Ngành Ngân hàng thành phố: Nhiều giải pháp hạn chế “tín dụng đen”

15:47 28/05/2019

Hoạt động “tín dụng đen” diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, làm mất trật tự an ninh xã hội. Để hạn chế, ngăn chặn tiến tới đẩy lùi “vòi bạch tuộc” này đã được các cơ quan chức năng triển khai ráo riết, trong đó có sự vào cuộc đồng bộ của ngành ngân hàng…

Hệ lụy thảm khốc

Hoạt động “tín dụng đen” diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương, không chỉ ở đô thị lớn mà còn ngấm ngầm len lỏi đến các vùng nông thôn, ngoại thành... Hệ lụy của “tín dụng đen” đã rõ, một khi đã dính vào, người vay bị nhốt trong vòng kim cô lâm vào cảnh nợ nần, tán gia bại sản, thậm chí có người phải tìm đến cái chết để thoát nợ.

Có thể kể ra rất nhiều hệ lụy đau lòng khi trót mắc bẫy “tín dụng đen”, điển hình vào ngày 18-9-2018, người dân phát hiện tại rãnh thoát nước giáp QL18A, thôn 3, xã Cẩm Hải, TP Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) có một xác người đàn ông. Nạn nhân là anh Phạm Văn Phú, 33 tuổi, ở thôn Cặp Tiên, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh).

Qua điều tra được biết, anh Phú vay 50 triệu đồng tại quán cầm đồ Hoàng Anh của Vũ Hoa Vinh (35 tuổi, ở tổ 111, khu 10B, phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả) với thời hạn 1 tháng. Đến hạn, anh Phú không trả cho Vinh và có dấu hiệu bỏ trốn. Vinh nhiều lần cùng đồng bọn gọi điện và đến nhà hàng của gia đình anh Phú đe dọa đòi tiền.

3 trong số đối tượng gây ra cái chết của anh Phú bị bắt giữ

Biết Phú trốn ở nhà nghỉ Hồng Ninh, nhóm đối tượng này đã đến bắt và dẫn đến bãi đất trống thuộc tổ 1, khu Nam Sơn 2, phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả hành hung, bỏ mặc nạn nhân bất tỉnh rồi lên xe đi về. Cùng ngày hôm đó, Vinh gọi đồng bọn quay lại khu vực đất trống kiểm tra thấy Phú đã tử vong liền đưa xác lên xe bán tải đưa đến địa điểm khác phi tang...

Hay vụ việc đối tượng Mai Huy Long, ở tỉnh Thanh Hóa đã đến nhà đánh bà Lê Thị Lài, ở huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi gây thương tích chỉ vì chưa kịp trả nợ. Đối tượng Long khai nhận đã cho hơn 70 người dân vay số tiền trên 500 triệu đồng, lãi suất 250 đến 350%/năm.

Còn theo Công an tỉnh Đắk Nông, từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã triệt phá 4 nhóm đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng với số tiền cho vay trên 13 tỉ đồng, lãi suất từ 180% - 549%/năm, trường hợp quá hạn phải chịu mức lãi suất đến 936%/năm.

Trong đó, Công an thị xã Gia Nghĩa đã phát hiện, đấu tranh, triệt phá 2 nhóm, 6 đối tượng đều ở thành phố Hà Nội đến tỉnh Đắk Nông tổ chức cho vay lãi nặng.

Như vậy, không những hoạt động ngầm, phức tạp hơn, các đối tượng trong tỉnh còn câu kết móc nối giữa các đối tượng tỉnh ngoài đến địa phương hoạt động. Và một khi đã tìm đến tín dụng đen, thì người vay thường rơi vào tình trạng… sống dở, chết dở, đến khi mất khả năng trả nợ, bị chủ nợ thúc ép thì nhiều người không dám trình báo lên cơ quan chức năng. Do vậy, việc điều tra và bắt giữ các đối tượng gặp rất nhiều khó khăn.

Hợp lực hạn chế “tín dụng đen”

Để hạn chế, tiến tới ngăn chặn “tín dụng đen” không còn đất sống, Chính phủ, các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành Ngân hàng đã đã đẩy mạnh việc triển khai nhiều giải pháp. Ngày 9/4/2019, dưới sự chủ trì của Phó Thống đốc Đào Minh Tú, Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức cuộc họp với các tổ chức chính trị - xã hội nhằm đánh giá kết quả phối hợp trong việc triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Trước đó, ngày 8-3, tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, NHNN Việt Nam cũng phối hợp cùng UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen.

Gần đây nhất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản số 1783/NHNN-TD về việc phối hợp triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong quá trình thực hiện cho vay các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cho vay phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ngành Ngân hàng Hải Phòng đẩy mạnh cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, gián tiếp hạn chế tình trạng tín dụng đen

Trong đó nhấn mạnh việc chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, đặc biệt chính quyền cấp xã, phường, thôn, bản phối hợp với ngành Ngân hàng hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; hỗ trợ ngành Ngân hàng trong quá trình xác minh nhu cầu vốn tiêu dùng chính đáng, cấp bách của người dân nhằm hạn chế người dân tìm đến các nguồn vốn không chính thức.

Các sở, ban, ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty được cấp phép hoạt động dịch vụ tài chính, các hiệu cầm đồ để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời những hành vi chưa đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó, các tỉnh, thành phố cũng tiếp tục quan tâm, dành một phần nguồn vốn của địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay các đối tượng chính sách xã hội theo chỉ đạo tại Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội...

Hải Phòng hiện có 61 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) cấp 1 (trong đó có 15 chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước, 37 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần, 5 chi nhánh ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 2 tổ chức tín dụng phi ngân hàng, 1 chi nhánh ngân hàng Hợp tác xã, 1 ngân hàng chính sách xã hội), 20 chi nhánh loại 2 của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, 26 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.

Với số dân hơn 2 triệu người và trên 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động, Hải Phòng được đánh giá là thành phố có nền kinh tế sôi động và phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ dễ khiến vòi bạch tuộc tín dụng đen hoạt động. Những năm qua, các cơ quan chức năng đã triển khai mạnh mẽ, đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt nhằm hạn chế, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực này.

Ở góc độ ngành Ngân hàng, hệ thống TCTD trên địa bàn thành phố đã có nhiều giải pháp nhằm hạn chế tín dụng đen. Trong đó phải kể đến việc các TCTD trên địa bàn đã chủ động tìm kiếm và kết nối với doanh nghiệp để nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng đã góp phần nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn phục sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hải Phòng được Ủy ban nhân dân thành phố giao chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, đơn vị triển khai thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen. Sau khi tổng hợp ý kiến tham gia của các Sở, ban ngành, đơn vị liên quan, Chi nhánh đã ban hành Công văn số 285 báo cáo UBND TP Dự thảo văn bản chỉ đạo của UBND TP triển khai thực hiện.

Ngày 26/4/2019, UBND TP ban hành Văn bản số 2321/UBND-VP chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hải Phòng ban hành Công văn số 387, 388/HAP-TH&KSNB ngày 08/5/2019 chỉ đạo các Phòng ban NHNN Chi nhánh, các chi nhánh TCTD và QTDND trên địa bàn nghiêm túc triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Qua đó, hoạt động cho vaymột số lĩnh vực ưu tiên tiếp tục được đẩy mạnh với tính đến hết tháng 5 doanh số cho vay đạt gần 58.000 tỷ đồng; 2.821 tỷ đồng dư nợ cho vay cácđối tượng chính sách; 5 Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp với số tiền cam kết cho vay là 159 tỷ đồng, dư nợ đạt 35,5 tỷ đồng.

 NHNN thành phố cũng đẩy mạnh việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN góp phần hạn chế, đẩy lùi  tín dụng đen như: Cho vay hỗ trợ lãi suất để tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp; Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; Cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH...; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.

Như vậy, cùng với sự vào cuộc nghiêm túc, tích cực, quyết liệt của các sở, ngành, cơ quan chức năng và các cấp chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, ngành ngân hàng thành phố đang nỗ lực chung tay để hạn chế hoạt động tín dụng đen gây những hệ lụy xấu…

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông