Một chuyến về nguồn đầy ý nghĩa

20:29 12/11/2022

Gắn với chủ đề :“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Hội Nhà báo Hải Phòng vừa tổ chức 2 Đoàn với trên 40 nhà báo đến từ các cơ quan báo chí thành phố thực hiện các chuyến hành hương về quê hương Cách mạng ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang cùng quê Bác Hồ ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Được vinh dự là thành viên của Đoàn số 2 thăm quê Bác, tôi vô cùng háo hức chuẩn bị cho chuyến về nguồn. Trong Đoàn có khá nhiều các đồng nghiệp ở các cơ quan báo, tạp chí, phát thanh - truyền hình, đều là những nhà báo kỳ cựu như: Nguyễn Anh Tú, Mai Hương, Văn Bảo, Duy Lân…cùng các nghệ sĩ nhiêp ảnh Đức Nghĩa, Duy Thính. Trên đường, cả Đoàn rôm rả trò chuyện, giao lưu và không thiếu phần trao đổi, học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm tác nghiệp, kỹ năng thực hiện các bài viết về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cùng nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Không khí nghề nghiệp bao trùm lan tỏa sang cả các đồng nghiệp tỉnh Nghệ An. Với tôi, đây quả là một trải nghiệm thú vị và thật nhiều ý nghĩa.
Các trại viên Hội Nhà báo Hải Phòng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với hội viên Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An
Đoàn về thăm, Khu di tích Kim Liên quê nội Bác Hồ

Điểm đầu tiên chúng tôi đến là Khu di tích Kim Liên. Sau lũy tre xanh bình dị, những ngôi nhà tranh mái lá nhuốm màu thời gian vẫn được lưu giữ qua hàng thế kỷ vẫn đọng lại bao những ký ức đẹp và là những câu chuyện vô cùng cảm đông về tầm vóc vĩ đại của một tấm gương vằng vặc trên bầu trời đất Việt cho các thế hệ con cháu noi theo. Đó còn là các điểm di tích giếng Cốc, cây đa, đền làng Sen, nhà thờ họ Nguyễn Sinh... Đặc biệt, cả Đoàn đứng lặng trước ngôi nhà tranh của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ Bác, nơi gắn bó với tuổi thơ của Người và cũng là khởi nguồn cho một lòng yêu nước, thương dân cùng chí lớn của một bậc vĩ nhân. Ngôi nhà còn là điểm nối ân tình làng xóm quê hương; là nơi minh chứng quá trình học tập, trưởng thành, ghi dấu cảm xúc đầu tiên và những nhận thức về thời cuộc; là tiền đề cho con đường cứu nước sau này của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là cụm di tích quan trọng bậc nhất của Khu di tích lịch sử Kim Liên được bảo tồn từ những năm 60 thế kỷ trước cùng với nhiều hạng mục khác đã được nâng cấp và tôn tạo nhiều lần. Thống kê của Ban quản lý Khu di tích Kim Liên cho biết, mỗi ngày có trên 250 đoàn với khoảng 3.500 du khách về thăm quê Bác. 

Cách làng Sen khoảng 2 km là Cụm di tích Hoàng Trù, bao gồm: Ngôi nhà của cụ Hoàng Đường và cụ Nguyễn Thị Kép, ông bà ngoại của Bác Hồ. Nhà thờ Chi nhánh họ Hoàng Xuân và ngôi nhà của thân phụ Bác - Nguyễn Sinh Sắc và thân mẫu Người – Hoàng Thị Loan. Cụm di tích Hoàng Trù là một quần thể rộng khoảng 3.500m2 mang đậm dấu ấn làng quê Việt. Tại đây, có ngôi nhà nhỏ ba gian là nơi cất tiếng khóc chào đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là nơi gắn bó những năm tháng tuổi thơ đẹp đẽ của Bác cùng ông bà, cha mẹ, các anh chị em. Chính nơi đây, Người đã nhận được tình yêu thương đùm bọc của người thân, của quê hương; được chứng kiến sự dạy dỗ, chỉ bảo tận tình của ông ngoại với cha mình. Những giá trị tinh thần ấy đã bồi dưỡng tâm hồn về tình yêu quê hương đất nước, vun đắp một khát vọng lớn lao để cậu bé Nguyễn Sinh Cung trở thanh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới.

Đoàn chúng tôi sau đó còn về viếng mộ phần của thân mẫu Bác Hồ, bà Hoàng Thị Loan, một người phụ nữ tảo tần, hy sinh lo cho chồng ăn hoc, chăm đàn con nhỏ…

Một điểm nhấn trong chuyến hành hương là các thành viên còn được đến thăm một loạt các “địa chỉ đỏ” như: Bảo tàng Xô Viết Nghệ - Tĩnh để hiểu rõ hơn về các nhân vật, sự kiện của cao trào cách mạng Viêt Nam 1930-1931, trong đó Xô Viết Nghệ Tĩnh là đỉnh cao chói lọi của tinh thần anh dũng, quật cường, quyết xả thân vì sự nghiệp cách mạng của lớp lớp nông dân, thợ thuyền ngày ấy. Đoàn còn thăm Truông Bồn, một vị trí chiến lươc đặc biệt quan trọng, là nơi nối liền huyết mạch giao thông: Mốc số 0 đường mòn Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, Đường 7, Đường 34 để hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Với trên 20.000 quả bom các loại và hàng nghìn quả tên lửa không quân Mỹ ném xuống, nơi đây trở thành “tọa độ chết”. Biết bao tấm gương kiên cường không tiếc xương máu trụ vững dưới mưa bom ác liệt; biết bao tấm gương đã mãi mãi nằm lại mảnh đất này. Chứng tích xưa còn đó, tạc ghi trên tượng đài sừng sững hiên ngang, trên những tấm bia liệt sỹ và sống mãi trong tim mỗi người còn sống để luôn tưởng nhớ lại một thời hào hùng.

Trong không khí linh thiêng, trong mùi nhang trầm thơm ngát hòa quyện với hương sắc cây cỏ thiên nhiên, mỗi cụm di tích đã để lại cho Đoàn những cảm xúc khó tả. Ngoài giá trị văn hóa lịch sử, tâm linh, hành trình về nguồn thăm quê Bác còn đọng lại trong chúng tôi những ấn tượng đẹp vê sự nồng hậu, tình cảm, nhiệt huyết sẵn sàng “cháy” hết mình vì tình yêu nước thương nòi và vì lòng trân quý bạn bè của người dân địa phương nơi đây. Những câu chuyện về Bác-cả một đời vì nước vì non; về tinh thần bất khuất, ngoan cường con người xứ Nghệ được truyền qua giọng thuyết minh dịu dàng mà sâu lắng cùng sự am hiểu sâu sắc của các hướng dẫn viên đã khiến nhiều thành viên xúc động bùi ngùi không cầm được nước mắt.

Chuyến đi cũng giúp chúng tôi càng thêm cảm nhận rõ hơn nhân cách vĩ đại của danh nhân văn hoá thế giới - Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc; càng thêm tự hào vì đất nước Việt Nam chúng ta có Bác Hồ. Bịn rịn, lưu luyến khi chia tay tạm xa quê Bác, trong lòng mỗi thành viên ai cũng đều tâm niệm phải nỗ lực cố gắng với những hành động, việc làm thực tế, biến những tư liệu thu thập được trong chuyến đi  thành những tác phẩm báo chí tâm huyết,  góp phần thắp lửa cho mỗi bạn đọc để cùng nhau thực hiện tốt hơn nữa phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Thiên An

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông