Ngày làm việc thứ 5, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 15: Thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Luật Dầu khí (sửa đổi)

15:13 25/10/2022

Ngày 25-10, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Giao dịch điện tử; dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Đồng thời, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi).

                             

Quốc hội thảo luận về 2 dự án Luật

                                             Làm rõ trách nhiệm về việc chậm ban hành kết luận thanh tra

           Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị  nên quy định số lượng không quá bao nhiêu cuộc thanh tra trong 1 năm đối với lại bộ, ngành, địa phương.Thực tế cho thấy là tuy không trùng về nội dung, không trùng về thời điểm thanh tra nhưng có quá nhiều cuộc thanh tra, ảnh hưởng đến điều hành hoạt động của địa phương.  

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) 

           Tại Điều 76 về ban hành kết luận thanh tra, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng việc chậm ban hành kết luận thanh tra thì dự thảo luật còn bỏ trống, chưa được quy định rõ. Thực tế cho thấy còn gần 30 cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra Trung ương đối với lại bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có kết luận. Thời gian chậm ban hành từ 1 năm đến hơn 6 năm. Từ đó, đại biểu đề nghị cần quy định rõ vấn đề chậm ban hành kết luận thanh tra trong dự thảo luật.

          Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cũng đề nghị quy định rõ chế tài xử lý việc chậm ban hành kết luận thanh tra. Đại biểu cho rằng, đây là vấn đề cần thiết, làm sao tránh tạo áp lực nặng nề cho đơn vị thanh tra. Vì thực tiễn những đơn vị sản xuất kinh doanh khi có đoàn thanh tra vào, thì các đối tác kỳ hợp đồng rất dè dặt và khó khăn.

                          

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) 

           Quan tâm đến vấn đề kết luận thanh tra với kiểm toán nhà nước khác nhau, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, thực tế đã diễn ra tình trạng này. Đồng thời băn khoăn nếu trong trường hợp có độ trễ, Kiểm toán nhà nước có kết luận khác với kết luận thanh tra thì xử lý như thế nào? Đại biểu Tạ Văn Hạ nhận thấy, Luật phải quy định chế tài vấn đề này ra sao, trách nhiệm của Trưởng đoàn đưa ra kết luận. Như vậy, dự thảo Luật phải quy định rõ vấn đề này và khắc phục hậu quả như thế nào thì cần phải nghiên cứu kỹ.

          Về việc chậm ban hành kết luận thanh tra, đại biểu cho rằng, có những cuộc thanh tra từ năm 2015, 2016 mà đến giờ vẫn chưa có kết luận thanh tra. Đại biểu đề nghị quy định rõ việc giải quyết chậm ban hành kết luận thanh tra.

                      Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cần quy định rõ việc phối hợp xử lý chồng chéo giữa hoạt động thanh tra với hoạt động giám sát của cơ quan dân cử và hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng. Đại biểu hy vọng dự án Luật lần này sẽ phát huy cao nhất hiệu quả cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước, nhưng không làm lãng phí nguồn lực, chồng chéo công việc, góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Về kết luận thanh tra, để đảm bảo tính chặt chẽ của dự án Luật, cần xem xét, bổ sung quy định cụ thể về căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ sung, sửa đổi kết luận thanh tra, nhằm tránh tiêu cực, hạn chế việc sửa đi sửa lại kết luận thanh tra.

                                                               Có nên thành lập thanh tra Tổng cục?

          Về nội dung cho phép thành lập cơ quan thanh tra độc lập tại Tổng cục thuộc Bộ và Cục thuộc Tổng cục đối với các cơ quan quản lý thu như thuế, hải quan,đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An)  nêu rõ, theo quy định của Luật hiện hành đang thực hiện chức năng thanh tra và bố trí đội ngũ công chức làm công tác thanh tra, song không tổ chức thanh tra độc lập. Trong khi đó, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này được chuyển thành tổ chức thanh tra độc lập. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ để cân nhắc, cả về góc độ kinh phí thực hiện cũng như nội dung quyền hạn và trách nhiệm giữa người đứng đầu tổ chức thanh tra thuộc cơ quan quản lý thu và thủ trưởng cơ quan quản lý thu cấp Tổng cục đối với nội dung các vụ việc được thanh tra.

                    

Đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An)

         Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa)  cũng đề xuất  nên tiếp tục cân nhắc lại việc thành lập thanh tra Tổng cục, thanh tra Cục thuộc Tổng cục. Đại biểu cho rằng thành lập các tổ chức thanh tra, các cơ quan thanh tra trong Tổng cục hoặc là Cục thuộc Tổng cục sẽ là tăng về số lượng biên chế, chi phí tiền lương…

          Về xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, đại biểu Mai Văn Hải đề xuất phương án nên quy định xử lý chồng chéo giữa thanh tra hành chính với nhau thành một nội dung và một nội dung là quy định về xử lý chồng chéo giữa thanh tra chuyên ngành. 

                             

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) 

          Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị Ban soạn thảo làm rõ chế định thanh tra chuyên ngành trong luật thanh tra để thống nhất điều chỉnh hệ thống thanh tra chuyên ngành trên toàn quốc thuộc mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Thực tế hiện nay, có nhiều hoạt động thanh tra chuyên ngành có tên gọi khác nhau, nhưng chưa có pháp luật điều chỉnh, như kiểm tra chuyên ngành, giám sát an toàn, kiểm tra nhà nước, kiểm tra phát hiện xử lý vi phạm.

          Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần quy định rõ hơn khái niệm thanh tra chuyên ngành, như định nghĩa, giải thích từ ngữ, mục đích thanh tra chuyên ngành gắn với đặc điểm tính chất và yêu cầu quản lý nhà nước chuyên ngành, làm rõ tầm quan trọng để hoàn thiện chế định về thanh tra chuyên ngành trong Luật Thanh tra.

          Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) lại nhất trí thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ. Theo đại biểu, tại Điều 18, đã quy định về việc thành lập thanh tra Tổng cục, Cục là hoàn toàn phù hợp. Việc quy định như vậy sẽ giúp tạo thuận lợi cho thanh tra ngành bao phủ phát huy hiệu quả hoạt động; việc thành lập không làm phát sinh bộ máy, biên chế mới; việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra Tổng cục, Cục đã được Dự thảo Luật quy định rõ cơ chế kiểm soát, hạn chế chồng chéo nhất định.

                                     

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định)

           Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cũng cho rằng, cần thiết tổ chức cơ quan thanh tra trong lĩnh vực thuế, hải quan.  Theo đại biểu, trong lĩnh vực thuế và hải quan, nếu bỏ chức năng thanh tra thì ngân sách nhà nước sẽ có nguy cơ thất thu hàng nghìn tỷ đồng. Đây là nguồn thu lớn và ổn định, bền vững của ngân sách nhà nước. Hiệu quả của thanh tra Cục Thuế, Cục Hải quan tỉnh và khu vực là không phải bàn cãi.

          Đại biểu Nguyễn Hải Dũng nhận thấy dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này đã quy định các cơ quan thanh tra, cục thuộc Tổng cục thuộc Bộ được thành lập theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, với hệ thống của Bảo hiểm xã hội là cơ quan thuộc Chính phủ tương tự như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê nhưng chưa được Luật Thanh tra khẳng định vị trí của Thanh tra Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ năm 2016 đến năm 2021, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm về đối tượng, mức đóng bằng 120% với số tiền truy thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế…

          Bên cạnh đó, Thanh tra bảo hiểm xã hội còn có đóng góp to lớn để bảo đảm việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, xử lý các vi phạm trong đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế kịp thời và nghiêm minh. Chính vì vậy, đại biểu cho rằng cần thiết quy định trong Luật Thanh tra (sửa đổi) về cơ quan thanh tra bảo hiểm xã hội bao gồm ở Bảo hiểm xã hội Việt Nam và ở Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

           Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, theo luật hiện hành, chưa cho phép lập thanh tra tổng cục, cục cuộc Bộ, nhưng luật cho phép Chính phủ xem xét, quyết định, giao cho Tổng cục, Cục thuộc Bộ, thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Đại biểu cho rằng việc thành lập thanh tra chuyên ngành là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho công tác thanh tra, không phát sinh biên chế, tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, không nhất thiết Cục, tổng cục nào cũng cần có thanh tra, mà cần có nguyên tắc cụ thể trong việc thành lập này, giao Chính phủ quy định.

     Về phân định quyền hạn cụ thể giữa thanh tra Bộ và thanh tra tổng cục, cục cuộc Bộ, để rạch ròi nhiệm vụ, quyền hạn tránh chồng lấn, đại biểu cho rằng, nên quy định việc nào thanh tra tổng cục, cục cuộc Bộ, thanh tra chuyên ngành đã thanh tra thì thanh tra Bộ không thanh tra, để hạn chế gây khó khăn cho đối tượng thanh tra, trừ trường hợp có phát sinh mới hoặc nghi vấn tiêu cực của thanh tra trước đó.

                            

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) 

    Về việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa Thanh tra Bộ và Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng)  cho rằng, có 3 góc độ  cần được xem xét khi thiết kế quy định của dự thảo Luật.

      Thứ nhất, để giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước toàn diện về ngành, lĩnh vực, thì kể cả những lĩnh vực đã phân cấp quản lý cho Tổng cục, Cục và ở đó đã thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành, thì Thanh tra Bộ - với tư cách là cơ quan giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra vẫn cần được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành một cách chủ động, toàn diện, bao quát, mà không bị giới hạn bởi phạm vi thanh tra; đồng thời, bảo đảm sự phù hợp với chức năng của Thanh tra Bộ là “giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra”, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về công tác thanh tra của Bộ.

                          

Quang cảnh phiên thảo luận

     Thứ hai,việc giao Thanh tra Bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cần được nhìn nhận ở góc độ mở, là “một thiết chế kiểm soát từ bên ngoài” đối với hoạt động thanh tra của Tổng cục, Cục. Đây sẽ là cơ chế hữu hiệu để thực hiện “kiểm soát quyền lực” ở chính trong nội bộ cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực đó. Thay vì việc thanh tra chuyên ngành chỉ được thực hiện và chỉ dừng lại ở thanh tra của Tổng cục, Cục thì việc giao cho Thanh tra Bộ thực hiện thanh tra chuyên ngành sẽ bảo đảm tính khách quan, chủ động của hoạt động thanh tra; hạn chế được tình trạng “khép kín” của hoạt động thanh tra chuyên ngành.

                  Thứ ba, ở một số lĩnh vực, chẳng hạn như thanh tra công tác quản lý ngân sách đối với các bộ, ngành, địa phương thì chỉ có Thanh tra Bộ Tài chính mới đủ chuyên môn và thẩm quyền để thực hiện; thanh tra thuế, hải quan, kho bạc nhà nước chỉ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đối với các lĩnh vực chuyên môn được giao theo chức năng, nhiệm vụ. Cho nên, việc giao Thanh tra Bộ thực hiện thanh tra chuyên ngành mà không bị giới hạn phạm vi là cần thiết.

                                          Nhiều ý kiến tham gia đối với dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

        Chiều 25-10, báo cáo trước Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15 và đã nhận được sự quan tâm thảo luận của các đại biểu Quốc hội.

Thảo luận về Luật Dầu khí (sửa đổi)

        Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 69 điều (trong đó, có 38 điều sửa đổi, bổ sung nội dung, 22 điều chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản, bãi bỏ 6 điều, bổ sung 11 điều và giữ nguyên 4 điều). Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội tập trung thảo luận về 4 nội dung: điều tra cơ bản về dầu khí; hợp đồng dầu khí; hoạt động dầu khí; chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu và các vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

      Tại cuộc thảo luận, các đại biểu tập trung nêu ý kiến vào  các nội dung như phạm vi, đối tượng điều chỉnh áp dụng luật, chính sách của Nhà nước và dầu khí, ưu đãi trong hoạt động dầu khí, chính sách khai thác tận thu, điều tra cơ bản về dầu khí, lựa chọn nhà thầu về dầu khí, ký kết hợp đồng dầu khí, quyền và nghĩa vụ của nhà thầu, Tập đoàn dầu khí Việt Nam, quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động dầu khí, quy định chuyển tiếp…

                                                                                                                                                            Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông