18:42 09/06/2024 Trận mưa lớn từ đêm đến 13h trưa 9/6 kéo dài liên tục không ngớt, đã làm cho hầu hết khu vực các quận Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An, Kiến An ngập sâu, làm tê liệt giao thông nội đô…
Ông Lê Văn Khắc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng cho biết, trận mưa bắt đầu từ khoảng 0h30 ngày 9/6 và kéo dài đến 13 giờ cùng ngày với lượng nước đo được vào khoảng 335mm.
Đặc biệt, từ 10h thủy triều bắt đầu lên, cộng với lượng mưa lớn trên diện rộng trong thời gian dài đã gây nên tình trạng ngập lụt cục bộ tại nhiều tuyến phố, khu dân cư trên địa bàn các quận nội thành. Nếu so với trận mưa lớn nhất đạt 287 mm năm 2018 và trận mưa lớn nhất năm 2021 đạt 265mm thì trận mưa hiện tại ngày 9/6 (có lượng nước mưa là 335mm) thì đây là đợt ngập lụt nghiêm trọng nhất trong khoảng thời gian 20 năm trở lại đây.
Do vậy, tình trạng ngập lụt cục bộ do mưa xảy ra trên diện rộng. Như tại quận Lê Chân, các tuyến phố Tô Hiệu (ngã 4 Trại Lính đến Hồ Sen; ngã 3 Lâm Tường - Tô Hiệu), Hàng Kênh (từ ngã 3 Bốt Tròn đến số nhà 276; từ số nhà 215 đến số nhà 255), Đình Đông (từ số nhà 33 đến ngã 3 Bốt Tròn), Trần Nguyên Hãn (từ bến xe Niệm Nghĩa đến chân cầu Niệm; từ ngã 4 An Dương đến Hoàng Minh Thảo), Nguyễn Tất Tố, Đặng Ma La, Chùa Hàng (từ số nhà 32 đến số nhà 161), Tôn Đức Thắng (từ ngã 4 An Dương đến số nhà 18) đều bị ngập sâu từ 45-35cm.
Tại quận Hải An, trên các tuyến Trung Hành, Phú Xá, đường Hạ Đoạn 1, Đường tỉnh 356 (Bãi Nam Phát Hải Minh, từ số nhà 156 đến số nhà 190, từ giao K9 đến số nhà 229) bị ngập sâu từ 40-45cm.
Các đoạn Trung Lực, ngõ 2 Bùi Thị Từ Nhiên, Lê Hồng Phong (đoạn cổng chợ Hoa, trước tòa nhà Hoa Đăng, cổng phụ trường Trần Phú 3), đường Chợ Lũng (Từ ngã 4 Chợ Lũng giao lô 11 đến Lê Hồng Phong) bị ngập sâu hơn từ 55-65cm nước.
Khu vực quận Kiến An ngập lụt cục bộ trên tất cả các tuyến, trọng điểm là tuyến Phan Đăng Lưu, Trần Nhân Tông, Trần Thành Ngọ do nước mưa từ trên đồi Thiên Văn trút xuống và hệ thống thoát nước không thoát kịp.
Nguyên nhân ngập lụt chủ yếu là do hệ thống thoát nước khu vực này không đáp ứng được yêu cầu thoát nước đối với những trận mưa lớn trên 100mm. Việc tiêu thoát nước chậm gây do nước triều bắt đầu lên từ 9h và đến 10h nước triều đạt 2m4 (nước trong mương và nước ngoài sông bằng nhau). Do đó các khu vực dân cư các quận đều ngập lụt, mức độ thoát chậm, nguy cơ ngập úng kéo dài…
Do đó, để tăng cường khả năng tiêu thoát nước, từ 4h sáng 9/6, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng đã triển khai thực hiện các công tác giải quyết ngập lụt ngay từ lúc bắt đầu mưa. Cụ thể, công ty bố trí lực lượng ứng trực tại 100% các cống, để điều tiết mực nước tại các cánh cống; bố trí công nhân khơi thông cửa xả, mở các miệng thu,...
Từ 11h nước thủy triều lên, công ty thực hiện đóng cánh cống và bơm tối đa các máy bơm tại các trạm bơm: Ba Tổng, Vĩnh Niệm, Máy Đèn, Nam Sông Cấm, Thượng Lý, Trại Chuối và hầm chui Bạch Đằng, hầm chui cầu Rào nhằm hạ thấp mực nước trong các mương hồ điều hòa xuống mức thấp nhất có thể, phòng ngừa trận mưa sau có thể xảy ra.
Tiếp đó, công ty triển khai thực hiện các công tác trong kế hoạch phòng chống mưa bão năm 2024 bao gồm các công việc như: vớt rác tại các cửa thu, miệng ga hàm ếch để nước rút nhanh; mở ga thoát nước tại các vị trí xung yếu để tăng cường khả năng tiêu thoát nước; kiểm tra, chốt trực tại các điểm nóng ngập lụt như: An Đà, Đình Đông, Bốt Tròn, Tô Hiệu, Lê Lợi, Cầu Đất, đường 5, chân cầu Bính; điều tiết mở các cánh cống ngăn triều, cánh phai ra cửa sông; khơi thông dòng chảy tại các mương hồ điều hòa làm tăng khả năng tiêu thoát nước ngập lụt do mưa.
Tại quận Hồng Bàng, một số tuyến phố như Hồ Xuân Hương, Lê Đại Hành, Hạ Lý, Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng… bị ngập lụt cục bộ.
Được sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an quận Hồng Bàng, Đội CSGT-TT Công an quận phối hợp với Công an các phường có tuyến phố ngập lụt đã tăng cường quân số, túc trực tại các điểm ngập lụt, tiến hành điều tiết, hướng dẫn giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt, phục vụ Nhân dân đi lại an toàn, không để xảy ra tai nạn…
Nhóm PV