Ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15: Nghe các báo cáo, tờ trình về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phân bổ vốn đầu tư và chương trình xây dựng pháp luật

17:28 23/05/2023

Ngày 23-5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; nghe trình bày Tờ trình về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, thảo luận về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; thảo luận về Luật Giá (sửa đổi).

                                                                      Tiết kiệm hơn 53.000 tỷ đồng

           Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện và đạt được kết quả tích cực.

        Cụ thể, đã thực hiện rà soát, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các định mức, tiêu chuẩn chế độ; thực hiện triệt để tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tài sản công, đất đai, khoáng sản...

                                

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022

       Về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước năm 2022 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng.

          Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hệ thống các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được ban hành tương đối đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công. Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2022 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm.

          Trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền đối với 30.708 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Quy hoạch sử dụng đất của địa phương chậm được công bố, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời...

           Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương trên cả nước, nhu cầu mua sắm tăng. Công tác kết nối cung cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định; gắn kết tạo nguồn hàng ổn định giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc. Do đại dịch COVID-19 tác động, các hoạt động lễ hội hạn chế tổ chức, đặc biệt là các lễ hội có số lượng lớn người dân và du khách tham gia tập trung đông người để phòng, chống dịch, nhờ đó đã cắt giảm được đáng kể nguồn kinh phí.

          Về nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658 về Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 với 8 nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp để thực hiện.

          Theo đó, các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực được giao phụ trách; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;  nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và pháp luật chuyên ngành, tập trung vào các lĩnh vực: quản lý và sử dụng đất đai; đầu tư công; quản lý kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ; việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa...

                                           Xác định rõ danh mục, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật

           Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

                           

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

          Theo đó, về việc điều chỉnh Chương trình năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), đã quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2023 các dự án luật, dự thảo nghị quyết.

        Cụ thể, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo quy trình tại một kỳ họp đối với 2 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, bao gồm:  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân,  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam,  Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và  Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (dự kiến đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ 5).

       Trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 đối với 2 dự án luật, bao gồm:  Luật Căn cước công dân (sửa đổi),  Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

                       

Các đồng chí lãnh đạo Quốc hội điều hành phiên họp

       UBTVQH  báo cáo và đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh Chương trình năm 2023. Theo đó, bổ sung 4 dự án luật, bao gồm: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7. Bổ sung dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng vào Chương trình năm 2023. 

           Đối với 3 dự án luật đã được Quốc hội khóa 14 cho ý kiến gồm: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023 và đã có hồ sơ đầy đủ, trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung 3 dự án luật này vào Chương trình năm 2023 và thống nhất với đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6 đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. 

          Về tiến độ trình Quốc hội dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, UBTVQH thống nhất với Chính phủ báo cáo Quốc hội cho đưa vào Chương trình để trình Quốc hội cho ý kiến về 2 dự án luật này tại kỳ họp thứ 6, thông qua tại kỳ họp thứ 7. Trường hợp các dự án được chuẩn bị tốt, qua thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao, UBTVQH sẽ báo cáo Quốc hội đẩy nhanh tiến độ để thông qua ngay tại kỳ họp thứ 6. 

          Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, UBTVQH trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 đối với 10 dự án, trong đó có 8 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, bao gồm:  Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi),  Luật Lưu trữ (sửa đổi),  Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp,  Luật Đường bộ,  Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ,  Luật Thủ đô (sửa đổi),  Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi),  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; và 2 dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp, bao gồm:  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ,  Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

         UBTVQH trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 đối với 9 dự án luật, bao gồm: Luật Công chứng (sửa đổi),  Luật Công đoàn (sửa đổi),  Luật Di sản văn hóa (sửa đổi),  Luật Địa chất và khoáng sản,  Luật Phòng không nhân dân,  Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Tư pháp người chưa thành niên,  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật như tiến độ do các cơ quan đề xuất.

          UBTVQH trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 đối với 2 dự án luật, bao gồm: Luật Chuyển đổi giới tính và   Luật Việc làm (sửa đổi).

                               

Phiên họp ngày 23-5 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15

         Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của UBTVQH; ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng luật, pháp lệnh, hoàn thiện thể chế, đặc biệt là sự chủ động, trách nhiệm và những đổi mới đã được UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội thực hiện. Qua đó đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác lập pháp. Nhiều ý kiến đề cập tới  vấn đề kỷ luật, kỷ cương xây dựng luật.

         Trong đó, các cơ quan đề xuất xây dựng luật phải chú trọng tổng kết thực tiễn để lập đề nghị có tầm nhìn dài hạn hơn. Theo các đại biểu, trong thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục phát huy các kết quả này, đặc biệt là công tác xây dựng pháp luật cần được chuẩn bị từ sớm, từ xa. Các chính sách đề xuất phải nhằm kịp thời triển khai thực hiện văn kiện Đại hội 13 của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng thời, phải bảo đảm, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

                               Linh hoạt thực hiện vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH

           Trình bày Tờ trình về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về số vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã quyết nghị tăng chi từ nguồn NSNN tối đa 176 nghìn tỷ đồng, thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 để hỗ trợ, đầu tư các nhiệm vụ, dự án trong từng ngành, lĩnh vực. 

                              

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình

           Căn cứ các kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn NSTW của Chương trình là 161.848,315 tỷ đồng. Số vốn còn lại chưa phân bổ là 14.151,685 tỷ đồng. 

          Về khả năng giải ngân vốn của Chương trình, Bộ trưởng cho biết, kế hoạch vốn NSTW năm 2023 đã được Quốc hội quyết nghị là 338.415 tỷ đồng, trong đó bố trí cho các nhiệm vụ, dự án của Chương trình là 137.844 tỷ đồng. Phần lớn các dự án thuộc Chương trình là dự án khởi công mới, khó có thể giải ngân hết số vốn được giao trong năm 2023. Trong khi đó, một số nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các bộ, địa phương có nhu cầu bổ sung nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác sử dụng.

      Do đó, việc điều hòa linh hoạt giữa kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn thuộc Chương trình là hết sức quan trọng, cấp thiết. Bộ trưởng cho biết, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự giám sát và đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH đã tạo ra không gian phát triển mới, động lực mới, năng lực mới cho các ngành, lĩnh vực, các địa phương, góp phần quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế.

      Tuy nhiên, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, việc phân bổ vốn vẫn còn chậm so với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

                        

Quang cảnh phiên họp toàn thể ngày 23-5

           Bộ trưởng kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát, cân đối vốn NSNN để thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại chưa được báo cáo, thu hồi theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đề nghị của địa phương, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn NSTW giai đoạn 2021-2025, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn NSĐP giai đoạn 2021-2025 để thu hồi vốn ứng trước của từng nhiệm vụ, dự án. Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thu hồi ứng trước vào cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

                        Đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ giá trần, giá sàn vé máy bay

          Góp ý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề xuất bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay. Theo đại biểu, nếu để giá trần, giá sàn sẽ không phù hợp với chủ trương tinh thần Nghị quyết 11, Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng khóa 12. Bên cạnh đó, việc bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay cũng sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải khác, đảm bảo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia .

             Đại biểu Đỗ Văn Yên (Bà Rịa - Vũng Tàu)  đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung tại dự thảo Luật điều chỉnh cụm từ “giá dịch vụ giáo dục” thành “giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo” để thống nhất với quy định của Luật Giáo dục và Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

                              

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phát biểu

       Quan tâm đến vấn đề giá sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 4, trong phiên thảo luận ở hội trường đã đề nghị Luật Giá (sửa đổi) giao Chính phủ quy định giá sách giáo khoa dưới hình thức khung giá bao gồm giá tối đa và giá tối thiểu như đối với các mặt hàng khác được Nhà nước định giá. Bộ trưởng Bộ Tài chính – Trưởng Ban soạn thảo Hồ Đức Phớc đã phát biểu trước Quốc hội tiếp thu ý kiến này.

Tuy nhiên khi nghiên cứu dự thảo Luật trình ra Quốc hội lần này để xem xét thông qua, dự thảo không phản ánh ý kiến tiếp thu. Ban soạn thảo cũng không có giải trình ý kiến này. 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy dẫn lại các quy định có trong Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng, Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông quy định thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Tuy nhiên, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 thể hiện quan điểm khác với Nghị quyết 88 khi không trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục mà cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.  Đại biểu đề nghị trong trường hợp Quốc hội nhận thấy chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa mà Quốc hội khóa XIII đề ra có nhiều bất cập thì nên sửa Nghị quyết 88 chấm dứt việc thực hiện chủ trương này. Trong trường hợp ngược lại thì Quốc hội nên bổ sung những quy định cần thiết trong Luật Giá để bảo đảm sự nhất quán về chủ trương./.

                                                                                                                               Hồng Thanh 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông