22:54 18/07/2009 Từ một vùng đất chỉ có xương rồng và cát trắng, đến nay, một màu xanh đã bao trùm lên huyện đảo Bạch Long Vĩ. Để làm nên màu xanh ấy, có công sức đóng góp không nhỏ của những người lính thuộc Trung đoàn C52 Vùng I Hải quân.
Từ một vùng đất chỉ có xương rồng và cát trắng, đến nay, một màu xanh đã bao trùm lên huyện đảo Bạch Long Vĩ. Để làm nên màu xanh ấy, có công sức đóng góp không nhỏ của những người lính thuộc Trung đoàn C52 Vùng I Hải quân.
Từ truyền thuyết cổ xưa… Đảo Bạch Long Vĩ nằm ở phía Đông Nam, cách thành phố Hải Phòng 133km. Truyền thuyết kể lại rằng, xưa có một con rồng trắng từ trên trời bay xuống và lưu lại ở vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng. Phần đầu và phần thân rồng thuộc vịnh Hạ Long, Quảng Ninh, còn đuôi rồng chính là đảo Bạch Long Vĩ. Nhưng khi ấy và đến mãi tận sau này, Bạch Long Vĩ vẫn là một hòn đảo hoang vu, chỉ có xương rồng và cát trắng, dường như hoàn toàn cách biệt với đất liền. Khi những người lính Trung đoàn C52 cùng những người dân đầu tiên của đảo bắt tay vào gây dựng, khai phá vùng đất này, Bạch Long Vĩ đã dần dần đổi thay. Cùng những giọt mồ hôi thấm đất, những lối mòn đã trở thành đường đi, những đập nước được xây dựng, những cánh rừng đã mọc lên… Bằng những hy sinh vất vả thầm lặng, họ đã chứng minh cho một chân lý giản dị mà bất diệt - “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Theo thượng tá Đỗ Đình Nam, Chính ủy C52 Vùng I Hải quân, những thành công ấy có được chính là nhờ sự kế tục truyền thống vẻ vang của Trung đoàn, đặc biệt là sự đồng lòng, nhất trí của cả quân và dân trên huyện đảo, tạo nên sức mạnh và vẻ đẹp của tình quân dân gắn bó, vượt qua mọi khó khăn, sóng gió. Trên chuyến tàu HQ 635 Vùng I Hải quân, chúng tôi rời thành phố Hải Phòng đi thăm Bạch Long Vĩ. Mỗi người đều mang một tâm trạng riêng khi hướng về Bạch Long Vĩ. Chị Phong Thu Phương, giáo viên THCS ở huyện Mường Trà, Điện Biên với gương mặt trầm tư, chốc chốc lại ra boong tàu, hướng tầm mắt ra xa, nơi những con sóng bất tận đang nối đuôi nhau hết lớp này đến lớp khác. Cách đây gần nửa tháng, chị đã lặn lội từ Điện Biên ra Hải Phòng để đợi tàu đi thăm chồng, nhưng những cơn bão biển đã khiến chiếc tàu không thể rời bến. Chồng chị, anh Lê Quang Vũ, trợ lý chính trị Trung đoàn C52, đã ra Bạch Long Vĩ từ năm 2002. Quê ở Mỹ Đức, Hà Nội nhưng sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, chị đã lặn lội lên tận Điện Biên để dạy chữ cho những đứa trẻ vùng cao. Vậy là vợ chồng chị người lên rừng, người ra đảo. Ra thăm chồng lần này cũng đúng dịp đơn vị anh kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống vẻ vang của Trung đoàn (12-7-1979 -*12-7-2009), chị muốn chia sẻ niềm vui nơi hậu phương với chồng và những đồng đội của anh. Cũng trên chuyến tàu ấy, chị Nguyễn Thị Hà (quê Thái Bình) bồng đứa con nhỏ chưa đầy 5 tháng tuổi trở về với ngôi nhà nhỏ của mình trên đảo. Đó là mái ấm của chị cùng chồng là Hà Huy Tập, cán bộ thông tin của Trung đoàn C52. Cùng ở Thái Bình nhưng vợ chồng chị đã gắn bó với huyện đảo này được hơn một năm nay. Sau gần hai mươi năm xa cách, thiếu tá Nguyễn Thanh Vân, nguyên Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn C52, đã tham gia chuyến đi như một sự “trở về” để thăm lại đồng chí, đồng đội xưa. Đây cũng là dịp để ông chứng kiến sự “thay da, đổi thịt” của huyện đảo Bạch Long Vĩ. …đến Bạch Long Vĩ ngày nay Tàu cập đảo Bạch Long Vĩ khi ánh mặt trời đã xế bóng, nhưng chúng tôi vẫn có thể cảm nhận rất rõ sức sống cũng như vẻ đẹp của vùng đất giàu tiềm năng và mến khách này. Bạch Long Vĩ hôm nay đã không còn chỉ có xương rồng và cát. Những ngôi nhà mọc san sát, những vườn hoa, công viên thẳng lối, những cánh rừng bạt ngàn bao quanh huyện đảo như minh chứng cho sức sống, sức vươn dậy mãnh liệt của huyện đảo bình yên này. Với chiều dài gần 3km, chiều rộng chừng 1,5km, diện tích phần nổi của đảo 3km2. Cả huyện có khoảng hơn 100 hộ dân, chia thành 4 Cụm, đến từ khắp các nơi như Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương... Ông Nguyễn Sỹ Bắc, Cụm trưởng Cụm 2 cho biết, nguồn lợi kinh tế lớn nhất của Bạch Long Vĩ chính là bào ngư. Việc đánh bắt bào ngư cũng không mấy khó khăn, chỉ trong khoảng 2 - 3m nước là đã có thể khai thác được. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ bào ngư lại rất lớn. Mỗi sáng, tàu cá từ biển vào chỉ cập bến một loáng là bao nhiêu bào ngư cũng hết. Giá bào ngư dao động khoảng từ 300 - 500 nghìn đồng/kg. Nhờ nguồn hải sản quý này, thu nhập bình quân của nhiều hộ gia đình nơi huyện đảo lên tới trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, nhiều hộ còn mở rộng chăn nuôi gia súc như lợn, bò, gia cầm, trồng rau xanh và phát triển các ngành dịch vụ để có thêm thu nhập những ngày không ra biển. Trên con đường nhỏ lát bê tông thẳng tắp, chúng tôi ghé vào nhà chị Nguyễn Thị Hảo ở Cụm 2. Vừa ngồi bán hàng, vừa nhặt rau chuẩn bị bữa cơm chiều, chị kể: Ngày mới đến, đảo vẫn còn vắng bóng người, thiếu điện, thiếu nước, cuộc sống gia đình chị rất khó khăn... ... Ban đầu, chị xoay đủ nghề để kiếm sống. Từ chăn nuôi lợn, gà, rồi chuyển sang làm may, bán hàng quán nhưng vẫn không đủ sống. Dần dần, nhờ đánh bắt bào ngư, cuộc sống của vợ chồng chị đã dần ổn định. Theo chị Hảo, cứ một tháng 8 buổi (gắn với mỗi con nước lên xuống), từ tờ mờ sáng, chồng chị lại ra biển bắt bào ngư bán cho tàu cá từ đất liền ra. Nhưng rồi với suy nghĩ không thể phụ thuộc mãi vào nguồn tài nguyên có sẵn của biển cả, vợ chồng chị quay ra phát triển mô hình nuôi bào ngư. Ban đầu, chị phải kè đá, kè xi măng, làm bãi và mua bào ngư giống về nuôi. Đến nay, sau gần 17 tháng nuôi trồng, lứa bào ngư đầu tiên đã sắp được thu hoạch, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. “Để đạt được thành công này, những người lính Trung đoàn C52 đã giúp đỡ, động viên chúng tôi rất nhiều” - chị Hảo nói. Chuyến đi phải rút ngắn thời gian vì một cơn bão bất ngờ ập đến. Nửa đêm, chúng tôi lại lên tàu rời Bạch Long Vĩ. Tiếng còi tàu khuất dần, để lại đằng sau một Bạch Long Vĩ với những người dân nơi huyện đảo hiền hậu, chất phác, những người lính của Trung đoàn C52 đang lặn lội trong mưa bão, giữa đêm tối mịt mùng để giúp dân phòng chống bão, đem lại sự an toàn và bình yên nơi huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc. |