Lung linh mắt biển

15:58 19/09/2015

 

Đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát đường Thủy tặng quà trạm hải đăng Bạch Long Vỹ
Đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát đường Thủy tặng quà trạm hải đăng Bạch Long Vỹ

Những ngày cuối tháng 8 vừa qua, đoàn công tác của Phòng Cảnh sát đường thủy - Công an thành phố Hải Phòng có chuyến đi đến các đảo đèn trên biển để thăm và tặng quà những người công nhân làm nhiệm vụ gác đèn. Theo con tàu An Bang của Công ty Bảo đảm hàng hải vượt trùng dương tiến ra biển, chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động…

Từ Long Châu đến Bạch Long Vỹ

Đi biển vào dịp giữa năm ít sóng gió nên đỡ vất vả hơn rất nhiều, thuyền trưởng tàu An Bang Nguyễn Văn Bộ vui vẻ động viên mọi người trong đoàn, mặc dù biết có nhiều người đang gắn với nghề sông nước. Vậy thôi nhưng đã từng có người đi tàu sông mãi, lên tàu biển phải dịp sóng to, gió lớn thì cũng không chịu nổi, thuyền trưởng Bộ chia sẻ như để mọi người chuẩn bị tinh thần cho chuyến đi có thể sẽ phải chịu nhiều gian nan vất vả. Đó là hành trình qua đảo đèn Long Châu đến đảo Bạch Long Vỹ ngoài khơi vịnh Bắc bộ, trong thời gian khoảng 10 giờ đồng hồ.

Đi giữa hai hàng phao luồng ra vào cảng Hải Phòng, tàu thuyền xuôi ngược như mắc cửi. Nếu chỉ quen tham gia giao thông trên bộ thì không ai không khỏi giật mình bởi những “pha” tránh vượt mà… chẳng theo một quy luật nào. Lúc thì tránh trái, lúc lại tránh phải. Khi thì vượt trong, lúc lại vượt ngoài.

Hải đăng Long Châu
Hải đăng Long Châu

Thấy tôi có vẻ không hiểu, Nguyễn Văn Long - Phó trưởng Phòng Hành chính tổng hợp - Công ty Bảo đảm hàng hải đi cùng giải thích, nhìn vậy thôi nhưng tất cả các phương tiện đều đang di chuyển theo hướng đi bắt buộc. Đầu tiên là căn cứ vào hàng phao luồng với hàng trăm quả phao của chính Công ty Bảo đảm hàng hải dải suốt từ ngoài phao số 0 vào để tránh bị mắc cạn hoặc đâm va vào đá ngầm. Cùng với đó là các phương tiện phải tuân theo các tín hiệu đèn, còi và sự điều phối của cơ quan cảng vụ thông qua hệ thống định vị vệ tinh…

Sau khoảng 2 giờ đồng hồ, con tàu qua vùng biển thuộc quần đảo Cát Bà. Từ đây tàu của chúng tôi tiếp tục đi thêm 2 giờ đồng hồ nữa qua phao số 0 mới đến đảo Long Châu. Từ phía rất xa ngoài ngoài biển, mọi người đều có thể nhìn rõ một ngọn hải đăng cao sừng sững như cây bút khổng lổ viết lên trời xanh. Để lên được đảo, chúng tôi phải lần nữa dùng ca nô chuyển tải vào bờ. Trạm trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đứng chờ sẵn ở cầu cảng đón và đưa chúng tôi ngược con dốc nằm cheo leo trên sườn của dãy núi đá tai mèo để lên trạm ở trên đỉnh núi.

Trạm trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hải đăng Long Châu do người Pháp xây dựng từ năm 1894, cao 109,5 mét so với mực nước biển, theo kiến trúc hình vòm độc đáo với những ô kính cường lực bao quanh. Ở đúng tâm của căn phòng là tổ hợp các chóa đèn phẳng, to như tấm phản với chi chít những bóng đèn nhỏ, được gọi là tim đèn. Đến nay đã qua hơn 120 năm nhưng chưa một đêm nào ngọn đèn này ngừng chiếu sáng. Mỗi khi có bão, áp thấp nhiệt đới hoặc gió mùa Đông Bắc đột ngột tràn về thì đảo Cát Bà là một trong những nơi tìm về neo đậu trú tránh thiên tai an toàn của hàng ngàn tàu. Và trong đêm tối mịt mùng của biển cả, dưới màn sương mưa giăng mắc, ngọn hải đăng chính là "mắt biển" miệt mài soi đường chỉ lối cho từng con tàu tìm về trú ngụ suốt bao năm qua.

Từ Long Châu, chúng tôi lại lên tàu tiếp tục hành trình đến đảo Bạch Long Vỹ. Quãng đường đi hết khoảng hơn 4 giờ đồng hồ nhưng vất vả hơn lúc trước rất nhiều. Dù là trời yên, biển lặng nhưng vẫn có những con sóng cao hàng mét nâng con tàu trọng tải nghìn tấn lên cao rồi lại hạ xuống thấp. Có nhiều người không chịu nổi sóng, nôn ọe hết rồi nằm bẹp dưới sàn tàu. Chỉ đến khi thấy thấp thoáng hòn đảo nổi lên giữa đại dương mênh mông thì mọi người như bừng tỉnh. Tất cả cùng háo hức hướng về phía đảo xa. Nổi lên trên đảo chính là ngọn hải đăng sừng sững cao hơn 100 mét so với mực nước biển. Nguyễn Văn Long tự hào khoe với chúng tôi, đây là một trong những ngọn đèn cao nhất của ngành Bảo đảm hàng hải, được xây dựng từ năm 1995 và ánh sáng đèn tín hiệu có thể quét xa với bán kính 26 hải lý.

Tim còn đập - đèn còn sáng

Đêm trên đảo dường như xuống sớm hơn. Từ trên đỉnh cao nhất của ngọn hải đăng nhìn xuống thấy toàn bộ huyện đảo Bạch Long Vỹ bừng sáng bởi ánh điện từ trong nhà cho đến các tuyến đường. Cũng từ nơi “mắt biển” chiếu sáng, nhìn xung quanh thấy sao giăng giăng lung linh trên trời, sao đung đưa giữa mênh mông biển. Một bức tranh kỳ vĩ của biển cả được tô điểm bằng ánh đèn của tàu thuyền nhấp nháy những đốm sáng xanh đỏ…

Những người gác đèn trên biển cần mẫn làm việc bảo đảm cho những chuyến tàu an toàn
Những người gác đèn trên biển cần mẫn làm việc bảo đảm cho những chuyến tàu an toàn

Trong không khí ấm cúng của cuộc giao lưu giữa những người chiến sỹ cảnh sát đường thủy với những người gác đèn nơi đảo xa, Phó trạm hải đăng Bạch Long Vỹ Phạm Văn Đức chia sẻ về công việc của mình: Trạm Bạch Long Vỹ có 8 anh em quản lý làm việc suốt 24/24 giờ, chia làm 8 ca. Ban ngày dùng âm thanh bằng còi điện, tầm hiệu lực 3 hải lý. Ban đêm dùng ánh sáng, trong đó đèn chính thấu kính quay tầm hiệu lực phát sáng 24 hải lý, còn đèn phụ phát sáng 15 hải lý.

Biển càng về đêm càng đẹp một cách bí ẩn. Câu chuyện giữa chúng tôi lắng lại bởi những tâm sự riêng của mỗi người gác đèn nơi chân sóng. Trạm phó Phạm Văn Đức cho biết thêm, những năm tháng đứng gác trên biển, thời gian ở trạm đèn còn nhiều hơn gấp nghìn lần thời gian các anh ở bên vợ, con. “Cái nghề của bọn tôi nó thế, thành thử trước khi cưới vợ phải làm công tác tư tưởng để vợ hết sức chia sẻ, yên tâm ở nhà, thay mình gánh vác mọi chuyện” - nhân viên nhà đèn Vũ Văn An tâm sự...

Cũng theo anh em ở đây cho biết, cực nhất vào những mùa biển động. Nhớ nhất là năm kia, tầm tháng 9, 10, gió Nam lên cấp 10, 11, giật cấp 12, nửa tháng trời không tàu thuyền nào ra đảo được, tình cảnh là hết gạo. Anh em trên trạm phải tự tăng gia sản xuất, mùa nào thức nấy, trồng đủ loại rau xanh như cải, rền, bí, mướp... Khó khăn nhưng không ai muốn rời xa trạm đèn này cả.

Nhớ lại lúc trên đảo Long Châu, Trạm trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết cuộc sống ở đảo đá rất gian khổ. Trên diện tích 1km² xung quanh toàn đá tai mèo xám xịt nhọn hoắt, chơ vơ giữa bốn bề là biển. Dân số của đảo có khoảng mươi người, toàn đàn ông, chia làm hai nhóm, có nhiệm vụ độc lập là điều hành ngọn hải đăng Long Châu và kiểm soát biên phòng. Một rẻo đất đã không có, nước ngọt cũng khan thiếu nghiêm trọng nên chẳng cây cối nào mọc nổi. Họa hoằn lắm có một vài cây cỏ cựa mình len đá trồi lên.

Những cây cỏ ấy sau khi gồng mình, vận hết nội lực chắt chiu sinh khí của đá mà sống đều trở thành những cây thuốc quý. Vì vậy, nước ngọt đã trở thành thứ tài sản vô giá của các chiến sĩ đảo. Vào mùa khô cứ mỗi ngày, anh em lại phải thay nhau cuốc bộ xuống tận chân núi, bến tàu để mua lại nước của bà con dân chài. Nước quý tới mức anh em phải tái sử dụng nhiều lần, cuối cùng mới dám mang ra tưới rau.

Thế nhưng từ bao đời nay, ở nơi cằn khô, khắc nghiệt này lại có những con người vẫn từng ngày bám trụ để giữ cho ánh đèn biển luôn sáng. “Ngay cả bom đạn kẻ thù còn chưa làm lung lạc được ý chí giữ đảo, bảo vệ đèn thần của người lính đảo, nói chi đến rắn và sấm sét” - anh Hùng tự hào nói. Trong lịch sử, đảo và đèn Long Châu từng là địa chỉ máy bay Mỹ trút xuống hàng ngàn tấn bom đạn nhằm phá hủy, bởi trong chiến tranh, hải đăng Long Châu và hải đăng Hòn Dáu (Đồ Sơn) đóng vai trò tối quan trọng khi dẫn tuyến cho hàng loạt chuyến tàu không số vận tải vũ khí và hàng hóa vào tiền tuyến miền Nam, là điểm khởi đầu của con đường Hồ Chí Minh trên biển.

Thượng úy Bùi Văn Luật, Phó bí thư Chi đoàn Phòng Cảnh sát đường thủy cho biết, thông qua những chuyến đi này, chi đoàn muốn giáo dục cho đoàn viên thanh niên về giá trị của hy sinh, cống hiến, để thế hệ trẻ thấy được niềm tự hào, tình yêu quê hương, biển đảo của tổ quốc. Chi đoàn đã vận động đoàn viên thanh niên tham gia ủng hộ bằng cả tinh thần và vật chất để chia sẻ với những con người ngày đêm bám biển.

Chia tay những người gác đèn trên biển, ngoài kia sóng vẫn đập ầm ào vào ghềnh đá. Gió ngày càng mạnh, rít liên hồi qua bãi cát, rừng dương. Mưa lây phây giăng kín trạm đèn. Chiến sỹ trẻ Đinh Hoàng Long trên đường trở về mà vẫn nhẩm đi nhẩm lại "khẩu hiệu" của những người “sáng lau sương, chiều lau bụi”: “trái tim còn đập, đèn còn chớp sáng”, “trạm là nhà, biển đảo là quê hương”. Cho đến lúc xuống tàu hồi lâu, những người trong đoàn vẫn cố ngoái lại ngắm nhìn ngọn hải đăng phía xa xa, "mắt biển" vẫn lung linh tỏa sáng, soi đường cho những chuyến tàu qua lại an toàn.

VĂN HUY


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông