Nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân mắc Covid-19

    19:33 07/12/2021

    Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cùng với đẩy nhanh xét nghiệm tầm soát, tiêm vắc xin phòng Covid-19, thời gian qua, ngành Y tế tập trung nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19, từng bước đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

    Số ca mắc liên tục tăng

    Theo ngành Y tế, tính đến 19 giờ ngày 4-12, toàn thành phố đã có 1.104 ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận trên địa bàn. Trong đó, liên tục trong nhiều ngày, số ca nhiễm lên đến trên dưới 100 ca/ngày. Trong giai đoạn 4 của dịch (từ ngày 27-4-2021), phát sinh  1098 ca mắc mới Covid-19 (trong đó có 48 nhập cảnh). Riêng trong ngày 4-12, dù số ca nhiễm giảm nhưng cũng có đến 85 ca được ghi nhận. Việc các ca nhiễm liên tục tăng cao đã gây áp lực rất lớn lên công tác thu dung, điều trị cho các cơ sở y tế.

    Tính đến chiều ngày 2-12, có 10 cơ sở y tế trên địa bàn thành phố tổ chức tiếp nhận, điều trị các trường hợp mắc Covid-19 gồm: 6 cơ sở y tế tuyến thành phố (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp cơ sở An Đồng, Bệnh viện Trẻ em, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Kiến An, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phụ sản) và 4 cơ sở y tế tuyến huyện (Bệnh viện đa khoa Thủy Nguyên, Bệnh viện đa khoa Vĩnh Bảo, Trung tâm Y tế huyện Tiên Lãng, Trung tâm Y tế huyện An Dương).

    Một số cơ sở y tế khác sẽ tổ chức tiếp nhận, điều trị các trường hợp mắc Covid-19 khi có điều tiết của Sở Y tế hoặc sau khi thực hiện xong việc khám tuyển nghĩa vụ quân sự tại các đại phương.

    Thời gian qua, ngành Y tế tập trung nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở được chỉ định điều trị

    Đến thời điểm hiện tại, các cơ sở y tế tổ chức tiếp nhận, điều trị các trường hợp mắc Covid-19 hiện thực phương án “tách đôi bệnh viện” hoặc dành 40% số giường kế hoạch để vừa bảo đảm công tác khám, chữa bệnh đối với người mắc bệnh thông thường, vừa điều trị, quản lý chặt chẽ người mắc Covid-19.

    Theo lãnh đạo Sở Y tế, đối với công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, hiện ngành Y tế thực hiện phân tầng điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế hướng dẫn. Trong đó, ưu tiên trang thiết bị y tế cho tầng 3 thực hiện điều trị các bệnh nhân nặng, có can thiệp… Ngành Y tế cũng tiếp tục chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, nguồn nhân lực… để thành lập các trạm y tế lưu động khi số ca bệnh tiếp tục tăng.

    Hiện tại, UBND thành phố có Văn bản yêu cầu Sở Y tế phối hợp UBND các quận, huyện khẩn trương xây dựng phương án điều trị F0 không triệu chứng tại nhà; trước mắt triển khai thí điểm tại 4 xã: Tiên Thắng, Vinh Quang, Toàn Thắng, Tiên Minh (huyện Tiên Lãng) và 2 phường Thượng Lý, Sở Dầu (quận Hồng Bàng).

    Theo nhận định, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng đột biến trong tuần qua. Đánh giá tình hình dịch bệnh, ngành Y tế nhận định trong 1, 2 tuần tới có thể xuất hiện thêm nhiều F0 từ các ổ dịch trong cộng đồng.

    Do đó, ngoài nỗ lực thực hiện các biện pháp khống chế, khoanh vùng phòng, chống dịch bệnh của ngành chức năng như: chủ động khoanh vùng, truy vết, tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát… thì ý thức trách nhiệm của mỗi người dân cần được nâng cao hơn nữa.

    Nâng cao năng lực điều trị

    Mới đây Sở Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch tổ chức đào tạo, tập huấn nhân lực tham gia vận hành các trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 cộng đồng.

    Theo đó, có tổng số 7.630 người có chuyên môn y (bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh...) và người không có chuyên môn (các tình nguyện viên) ở các địa phương được đào tạo, tập huấn theo các lớp, mỗi lớp dự kiến có từ 50-100 học viên. Nội dung đào tạo, tập huấn, gồm: tổ chức, quản lý trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng; lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR; tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; quản lý, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng; các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm và kỹ năng truyền thông, vận động phòng, chống dịch...

    Thời gian tổ chức chương trình đào tạo, tập huấn diễn ra từ ngày 6 đến 21-12. Phương thức đào tạo lý thuyết bằng hình thức trực tuyến và đào tạo thực hành bằng hình thức “cầm tay chỉ việc” trên mô phỏng. Sau khi kết thúc khóa tập huấn, các học viên được đánh giá hoàn thành và cấp chứng nhận “Đào tạo nhân lực cho trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người bệnh nhiễm Covid-19 tại cộng đồng” và có thể bắt tay ngay vào công việc.

     Về điều trị bệnh nhân Covid-19, các bác sĩ Bệnh viện Kiến An cho biết, việc phân loại bệnh nhân là rất quan trọng. Bệnh nhân nào đã được tiêm vắc-xin 2 mũi, bệnh nhân nào chưa, bệnh nhân nào không triệu chứng, bệnh nhân trên 65 tuổi... đều phải có cách thăm khám riêng.

    Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Dương Phạm An Hiện, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về việc chuẩn bị cơ sở vật chất điều trị các ca F0 tại địa phương, từ ngày 5-12, Trung tâm Y tế huyện tiếp nhận 5 ca F0 từ các xã: Hồng Thái, Đồng Thái, An Đồng vào điều trị. 

    Để bảo đảm an toàn trong quá trình điều trị, Trung tâm Y tế huyện dành toàn bộ dãy nhà 2 tầng Khoa bệnh nhiệt đới, chuẩn bị 50 giường bệnh có cùng hệ thống oxy dẫn tới các phòng cùng trang thiết bị cần thiết phục vụ việc điều trị các ca F0 thuận lợi.

    Cùng với thành lập cơ sở điều trị các ca F0, thời gian qua, huyện An Dương thành lập Trạm Y tế lưu động tại 16 xã, thị trấn; thành lập 136 tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng ở các thôn, tổ dân phố với tổng số 396 thành viên nhằm hỗ trợ các địa phương ứng phó với diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn huyện An Dương.

    VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông