22:32 19/12/2016
Nhằm đặt lại ách thống trị trên toàn bộ nước ta, thực dân Pháp tiến vào đánh chiếm Hải Phòng, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn đối với miền Bắc… Cuộc chiến 7 ngày đêm Ngày 20-11-1946, quân Pháp đã dùng xe bọc thép, xe tăng, mở cuộc tấn công vào một số nơi trong thành phố như: Nhà hát lớn, nhà Ga, trụ sở Ủy ban hành chính thành phố, sở Bưu điện, nhà máy Đèn, máy nước và một số đồn công an, cảnh sát… Tiếp đến, sáng sớm 23-11-1946, chỉ huy quân đội Pháp ở Hải Phòng đã gửi tối hậu thư cho Ủy ban hành chính thành phố buộc lực lượng vũ trang chính quy và tự vệ phải rút khỏi Hải Phòng lúc 9 giờ sáng. Tuy nhiên phía ta đã kiên quyết bác yêu sách của địch, đồng thời ra lệnh cho các lực lượng chuẩn bị phản công đối phương ở khắp các mặt trận. Đến 10h cùng ngày 23-11, tiếng súng phản công đầu tiên đã nổ khi quân Pháp tràn vào các vị trí trọng yếu của thành phố Hải Phòng. Đây cũng là tiếng súng phản công đầu tiên của quân và dân ta trên cả nước khi thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai. Trọng pháo trên các chiến hạm của địch bắn dữ dội nhưng đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của các lực lượng bộ đội, công an xung phong, cảnh vệ, tự vệ các khu phố của ta… Hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Hải Phòng - Kiến An lúc bấy giờ đã hứa đoàn kết, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ thành phố. Theo đó, ngay trong buổi chiều 23-11, đồng chí Trần Thành Ngọ đã chỉ huy đánh chiếm lại Nhà hát lớn, nhưng do hỏa lực của địch mạnh, địa hình trống trải nên cuộc tiến công không đạt kết quả, quân ta rút về các vị trí và chuyển sang tập kích ban đêm. Tại một số khu dân cư như Khu 3, các chiến sỹ đã chiếnđấu quyết liệt trừng trị bọn thổ phỉ, gián điệp làm tay sai cho Pháp. Tự vệ Khu 5 đã giữ vững mặt trận sông Tam Bạc và cầu xe lửa, không cho quân địch tiến sang. Tại Khu 6 và 7, tự vệ phối hợp với lực lượng Vệ quốc đoàn bao vây quân địch trong nhà Ga, đồng thời đánh các cánh quân tiếp viện, tiêu diệt nhiều tên địch. Ở ngoại thành, huyện An Hải đã huy động 5 đại đội tự vệ bao vây sân bay Cát Bi, đốt cháy được kho bom đạn khiến địch hoảng hốt tháo chạy xuống Tràng Cát nhưng lại bị quân ta mai phục tiêu diệt gần 1 trung đội. Buổi chiều, quân ta tấn công vào sân bay, phá hủy thêm một máy bay và nhiều xe cơ giới, thu nhiều súng đạn. Chiến công này đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân và dân toàn thành phố. Trong suốt những ngày này, tại Nhà hát lớn thành phố, nơi mà quân địch đánh chiếm đầu tiên đã liên tục gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân ta. Mặc dù trong hoàn cảnh chiến đấu cực kỳ khó khăn, bị bao vây phong tỏa, lực lượng gồm 17 chiến sỹ vệ quốc đoàn cùng 22 chiến sỹ tuyên truyền văn hóa Chiến khu 3 đã nhiều lần tổ chức giải vây. Đến tối 24-11, sau khi đã đánh bật được lực lượng ta ở bên ngoài, địch tấn công lên gác 2 Nhà hát lớn. Các chiến sỹ của ta mai phục, bất ngờ tấn công hạ được 6 tên địch. Trung đội trưởng Đặng Kim Nở sau khi tung 2 quả lựu đạn nhưng không nổ đã lao vào tiêu diệt được 2 tên lính Pháp và sau đó ông đã hy sinh anh dũng. Ngày 27-11, lực lượng của ta tiếp tục đánh chặn các mũi tiến công của quân địch ra các vùng ngoại ô. Cuộc chiến đấu quyết liệt suốt 7 ngày đêm của quân và dân Hải Phòng đã có tác dụng như một cuộc tổng diễn tập thực sự chuẩn bị cho trận đánh nhiều ngày ở thủ đô Hà Nội xảy ra sau đó 1 tháng. Cùng cả nước nhất tề đứng lên Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, quân và dân Hải Phòng đồng lòng đứng lên kháng chiến chống Pháp xâm lược. Ngay trong ngày 20-12-1946, khi quân Pháp bắt đầu mở cuộc tiến công hòng chiếm đường 5 để chi viện cho đồng bọn ở Hà Nội nhưng một lần nữa lại gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân và dân hai bên đường, khiến chúng phải mất 3 ngày sau mới lên đến Hải Dương. Trong khi đó, công nhâncác nhà máy Xi măng, Cảng, Ca-rông, Com-ben... tiếp tục tháo và chuyển máy móc ra vùng Đông Triều của Quảng Yên và Thái Bình để lập xưởng quân giới, sản xuất, sửa chữa vũ khí. Từ thực tiễn chiến đấu, quân và dân Hải Phòng - Kiến An nhận thức sâu sắc chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến” của Đảng là một bộ phận quan trọng của chiến tranh du kích. Theo đó, tất cả cầu cống, nhà gạch 1 tầng trở lên cùng đường sá của 4 mặt trận (A, B, C, D) đều bị phá trụi và đắp ụ ngăn bước kẻ thù. Sang đến tháng 3-1947, dưới sự chỉ huy của Bộ chỉ huy Chiến khu Ba, các lực lượng vũ trang của Hải Phòng và Kiến An phối hợp chặt chẽ với lực lượng du kích và cơ sở nội thành đã mở cuộc tập kích lớn vào thành phố Hải Phòng; đồng loạt tiến công vào các vị trí của địch như: Sở Dầu, Sở Đoan, nhà máy Xi măng, xưởng Tapi, trường bay Cát Bi… Các đội vũ trang dùng loa phát thanh kêu gọi nhân dân tham gia kháng chiến, tố cáo bộ mặt xâm lược tàn bạo của thực dân Pháp… Sau khi bỏ dở cuộc hành quân ở ĐôngTriều - Chí Linh, địch quay về củng cố địa bàn chiến lược Hải Phòng. Trong khi ta chuẩn bị mở cuộc tiến công lớn vào Hải Phòng thì trước đó một ngày, vào 25-4-1947, địch đã huy động đánh tỉnh lỵ Kiến An và thị xã Đồ Sơn. Các cánh quân của chúng đều bị chặn đánh nhưng cuối cùng với ưu thế về binh hỏa lực mạnh nên kẻ thù đã vượt qua được các tuyến phòng ngự. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Trần Thành Ngọ, tại đây, cuộc chiến giữa ta và địch diễn ra hết sức quyết liệt. Quân ta chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt được nhiều tên địch nhưng lực lượng của ta quá mỏng, trong khi kẻ thù đông, khí tài mạnh nên rơi vào thế bị bao vây. Các đồng chí Trần Thành Ngọ, Lê Quốc Uy và nhiều chiến sỹ đã anh dũng hy sinh. Tại Đồ Sơn, quân Pháp đã sử dụng 7 tàu chiến bắn phá và đổ bộ hòng đánh chiếm mở rộng địa bàn nhưng cũng đã bị lực lượng tự vệ và nhân dân chuẩn bị chặn đánh tại tất cả các mũi tiến công. Nhân dân đã kịp thời phân tán, cất giấu thóc lúa, tài sản và tản cư an toàn. Do quá chênh lệch về lực lượng, ta phải rút quân nhưng tự vệ và thanh niên Đồ Sơn trong trận này đã tiêu diệt hơn 30 tên địch, làm chậm cuộc hành quân của chúng, bảo vệ được nhân dân. Sau ngày 25-4-1947, mặc dù mở thêm được địa bàn chiếm đóng nhưng quân Pháp không khống chế nổi phong trào chiến tranh du kích hình thành và phát triển. Theo chủ trương của Trung ương Đảng, Liên Tỉnh ủy chỉ đạo chặt chẽ việc phát triển lực lượng dân quân du kích và xây dựng làng xã chiến đấu. Nhiều thanh niên hăng hái tòng quân bổ sung được lực lượng xây dựng các đơn vị chủ lực của khu và bộ đội tập trung của tỉnh, huyện… Từ 7 ngày đêm bảo vệ thành phố đến những ngày ngăn chặn địch đánh chiếm, quân và dân Hải Phòng - Kiến An đã chiến đấu kiên cường và tiếp tục xây dựng lực lượng mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài. Những thắng lợi ấy đã để lại những bài học kinh nghiệm và củng cố lòng tin cho Đảng bộ, quân và dân thành phố lúc bấy giờ tiếp tục cuộc chiến đấu, hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ. VĂN HUY lược ghi |