Mang đông ấm đến nơi biên cương

16:27 14/01/2017

 

 

Đồng chí Lê Hồng Thắng, Trưởng Phòng PC45 - CATP Hải Phòng trao quà tặng các thầy cô giáo nhà trường
Đồng chí Lê Hồng Thắng, Trưởng Phòng PC45 - CATP Hải Phòng trao quà tặng các thầy cô giáo nhà trường

Những ngày cuối năm Bính Thân, chúng tôi có dịp theo chân đoàn công tác của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - CATP Hải Phòng, đồng hành cùng Quỹ thiện nguyện và các tấm lòng hảo tâm thực hiện chương trình “đông ấm biên cương” tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Mường Toong số 1 và Trường mầm non Mường Toong, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé - một trong những địa bàn vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên.

“Đông ấm biên cương”

Sau gần 1 tháng chuẩn bị, trên 1.500 suất quà gồm quần áo, sách vở, giày dép, đồ dùng học tập… trị giá trên 400 triệu đồng đã được các thành viên trong đoàn đóng gói, sắp xếp cẩn thận lên xe. Đúng 13h ngày 6-1, đoàn chúng tôi bắt đầu xuất phát. Đường đến Mường Toong xa xôi, hiểm trở, quanh co dốc đèo, nhiều đoạn cua tay áo như muốn thử thách kinh nghiệm của các tài xế trong đoàn. Qua một đêm di chuyển liên tục, 8h ngày 7-1, chúng tôi đã có mặt tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Mường Toong số 1.

Mặc dù vừa phải trải qua quãng đường di chuyển dài, trong tiết trời giá lạnh như cắt da, cắt thịt của vùng cao Tây Bắc, nhưng vừa bước xuống xe, chúng tôi đã cảm nhận ngay được tình cảm ấm áp của lãnh đạo địa phương, thầy và trò nhà trường, cùng bà con các dân tộc nơi đây dành cho đoàn. Những cái bắt tay thân mật, những lời động viên, thăm hỏi sức khỏe dường như xua tan hết những mệt mỏi của các thành viên trong đoàn, ai nấy đều cảm thấy vui mừng, hạnh phúc khi đặt chân đến đây và được tiếp xúc trực tiếp với bà con.

Trước chuyến đi, đoàn đã tìm hiểu rất kỹ về xã Mường Toong, nhưng tất cả chỉ ở trên sách vở, có tận mất chứng kiến mới thấy cuộc sống vất vả của bà con nơi đây. Ông Giàng A Khua, Phó chủ tịch UBND xã Mường Toong, cho chúng tôi biết: Xã Mường Toong có diện tích trên 11.000ha, dân số 5.900 khẩu, chia làm 18 bản, là địa bàn sinh sống của 8 dân tộc anh em: Kinh, H mông, Thái, Hoa, Giao, Mường, Tày, Kháng. Người dân nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống bấp bênh trong khi đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Toàn xã có trên 64% hộ nghèo, trong đó nhiều gia đình thuộc diện phải hỗ trợ lương thực hàng tháng.

Tại Mường Toong, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học cho học sinh vô cùng thiếu thốn. Theo cô giáo Lê Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Toong số 1, để các em học sinh ở đây được đến trường, chính quyền xã và các giáo viên đã phải bỏ rất nhiều công sức tuyên truyền, vận động các gia đình, đồng thời chăm nom, giúp đỡ từng quyển sách, quyển vở, trang thiết bị đồ dùng học tập cho các em. Những ngày mưa gió, đường đến các điểm trường trong bản lầy lội, rất khó di chuyển nhưng các thầy cô giáo vẫn luôn cố gắng khắc phục để bảo đảm việc học tập của các em diễn ra đúng tiến độ.

Cô giáo Hồng cũng cho biết thêm, hiện toàn xã Mường Toong có 1 điểm trường trung tâm và 14 điểm trường lẻ. Trong đó các điểm trường lẻ nằm sâu trong các bản làng, có những bản cách trung tâm trên 20km, các em phải đi bộ, trèo đèo, lội suối, có khi phải mất vài giờ đồng hồ mới đến nơi. Điều kiện cuộc sống thiếu thốn nên vào những ngày đông giá rét, nhìn các em đến trường chỉ với manh áo mỏng, miệng run lập cập, mặt tái mét, khiến thầy cô nào cũng phải ứa nước mắt.

Năm nay 12 tuổi nhưng em Chăng Thị Quyên, học sinh lớp 5C Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Mường Toong số 1, trông nhỏ hơn chúng bạn cùng trang lứa rất nhiều. Nhìn khuôn mặt ngây thơ nhưng chất chứa nét buồn của em, các thành viên trong đoàn ai nấy đều thương cảm. Kể với chúng tôi về cuộc sống sinh hoạt và học tập hàng ngày, hai mắt đỏ hoe, em cho biết: Gia đình em sống ở bản Nậm Hà, cách trường gần 20 cây số. Việc đi lại hết sức khó khăn nên em phải ở nội trú trong trường.

Cuộc sống xa nhà giúp em sớm tự lập từ việc giặt giũ quần áo đến các sinh hoạt cá nhân. Nhưng khổ nhất là những ngày đông về, gió lạnh thổi xuyên qua căn nhà bán trú (được làm tạm bằng gỗ tạp - PV) khiến các em ngủ không yên, đứa nào đứa ấy rét run cầm cập bởi thiếu chăn màn, quần áo ấm.

Nâng bước em đến trường

Trong không khí ấm áp tình cảm, cán bộ chiến sỹ Phòng PC45 - CATP Hải Phòng, các thành viên Quỹ thiện nguyện và các nhà hảo tâm đã trao tận tay 1.500 suất quà tặng các em học sinh Trường dân tộc bán trú tiểu học Mường Toong số 1, Trường mầm non Mường Toong và các thầy cô giáo - những người đã không quản khó khăn, tận tâm, tận lực mang cái chữ đến với đồng bào nơi đây.

Xúc động trước những tình cảm mà các thành viên trong đoàn dành cho thầy và trò nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Hà Thu, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Mường Toong, chia sẻ: Toàn xã có 18 điểm trường mầm non với 670 cháu và 27 lớp học. Các lớp học chủ yếu vẫn là nhà tạm và cũng đã xuống cấp, trang thiết bị dạy học thiếu thốn đủ thứ.

Lãnh đạo Phòng PC45 - CATP Hải Phòng, Quỹ thiện nguyện và lãnh đạo huyện Mường Toong tặng quà các em học sinh
Lãnh đạo Phòng PC45 - CATP Hải Phòng, Quỹ thiện nguyện và lãnh đạo huyện Mường Toong tặng quà các em học sinh

Từ trước đến nay, ngoài kinh phí hỗ trợ của nhà nước thì nhà trường chưa nhận được sự trợ giúp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nào nên khi chương trình “đông ấm biên cương” do Quỹ thiện nguyện tổ chức có sự đồng hành của Phòng PC45 - CATP Hải Phòng và các nhà hảo tâm, trao quà tận tay các em học sinh mầm non và tiểu học, chúng tôi rất mừng, không biết nói gì hơn, chân thành cảm ơn những tấm lòng thơm thảo đã không quản khó khăn, tiếp bước cho chúng tôi trong hành trình nâng bước các em đến trường.

Mặc chiếc áo mới vừa được các anh chị trong đoàn trao, em Lò Thị Ngọc, dân tộc Thái, lớp 5A Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Mường Toong số 1, rất vui, em cho biết: Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đã lâu lắm rồi em không được bố mẹ mua sắm cho quần áo mới đến trường. Ở bản em, các bạn đi học đều thiếu thốn đủ thứ, do vậy những phần quà các anh chị trao cho chúng em như một phần thưởng để chúng em nỗ lực vượt khó, vươn lên trong học tập, phấn đấu trở thành những công dân tốt của bản và xã hội.

Khi được hỏi sau này lớn lên em muốn làm nghề gì, Ngọc đáp ngay: “Ngay từ ngày đầu cắp sách đến trường đã mơ ước trở thành một giáo viên tiếp bước các thầy cô dạy chữ cho trẻ em vùng cao”. Nhìn mắt em ánh lên niềm hy vọng, các thành viên trong đoàn cũng như được tiếp thêm sự quyết tâm trong hành trình “đông ấm biên cương” đến với trẻ em nơi đây.

Một ngày trên Mường Toong trôi đi thật nhanh, chúng tôi được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, chia sẻ với giáo viên, học sinh và bà con các dân tộc nơi đây những điều tâm khảm ruột gan. Nhìn các em học sinh nơi đây khoác trên mình những tấm áo mới với nụ cười tươi rói trên môi, chúng tôi - những người có mặt trong chuyến đi không khỏi xúc động, nghẹn ngào. Và mùa xuân lại đến, núi rừng Tây Bắc hùng vĩ đang nở hoa, tạm biệt Mường Toong, tạm biệt các thầy cô giáo và học sinh nơi đây, chúng tôi thầm chúc các thầy cô và các em năm mới mạnh khỏe, học tập tiến bộ. Xin cảm ơn Quỹ thiện nguyện, Phòng PC45 - CATP Hải Phòng và các nhà hảo tâm đã đồng hành cùng Mường Toong để có một hành trình “đông ấm biên cương” đầy ý nghĩa này.

Bảo Nguyên


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông