Mỗi nhà cảnh: Khoảng trống…

09:22 16/09/2018

Trời xẩm tối, mặc dù điện trong nhà bật sáng choang, cửa cổng mở toang nhưng chẳng thấy khách nào thèm đến. Ông Tuấn hết ra lại vào, trông ra cổng rồi lại trông vào 6 cái bàn được phủ khăn ren vàng óng ánh với 6 mâm cỗ đầy ê hề mà sốt cả gan cả ruột. Bà Thái – vợ ông – cũng thấp thỏm không kém, tay cầm cái điều khiển tivi hết bật kênh nọ đến kênh kia nhưng ông biết là bà chẳng còn tâm trí đâu mà xem nội dung của chương trình. Duy chỉ có hai thằng con trai là bàng quan trước mọi việc. Chúng thoải mái nằm xoài ra sopha, mỗi đứa 1 cái điện thoại hết chơi game lại lướt facebook…

Việc gì cũng có căn nguyên của nó. Chả là cụ Tân có 4 người con. Ông Tuấn là cả, sau ông là ông Tấn, ông Tân và bà Hòa. Trong 4 anh chị em ông Tuấn là người thành đạt nhất với chức giám đốc chi nhánh miền Bắc của một công ty sữa. Cơ quan làm ăn phát đạt nên ông Tuấn xây biệt thự mạn qua Cầu Rào, 2 vợ chồng 2 xe hơi đi lại như ông hoàng bà chúa, biệt lập với 3 người em còn lại ở phía Kiến An.

Ông Tấn trước là công nhân đường sắt, nghỉ hưu làm thêm nghề bảo vệ để kiếm thêm thu nhập. Ông Tâm là phụ hồ, lại nát rượu nên đồ đạc, của nả bốc hơi theo men rượu cả. Khổ nhất là bà Hòa, chồng mất sớm, con trai thì sa vào nghiện ngập. Trong một lần sốc thuốc nó vĩnh viễn bỏ bà đi. Đứa con gái thì bỏ chồng, mang con về để bà nuôi rồi vào Nam mở tiệm uốn tóc.

Có chức có quyền, kinh tế khá giả nên ông Tuấn khệnh khạng lắm. Hồi cụ Tân còn sống, họa hoằn khi về thăm nhà, bao giờ cũng có cậu lái xe riêng lăng xăng đưa đón tận nơi. Chỉ ngồi chừng một tiếng là ông kiếm cớ ra về.

Gia cảnh anh em khó khăn nhưng chưa ai nhờ vả được ông cái gì. Hễ ai mở mồm đánh tiếng hoàn cảnh khó khăn là ông át đi ngay. Rằng giàu nghèo không phải cái số mà do mình, do không chí thú làm ăn, do không chịu học hành, do không có chí tiến thủ. Thời kỳ đầu chuyển về biệt thự mới, cháu chắt đến chơi, cả ông và vợ đều lăm lăm theo sát vì sợ trẻ con nghịch ngợm làm hư hỏng đồ đạc. Họ hàng khi có giỗ chạp, ông thường nại lý do xin kiếu. Nếu bất đắc dĩ không thể vắng mặt, bao giờ ông cũng đến trước, mang theo túi hoa quả to đùng kèm theo cái phong bì gọi là thắp hương vái vọng rồi cáo từ chứ chẳng bao giờ ngồi ăn cùng.

Sau những chuyện đó mọi người xa lánh ông dần. Họ coi việc phải gặp ông, phải nói chuyện với ông như là một chuyện chẳng đặng đừng. Được dăm ba câu là lảng đi hết.

Hồi còn đương chức ông cũng chẳng để ý đến chuyện này. Ông còn bận với khách khứa, với đối tác, với đám ong ve đệ tử lúc nào cũng xun xoe, nịnh bợ. Thế rồi cũng đến ngày ông phải cầm quyết định nghỉ hưu. Hàng ngày hai đứa con đi học hết, cô vợ trẻ hơn chục tuổi còn bận bịu với đám chị em đi mua sắm, làm đẹp. Ông chợt thần người ra trong căn biệt thự lộng lẫy, rộng thênh thang nhưng lạnh tanh lạnh ngắt. Hàng xóm xung quanh ông nhà nào cũng biệt thự biệt lập, chỉ có tiếng xoảng kéo cửa là biết họ về hay đi rồi lại vắng tanh như cũ. Chả ai có thời gian mà quan tâm, hỏi han nhau nên chả ai biết ai.

Thế rồi cụ Tân quy tiên tổ. Lo liệu xong việc của cha, là con trưởng, nhà cửa lại khang trang nên ông Tuấn nhận thờ phụng cụ đặng sau này giỗ chạp con cháu đến nhà có chỗ rộng rãi mà tụ tập.

Vậy mà ngày giỗ đầu của cụ, tối trước đó ông với vợ lên kế hoạch làm 6 mâm mời con cháu trong nhà và họ hàng. Thông báo được phát ra rằng cỗ bàn đều đặt sẵn. Không ai phải đến sớm để nhặt rau, giết gà hay nấu nướng. Cũng không cần phải mua hoa quả hay mang theo phong bì vì gia đình ông đã chuẩn bị đầy đủ hết cả rồi. Chỉ cần sát giờ đến để thắp hương cụ rồi ăn cỗ là được.

Theo lịch là ăn trưa, vậy mà chính Ngọ, xế Ngọ, rồi Mùi, Thân, Tuất, đến cả giờ Dậu cũng chẳng thấy ai đến. Chỉ có 3 người em tầm gần trưa lếch thếch đèo nhau đến thắp hương cho cha rồi nói qua mộ cụ một lát. Còn họ hàng thì tuyệt nhiên chả có một ai. Gọi điện người bắt máy người không, ai cũng nại ra lý do không thể trách cứ.

Trời đã tối sập, đường phố lên đèn. Nhìn lên ban thờ, thấy đôi mắt buồn rầu của cha nhìn xuống mà ông Tuấn lạnh cả người. Ông chợt nhật ra mình đang bị cô lập ngay giữa những người thân ruột thịt của mình. Một khoảng trống rộng lớn do chính ông tạo ra không biết bao giờ mới lấp đầy…

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông