Mỗi nhà một cảnh: Tình mẹ…

09:38 15/07/2018

Trời chưa rõ mặt người cô Phương đã lọ mọ dậy. Cố gắng không gây ra tiếng động mạnh làm mất giấc ngủ của con, cô tất tả dắt chiếc xe đạp ra ngõ để kịp đón mẻ đầu của lò bánh mì…

Cả làng Ngũ Viên này ai cũng biết hoàn cảnh vất vả của cô Phương. Sinh ra vốn không có sắc, thị lực lại kém nên đến tuổi ngoại băm cô vẫn lẻ bóng một mình. Cũng có vài mối đánh tiếng nhưng khi gặp mặt họ đều ngãng ra. Đến khi cô gần 40 tuổi thì người làng thấy cô vắng bóng một thời gian, khi về có bế theo một đứa trẻ còn đỏ hỏn.

Thời gian đầu cũng có lời ra tiếng vào. Thậm chí vài chị phụ nữ rỗi việc còn đáo qua để dò xét đứa trẻ đó có nét nào của ông chồng mình không. Bỏ qua tất cả điều tiếng, cô Phương tần tảo nuôi đứa trẻ bằng tất cả tình yêu của một người mẹ.

Thương con thiệt thòi vì không có bố, cô Phương cố gắng bù đắp cho con bằng tất cả khả năng của mình. Nhà nghèo nhưng thằng Phong cũng được mẹ sắm sửa quần áo, xe cộ, điện thoại. Sáng dạ, hoạt bát nhưng Phong lại lười nhác vì mọi việc trong nhà mẹ nó đều cáng đáng hết. Sự nuông chiều còn khiến Phong trở nên ích kỷ. Nó không cần biết để có được cái xe máy mẹ nó đã bao ngày phải dậy từ 4 giờ sáng bất kể nắng mưa, gió rét, đạp bao nhiêu cây số đến lò bánh mì để mang bán đầu cổng khu công nghiệp cho công nhân lao động. Nó cũng chẳng biết để có được cái điện thoại cho bằng bạn bằng bè, mẹ nó bán quà sáng cho thiên hạ nhưng chả bao giờ ăn lấy một bữa sáng cho ra hồn.

Cứ thế, thằng Phong vô tư lớn lên, vô tư đòi hỏi trong tình thương yêu đến mức mù quáng của mẹ… Chả thế mà thi trượt đại học, trong khi bạn bè loay hoay đi xin việc thì Phong vẫn nhởn nhơ chơi mặc dù nó được ông Tính – chủ xưởng cơ khí - khen được việc…

Vừa đạp xe cọc cạch trên con đường đổ bê tông phẳng lì, cô Phương vừa nhớ đến chuyện tối qua. Sau bữa cơm, bỗng nhiên thằng Phong nằng nặc đòi mẹ đổi cho cái xe máy để chuẩn bị đi làm. Cô nhẩm tính, để đổi được cái xe máy theo ý con, cô phải mất thêm hơn 20 triệu – một số tiền quá lớn đối với thúng bánh mì sáng của cô.

Kì kèo mọi cách mà mẹ vẫn không chịu, thằng Phong vùng vằng: “Người ta thì nhà cao cửa rộng, có bố có mẹ đầy đủ. Nhà mình thì lụp xụp như cái chuồng trâu. Mẹ không nuôi được con cho ra hồn thì mẹ đẻ làm gì? Khổ mình chưa đủ, còn làm khổ cả con cái!”. Nhớ lại câu nói cay nghiệt của thằng con, nước mắt ứa ra ròng ròng khiến cô Phương không nhìn rõ đường. Vậy là cả cái xe chở đầy bánh mình và giò – bữa quà sáng của mấy chục công nhân lao ầm vào dải phân cách, mọi thứ đột nhiên quay cuồng rồi tối sầm…

Sự việc cô Phương bị tai nạn thực sự là cú sốc đối với Phong. Nhìn mẹ nằm li bì trong phòng cấp cứu, thằng Phong hoảng hốt chợt nhận ra rằng nó chẳng còn gì, chẳng có gì nếu không có mẹ. Hai mươi năm nay, không một ngày nào mẹ rời xa nó. Hai mươi năm nay, hình như… mẹ nó lúc nào cũng khỏe. Không, cũng có chiều đông giá rét, đi học về nó thấy mẹ nằm thiêm thiếp trên giường, mâm cơm được dọn sẵn giữa nhà. Mẹ bảo nó ăn trước, tí mẹ ăn sau. Cho nên, hai mươi năm nay nó chẳng quan tâm đến mẹ nó ngày nào...

Thằng Phong về nhà lấy quần áo để thay sau 1 tuần phục ở bệnh viện chăm mẹ. Căn nhà tuềnh toàng, vắng lặng như tờ. Trước đây, chiều nào khi đi đâu về nó cũng gặp hình ảnh quen thuộc mẹ đang ngồi căm cụi làm việc nhà. Hóa ra bao năm nay, mẹ đem đến cho nó sự bình yên, ấm áp mà nó không biết.

Phong nhớ lại thân hình gầy guộc, tới đôi mắt lúc nào cũng hấp háy lèm nhèm vì bệnh của mẹ. Nó giật mình nhớ tới cái xe máy, cái điện thoại mà mẹ sắm cho nó trong khi với số tiền đó có thể chữa mắt cho mẹ…  

Phong vội vàng tắm thật nhanh và nhét mấy bộ quần áo vào ba lô để chuẩn bị vào bệnh viện. Giờ đây nó biết kế hoạch sắp tới của mình. Nắm chặt chiếc điện thoại có số của ông chủ xưởng cơ khí, Phong nhủ thầm: “Con biết mình sẽ phải làm gì. Chỉ cần mẹ khỏe lại thôi, mẹ ơi!”.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông