Mỗi nhà một cảnh: Nuối tiếc…

08:02 10/07/2018

Phải hai tháng nay, chiều nào cũng vậy, người dân khu phố Hà Trung lại thấy ông Thẩm trầm ngâm ngồi bó gối ở vỉa hè. Tấm thân gầy gò lòng khòng, da bụng dính vào da lưng khiến gương mặt nhàu nhĩ của ông trông khổ sở đến thảm hại…

Cách đây gần hai mươi năm, ông Thẩm từng là “tay to” trong lĩnh vực phá dỡ tàu cũ lấy sắt phế liệu. Thời kỳ huy hoàng đó, dưới trướng ông có đến vài trăm công nhân. Họ hàng hai bên nội ngoại, quê quán, thậm chí hàng xóm láng giềng bên trái bên phải cũng được trưng dụng làm… “công nhân phá dỡ” của ông. Uy tín của ông với làng xóm vì thế nổi lên rần rần.

Tiền vào nhà nước, ông mạnh tay mua nhà, mua xe. Vàng đánh thành xích đeo trĩu cổ, đỏ lòe cả tay. Vợ con ông cũng vì thế mà được thơm lây. Thời cơ hàn vợ ông cũng bịt khăn mặc bảo hộ đi cạo gỉ sắt. Giờ “gia đình có điều kiện”, mụ thôi làm công nhân để lên chức bà chủ, chỉ có việc cuối tháng phát tiền lương cho hàng trăm công nhân.

Không phải lo nghĩ chuyện tiền nong, cả nhà béo tốt phởn phơ trông thấy. Hàng ngày, 8, 9 giờ sáng mấy mẹ con mới lóp ngóp bò dậy, thủng thẳng dắt nhau ra đầu phố ăn sáng như đi trình diễn thời trang. Sau đó mụ vợ và đứa con gái lớn dưỡn dẹo hết nhà nọ đến nhà kia buôn chuyện hoặc đi sắm sửa quần áo. Ba thằng con lộc ngộc như cây rau dại không ai uốn tỉa, đua xe, cá độ, nhậu nhẹt…. ngón nghề nào cũng sành.

Thấy mấy mẹ con nhà đó suốt ngày chỉ ăn chơi, có người đánh tiếng bóng gió lo ngại thì ông cười khà khà: “Bao giờ hết nước biển Đông. Hết mây trên núi thì tôi đây mới hết tiền”! Nghĩ vận nhà phát mãi nên ông mạnh tay chi tiêu, phóng tay cho gia đình ăn chơi xả láng. Ba cậu ấm 3 cái xe xịn nghênh ngang phóng vào xóm còn bóp còi inh ỏi. Rồi tham quan du lịch nước trong nước ngoài. Ông cũng dần bị những cuộc nhậu nhẹt bù khú với bạn bè, em út lu bù kéo đi quên cả đêm phải về nhà…

Cuộc đời mấy ai học được chữ ngờ! Đùng một cái nghề phá dỡ tàu đi vào đường cụt. Không có việc làm, đội quân của ông từng hùng hậu như chiến binh Tần Thủy Hoàng dần rơi rụng hết. Ông cũng lâm vào cảnh thất nghiệp. Nhiều khi phải lo cùng mụ vợ chạy trốn hàng chục công nhân đến đòi lương xoắn cả đít...

Miệng ăn núi lở, một, hai rồi ba cái nhà dần dần thay chủ để cung phụng cho những trận cá độ, cờ bạc, chơi bời của các cậu ấm cô chiêu. Thằng con lớn đua xe bị tai nạn giờ đi dặt dẹo như phế binh. Đứa con gái lấy chồng được một năm thì ly dị vác con về ở với vợ chồng ông.

Nhiều chuyện tích tụ khiến ông Thẩm u uất trong lòng. Ông thấy mình lực bất tòng tâm, ở cái tuổi ngoại 60, ông chả còn sức khỏe để mà đảm nhiệm những công việc nặng nhọc. Ông cũng chẳng còn tư duy nhanh nhạy để thích ứng với thay đổi của thời thế. Trong khi mụ vợ và lũ con cứ nhởn nhơ như chẳng có chuyện gì. Thằng thứ hai còn vướng cờ bạc thi thoảng trộm tiền của gia đình khiến ông nội việc mỗi ngay lo giấu tiền cũng đủ đau đầu. Ông cũng đã thử hướng mấy đứa con đi làm nhưng được dăm bữa nửa tháng là chúng bỏ vì kêu vất vả. Không khí gia đình dần trở nên nặng nề, liên tục xuất hiện những bữa cơm không lành canh chẳng ngọt.

Chiều đó, sức khỏe kém cộng với cuộc điện thoại thông báo thằng con thứ hai của ông chơi cờ bạc bị công an tạm giữ khiến ông tăng huyết áp và lên cơn đột quỵ. Ông cứ nằm còng queo giữa nhà cho đến tận chiều muộn khi mụ vợ thủng thẳng đi buôn chuyện từ nhà hàng xóm về. Nhà có biến, lúc này mụ mới tá hỏa không biết ông giấu tiền ở đâu để lo viện phí, phải bù lu bù loa sang hàng xóm giật tạm vài trăm dắt lưng. Còn mấy đứa con đến tối muộn vẫn mất mặt.

Sau trận tai biến, rời viện về, buồn về chuyện thằng con càng khiến ông suy kiệt. Chiều chiều ông thơ thẩn ra ngoài xóm ngắm lũ trẻ con chơi đùa cho khuây khỏa đầu óc. Nhưng nhìn ánh mắt tư lự của ông người ta biết ông chẳng thanh thản chút nào. Nỗi lo về tương lai của con cái, về kinh tế gia đình, nỗi ân hận đã trót buông bỏ việc dạy dỗ con cái và nuối tiếc khi lỡ quên lời dạy của cổ nhân: “Khi có thì chẳng ăn dè/Đến khi ăn hết thì dè chẳng ra” có lẽ sẽ còn đeo đẳng ông đến tận cuối đời.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông