08:58 04/10/2017 Hàng năm, cứ đến ngày rằm tháng Tám, múa Lân đã trở thành một hoạt động không thể thiếu, góp phần mang lại tiếng cười cho trẻ nhỏ. Dưới ánh trăng rằm, trong tiếng trống rộn ràng, các em nhỏ lại hò reo, háo hức chờ đợi những màn múa lân đặc sắc. Múa Lân không chỉ mang lại niềm vui cho trẻ nhỏ mà còn giúp người lớn sống lại những năm tháng tuổi thơ đầy ý nghĩa.
Múa lân mang đến niềm vui cho cả người lớn và trẻ nhỏ.
Để có được những màn múa Lân đặc sắc, hút hồn người xem, những “nghệ sỹ” múa Lân đã phải dành hết tâm huyết, tình yêu của mình đối với môn nghệ thuật này. Múa Lân được coi là một nghệ thuật khá đặc biệt, bởi nó vừa mang vẻ đẹp trong động tác, đường nét của môn múa vừa thể hiện được nội lực, sức mạnh của võ thuật. Người biểu diễn ngoài niềm đam mê, sự kiên trì, tinh thần đoàn kết, khả năng sáng tạo và cảm thụ âm nhạc cần phải biết võ mới trình diễn được những kỹ thuật khó để thể hiện từng nét tính cách, hùng khí và sự dũng mãnh của những ông Lân.
Múa Lân không chỉ đơn thuần là một hoạt động vui chơi, giải trí mà nó còn chứa đựng trong đó rất nhiều ý nghĩa tâm linh. Theo quan niệm của người xưa, Lân là linh vật trong bộ tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng và thường được đặt ở những nơi trang trọng, tôn nghiêm như đền, đình, chùa. Vì vậy, múa lân trong quan niệm của dân gian thể hiện sự may mắn, bình yên và thành đạt.
Chắc hẳn, ít người biết được rằng, một ông Lân khi được “sinh ra” phải được làm lễ “Khai quang điểm nhãn” cẩn thận như vậy mới mong mang lại sự tài lộc, sự hỷ vui và may mắn cho gia chủ. Theo anh Chu Sơn Đại – Trưởng Đoàn Lân Sư Đường cho biết: “Tùy thuộc và điều kiện của các đoàn múa Lân mà lễ cúng “Khai quang điểm nhãn” được tổ chức to hay nhỏ. Thông thường, ông Lân được khai quang điểm nhãn vào đầu tháng Tám âm lịch. Lễ cúng phải có đầy đủ các lễ vật như: Lợn tượng trưng cho giàu sang phú quý, Gà tượng trưng cho vinh hoa, Vịt tượng trưng cho sự chậm rãi, mâm ngũ quả tượng trưng cho 5 hướng, bột châu sa đỏ để điểm nhãn cùng các lễ vật khác như rượu, thịt, bánh bao, tiền vàng,… Và điều đặc biệt, trong quá trình làm lễ, phải dùng một tấm vải đỏ quấn quanh đôi mắt của ông Lân bởi cái hồn của ông Lân như buồn, vui, giận dữ được thể hiện qua từng cử động của đôi mắt. Sau khi làm lễ khai quang điểm nhãn xong phải đưa ông Lân ra đường nhảy múa, đánh dấu cột mốc quan trọng của ông Lân”.
Những ông lân với màu sắc rực rỡ.
Ông Lân là hiện thân của may mắn, mang lại điều “hỷ” cho gia chủ nên khi một chiếc đầu lân cũ, hư hỏng muốn bỏ đều phải đem đi đốt, và trước khi đốt cũng phải làm lễ đưa tiễn, “hóa cho ông Lân” đàng hoàng. Một điều quan trọng khi múa lân, đầu lân không được ngẩng lên trời mà phải được giữ độ cân bằng hoặc hơi chếch xuống và khi múa người biểu diễn không được cầm vào sừng của ông Lân. Theo quan niệm của người xưa, nếu chếch đầu ông Lân lên trời tức là đang thách thức ông trời và nó sẽ mang lại điều không may mắn cho đoàn múa lân trong cả năm.
Múa Lân được coi là một hoạt động vô cùng ý nghĩa và không thể thiếu trong mỗi dịp Trung thu. Tuy nhiên, thời gian gần đây bên cạnh những đội múa lân được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp thì trên các đường phố đã xuất hiện một số đội múa lân tự phát. Các đoàn múa lân tự phát này thường di chuyển đến nhiều địa điểm, khuấy động không khí ở nhiều ngõ phố. Ngoài việc mang đến niềm vui cho trẻ nhỏ, một số đoàn múa lân tự phát còn có những hành động chèo kéo, xin tiền từ những người đi đường hoặc các hộ kinh doanh hai bên đường khiến không ít người tỏ ra không hài lòng.
Ngoài ra, một số đội múa lân thường xuyên tập trung ở lòng đường, gây ùn tắc giao thông, thậm chí còn xảy ra tình trạng xô xát giữa những đội múa lân với nhau, khiến nét văn hóa này có dấu hiệu bị biến tướng. Và để khắc phục những sự việc đáng tiếc như trên xảy ra, các cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc xử lý những hành vi vi phạm để các em nhỏ có một mùa trung thu tròn đầy.
Ngân Phạm
14:29 23/11/2024
13:22 22/11/2024