Một số quy định mới về công tác điều tra hình sự trong CAND

21:00 29/09/2014

 

Quang cảnh 1 buổi giao ban Thủ trưởng Cơ quan điều tra CATP
Quang cảnh 1 buổi giao ban Thủ trưởng Cơ quan điều tra CATP

Ngày 20-8-2004, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10-2004, sau đó được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2006, 2009 (sau đây gọi chung là Pháp lệnh năm 2004).

Qua 10 năm thực hiện, một số văn bản hướng dẫn thi hành của Bộ Công an cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu ngày càng cao của công tác điều tra hình sự của lực lượng CAND trong tình hình mới. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Thông tư số 28/2014/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an “Quy định về công tác điều tra hình sự trong CAND” ngày 7-7-2014 để sắp xếp, củng cố các đơn vị thuộc Cơ quan điều tra trong CAND, khắc phục thiếu sót và đáp ứng yêu cầu thực tế trước mắt cũng như lâu dài.

Theo đó, Thông tư số 28/2014/TT-BCA gồm 7 chương, 46 điều, trong đó có nhiều nét mới. Trên cơ sở phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc hoạt động điều tra trong CAND, chương I Quy định chung đã nêu rõ về “Thẩm định vụ án hình sự” là hoạt động của Thủ trưởng Cơ quan điều tra. Việc thẩm định có thể thực hiện trong giai đoạn điều tra hoặc sau khi kết thúc điều tra vụ án hình sự. Thẩm quyền quyết định việc thẩm định là của thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp trên.

Để khắc phục hiện tượng chạy theo vụ việc, coi nhẹ công tác nghiệp vụ cơ bản của Cơ quan CSĐT, thông tư quy định theo hướng phân định lại quyền hạn điều tra của các đơn vị thuộc Cơ quan điều tra. Chương II gồm 16 điều, chia thành 3 mục, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của CSĐT trong hoạt động điều tra hình sự. Theo đó, phân công hệ Văn phòng Cơ quan CSĐT tiến hành điều tra các vụ án đã rõ đối tượng do tự phát hiện và do các cơ quan đơn vị khác chuyển đến (trừ các tội phạm về ma túy và trọng án); hệ CSĐT tội phạm về TTXH, CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ điều tra các vụ trọng án, vụ án chưa rõ đối tượng và các vụ án đã rõ đối tượng do tự phát hiện được quy định tại một số điều trong BLHS; hệ CSĐT tội phạm về ma túy giữ nguyên như hiện hành. 

Thông tư cũng quy định về Cơ quan CSĐT, Cơ quan ANĐT công an cấp tỉnh theo hướng thu gọn bộ máy lãnh đạo mà vẫn bảo đảm có Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra để trực tiếp chỉ đạo hoạt động điều tra tố tụng và ra các lệnh, quyết định tố tụng. Theo khoản 2 Điều 12 Thông tư quy định về tổ chức bộ máy lãnh đạo của Cơ quan CSĐT công an cấp tỉnh, thì Phó giám đốc phụ trách hệ lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm là Thủ trưởng Cơ quan CSĐT công an cấp tỉnh; Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT là Phó thủ trưởng thường trực Cơ quan CSĐT công an cấp tỉnh; một Phó chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT là Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT công an cấp tỉnh; Trưởng phòng và một Phó trưởng phòng phòng CSĐT tội phạm về TTXH (phụ trách tố tụng) là Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT công an cấp tỉnh (riêng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH công an các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh bổ nhiệm Trưởng phòng và hai Phó trưởng phòng (phụ trách tố tụng và trọng án) là Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT công an cấp tỉnh); Trưởng phòng các phòng: CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, CSĐT tội phạm về ma túy là Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT công an cấp tỉnh. Theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Thông tư, Cơ quan ANĐT công an cấp tỉnh gồm 1 Thủ trưởng, 2 Phó thủ trưởng, cụ thể là: Phó giám đốc công an cấp tỉnh phụ trách công tác an ninh là Thủ trưởng Cơ quan ANĐT công an cấp tỉnh; Trưởng phòng ANĐT công an cấp tỉnh là Phó thủ trưởng thường trực Cơ quan ANĐT công an cấp tỉnh; một Phó trưởng phòng ANĐT (phụ trách công tác điều tra hình sự) là Phó thủ trưởng Cơ quan ANĐT công an cấp tỉnh.

Về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cơ quan CSĐT công an cấp huyện bảo đảm yêu cầu mỗi đội điều tra thuộc Cơ quan CSĐT công an cấp huyện tối thiểu phải có 3 điều tra viên; khi chưa đủ 3 điều tra viên thì chưa thành lập đội mới. Theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Thông tư, Cơ quan CSĐT công an cấp huyện bao gồm 1 Thủ trưởng và từ 1 đến 2 Phó thủ trưởng, cụ thể là Trưởng công an cấp huyện là Thủ trưởng Cơ quan CSĐT công an cấp huyện; một Phó trưởng công an cấp huyện phụ trách hệ lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm là Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT công an cấp huyện; đối với Cơ quan CSĐT công an các quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh hàng năm thụ lý điều tra trên 200 (hai trăm) vụ án thì có thể bố trí 2 Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT công an.

Nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan khác của CAND, ANND được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, trong đó có Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Phòng CSGT đường thuỷ, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH, Phòng CSBV, Trại tạm giam, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và các phòng An ninh thuộc Công an cấp tỉnh trong khi làm nhiệm vụ mà phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm quy định tại một số điều của Bộ luật hình sự năm 1999 thì Trưởng phòng, Giám thị Trại tạm giam ra quyết định khởi tố vụ án, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án. Chương V Thông tư 28 cũng quy định cụ thể trách nhiệm của công an cấp xã, đồn, trạm công an trong tiếp nhận, phân loại tố giác, tin báo về tội phạm. 

Chương VI quy định hoạt động điều tra hình sự của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, trong đó phần quan trọng nhất là những quy định đối với điều tra viên, cán bộ điều tra - những hạt nhân của Cơ quan điều tra trong điều tra 1 vụ án: Ngoài những việc không được làm, điều tra viên còn phải có trách nhiệm giữ bí mật tin tức, tài liệu điều tra của điều tra viên, cán bộ điều tra; nhất là chỉ được cung cấp tài liệu, tin tức và trả lời các cơ quan thông tin đại chúng, các cơ quan khác có liên quan về những nội dung vụ án do mình tiến hành điều tra khi được Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra đồng ý bằng văn bản...

Tại mục 2 chương VI cũng nêu rõ trách nhiệm của điều tra viên trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và điều tra vụ án hình sự từ điều 32 đến điều 44. Một số quy định mới nêu trên của Thông tư 28 nhằm tăng cường hơn nữa hiệu lực quản lý nhà nước về ANTT, đấu tranh có hiệu quả với mọi hành vi phạm tội; đồng thời tạo cơ chế pháp lý thích hợp trong hoạt động điều tra hình sự đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

NP 


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích