Ngành nông nghiệp thành phố: Đồng bộ các giải pháp bảo vệ gia súc, gia cầm, thuỷ sản những tháng cuối năm

15:22 05/10/2021

Mùa đông đang đến gần kéo theo tình hình thời tiết biến động bất lợi gây mưa, rét kéo dài vào những tháng cuối năm. Đây chính là thời điểm được cơ quan chức năng cảnh báo về nguy cơ các loại dịch bệnh trên động vật lây lan với tốc độ nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng, gây tác hại khó lường, làm thiệt hại lớn đối với ngành chăn nuôi…
Đàn gia cầm phát triển ổn định

Tín hiệu mừng 9 tháng năm 2021

Từ đầu năm đến nay, mặc dù chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid – 19 nhưng tình hình sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn thành phố vẫn được duy trì, phát triển ổn định, có bước tăng trưởng khá. Trong đó, đàn lợn có xu hướng tăng, đạt 144.374 con, tăng 12,7% so cùng kỳ năm 2020; tổng đàn gia cầm ước đạt 8,65 triệu con, bằng 93,79%; tổng đàn trâu ước đạt 4.066 con, bằng 93,62%; đàn bò ước đạt 8.893 con, bằng 89,97%. Nhìn chung, trong khi chăn nuôi lợn có dấu hiệu phục hồi sau một thời gian giảm mạnh do dịch tả lợn châu Phi thì tổng đàn trâu, bò và gia cầm có xu hướng giảm nhẹ do tác động của giá đầu vào sản xuất tăng.

Đáng nói, sản lượng xuất chuồng thịt lợn hơi 9 tháng qua ước đạt 17,46 nghìn tấn, tăng 2,72%; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 475,2 tấn, bằng 88,15%; sản lượng bò ước đạt 708,72 tấn, bằng 89,81%; sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng ước đạt 51,31 nghìn tấn, tăng 0,94%; sản lượng trứng gia cầm ước đạt gần 241,87 triệu quả, bằng 89,12% so với cùng kỳ năm trước.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, cũng trong 9 tháng qua, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của thành phố ước đạt 11.028,1 ha, bằng 98,9% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy diện tích nuôi trồng có giảm nhẹ nhưng sản lượng thu hoạch ước đạt 55.814,2 tấn, tăng 1,39%; tổng sản lượng khai thác ước đạt 85.746,9 tấn, tăng 2,6% so cùng kỳ năm trước.

Đàn gia cầm phát triển ổn định

Song song với đó, nhằm bảo vệ đàn vật nuôi, thuỷ sản phát triển ổn định, công tác tiêm phòng được thành phố đặc biệt chú trọng. Trong 9 tháng, toàn thành phố đã tiêm 77.828 liều vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó mèo nuôi. Đối với đàn gia cầm, đợt 1 tiêm 5.377.400 liều vắc xin cúm (đạt 100% kế hoạch). Cơ quan chức năng đã đợt 2 tiêm 237.000 liều (đạt 4,38% kế hoạch); lấy mẫu, tiếp nhận và xét nghiệm 7.524 mẫu phục vụ công tác giám sát dịch bệnh, kiểm dịch vận chuyển, đồng thời đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đối với 357,97 ha diện tích tôm nuôi có nguy cơ nhiễm bệnh; xuất cấp 50 tấn, 1.000 lít  hóa chất hỗ trợ các địa phương và hướng dẫn các hộ nuôi tôm chủ động thực hiện vệ sinh, tiêu độc vùng dịch và dự phòng chống dịch đối với 100ha diện tích có nguy cơ nhiễm bệnh.

Nhờ những giải pháp quyết liệt trên, 9 tháng qua, Hải Phòng không phát hiện gia cầm ốm, chết, tiêu hủy do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ra.

Cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh bùng phát...

Bên cạnh những kết quả đạt được thì dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, thuỷ sản vẫn đang tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Trước hết là bệnh Viêm da nổi cục xuất hiện ở đàn trâu bò đã khiến 8 con gia súc mắc bệnh buộc phải tiêu hủy, Dịch tả lợn châu Phi khiến 177 con lợn mắc bệnh. Cùng với đó là 357,97ha diện tích tôm nuôi nhiễm và có nguy cơ nhiễm bệnh.

Tập trung tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm

Đáng chú ý, hiện toàn thành phố có trên 42.000 hộ chăn nuôi nông hộ, chiếm 49,81% tổng đàn lợn và 47,77% tổng đàn gia cầm. Tổng đàn gia súc, gia cầm và diện tích nuôi thủy sản lớn đặt trong bối cảnh phương thức chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ, hộ gia đình vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Các hộ chăn nuôi này nằm xen kẽ trong các khu dân cư chưa có ý thức chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh còn chờ nguồn hỗ trợ từ thành phố. Đặc biệt, vào các tháng cuối năm nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thu động vật, sản phẩm động vật và thuỷ sản lớn, trong khi giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số, kèm theo đó là tình hình thời tiết mưa, rét… Tất cả các yếu tố trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh sinh sôi, phát triển, xâm nhập, bùng phát, lây lan diện rộng gây tác hại cho sản xuất chăn nuôi.

Đàn lợn đang phục hồi sau một thời gian giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi

Để phòng chống hiệu quả dịch bệnh động vật, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, thuỷ sản cho những tháng cuối năm, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, ngành Nông nghiệp thành phố đã xác định một loạt các nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, song song với việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản để phát hiện sớm, kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch, khống chế, ngăn chặn, nhanh chóng dập tắt dịch, ngành sẽ tập trung hoàn thành kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm năm 2021. Bên cạnh đó, một nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn thành phố”, trình UBND TP phê duyệt cũng đã được ngành hoàn thiện nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thức ăn chăn nuôi, chất cấm tại các cơ sở chăn nuôi. Toàn thành phố đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu: giá trị sản xuất chăn nuôi đạt trên 5.000 tỷ đồng, tổng thịt hơi các loại đạt gần 100.000 tấn; giá trị sản xuất thuỷ sản ước đạt gần 5.400 tỷ đồng…

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông