụ án điểm ra truy tố, xét xử nghiêm minh phục vụ công tác răn đe, phòng ngừa chung. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung xây dựng hệ thống văn bản pháp luật để quản lý hiệu quả lĩnh vực phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu. Trong đó cần đẩy nhanh thực hiện Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính, ngăn ngừa tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; đẩy nhanh thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025…

 
Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự phát biểu tham luận tại Hội nghị.
 
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự nhấn mạnh đến việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia công tác phòng ngừa tội phạm, tập trung giải quyết khó khăn của đời sống nhân dân do tác động của dịch Covid-19, nhất là đối với nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao; giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân ngay từ cấp cơ sở; tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm; Kịp thời phát hiện và thông báo những phương thức thủ đoạn mới của tội phạm để chủ động nhận diện, phòng ngừa và đấu tranh, ngăn chặn. Đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, quản lý cư trú, quản lý các cơ sở, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Kiến nghị các bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực tội phạm lợi dụng hoạt động; ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ các trang web bất hợp pháp như đánh bạc, quảng cáo cho vay tiền qua các App…
 
Thiếu tướng Trần Phú Hà - Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa phát biểu tham luận tại Hội nghị.
 
Tại Hội nghị lần này, Công an tỉnh Thanh Hóa đã đề xuất các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Thanh Hóa (Việt Nam) – Hủa Phăn (Lào). Xác định quan điểm lấy phòng ngừa làm cơ bản, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với tội phạm ma túy; kiên quyết không để hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển lớn các chất ma túy, các điểm nóng, vùng trắng về ma túy trên địa bàn; ngăn chặn từ xa, hạn chế đến thấp nhất lượng ma túy thẩm lậu qua biên giới. Do triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp chặn “cung”, giảm “cầu”, trong những năm qua, tình trạng vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào vào Việt Nam qua địa bàn được giảm thiểu đáng kể, không có vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy số lượng đặc biệt lớn qua tuyến biên giới Thanh Hóa - Hủa Phăn. Các vụ án do Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện, thu giữ có số lượng lớn ma túy chủ yếu do các đối tượng vận chuyển ma túy theo tuyến Nam - Bắc qua đường Quốc lộ 1A hoặc từ địa phương khác vận chuyển qua Thanh Hóa. 11 tháng năm 2021, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện, bắt giữ 778 vụ, 1.123 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy; thu giữ 6,42kg Heroin, 43,416 kg và 174.384 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều tang vật khác có liên quan; triệt xóa 05 tụ điểm, 72 điểm phức tạp về ma túy. Kết quả trên đã góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm ANTT, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.
 
Đóng góp vào thành tích chung của lực lượng Công an nhân dân, trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát cơ động luôn phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và đối ngoại của đất nước. Không chỉ tham gia giải quyết có hiệu quả các vụ gây rối an ninh, trật tự, các “điểm nóng” an ninh nông thôn; tham gia đấu tranh triệt phá các chuyên án lớn về hình sự, kinh tế, ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự đặc biệt nguy hiểm… Trung bình mỗi năm lực lượng Cảnh sát cơ động toàn quốc đã tổ chức gần 150.000 ca tuần tra kiểm soát, với tổng số trên 500.000 lượt CBCS tham gia, phát hiện và xử lý hàng ngàn vụ việc, bắt giữ hàng trăm đối tượng, kịp thời phát hiện và hỗ trợ Công an các cấp triệt phá được nhiều tụ điểm cờ bạc, các vụ gây rối trật tự công cộng, tụ điểm sử dụng trái phép ma túy, góp phần chặn đứng, đẩy lùi các vụ đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, các vụ trộm cắp, cướp giật...
 
Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an.
 

Để góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới, một trong những yêu cầu đặt ra là tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Đề án “Hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát cơ động đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030” theo quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với 06 nhóm nhiệm vụ. Trao đổi bên lề Hội nghị, Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động cho biết: Sẽ tập trung triển khai xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Cảnh sát cơ động trình Quốc hội khóa XV thông qua theo đúng lộ trình; đồng thời trên cơ sở đó nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của Cảnh sát cơ động; Triển khai mô hình tổ chức bộ máy của các đơn vị Cảnh sát cơ động theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, đáp ứng phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động tăng cường lực lượng, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cơ động, vũ trang chiến đấu; Tăng cường công tác bồi dưỡng, huấn luyện về chính trị, pháp luật và nghiệp vụ, rèn luyện thể lực, bản lĩnh chính trị cho cán bộ chiến sỹ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Cũng tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã đánh giá cao chất lượng, hiệu quả nội dung tham luận, các ý kiến phát biểu đã tập trung vào những vấn đề, lĩnh vực như: Công tác giáo dục chính trị  tư tưởng, công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự; Ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân phục vụ phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội sau đại dịch Covid-19; Công tác đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phá rừng, huỷ hoại rừng; Công tác bảo vệ chăm sóc, tăng cường sức khoẻ cán bộ, chiến sỹ công an trong điều kiện thích ứng trạng thái mới về phòng, chống dịch Covid-19; Xây dựng toàn diện Công an xã chính quy đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình hiện nay…Nhiều nội dung tham luận đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần nâng cao chất hiệu quả hoạt động của các mặt công tác Công an, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

 
 
 
 
Các đại biểu giao lưu, trao đổi bên lề Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77
 
Theo Nguyễn Lan/Cổng thông tin điện tử Bộ Công an
Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích