Niềm vui và hạnh phúc không chỉ thể hiện rõ trên nét mặt của hàng trăm phạm nhân được tha tù trước thời hạn mà còn ở những người thân của họ tại Trại giam Xuân Nguyên, trong Lễ công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước vào ngày 31-8 vừa qua. Con đường trở về của những phạm nhân được đặc xá dường như rộng mở và mang nhiều cung bậc cảm xúc. Tất cả đều khao khát được phục thiện và làm lại cuộc đời...
| Xúc động ngày về |
Những mảnh đời một thời lầm lỗi Mấy ngày liền từ khi biết mình được đặc xá lần này, đêm nào Mạc Ngọc Dương (ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) cũng trằn trọc không ngủ được, chỉ mong sao thật nhanh đến ngày được trở về. Và trong nỗi mong mỏi, khát khao tự do, Dương vẫn luôn day dứt về tội lỗi mà mình đã gây ra… Đó là vào năm 2002, Dương đang là cán bộ quản giáo của Trại giam Hoàng Tiến (cùng ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Trong một lần đưa phạm nhân đi lao động, phát hiện Phạm Văn Dũng (khu 6 phường Hồng Hải, Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) có biểu hiện trốn tránh công việc, Dương đã dùng nhục hình bắt phạm nhân này phải lao động quá sức. Tuy nhiên, việc làm trái ngược với quy định và phẩm cách người cán bộ trại giam của Dương đã làm cho phạm nhân Dũng tử vong. Dương đã phải trả giá cho tội lỗi của mình bằng bản án 20 năm tù. Những tháng ngày trong trại giam đã làm Dương thức tỉnh, quyết tâm lao động, cải tạo thật tốt để sớm trở về với gia đình và xã hội. Dương nhẩm tính chính xác đến từng ngày, khi bị bắt là lúc đứa con trai đầu của Dương mới vừa tròn 1 tuổi. Đến nay sau 10 năm 10 tháng, với 4 lần được giảm án và tha tù trước thời hạn, đứa con trai của Dương đã gần 12 tuổi. Chỉ ra phía ngoài cổng, Dương nghẹn ngào cho biết, ở đó vợ con và gia đình đến từ sáng sớm đang mong ngóng chờ đón anh trở về…
Năm nay 63 tuổi, ông Nguyễn Tiến Nghi (ở Gia Lâm, Hà Nội) là người lớn tuổi nhất trong số những phạm nhân ở Trại giam Xuân Nguyên được đặc xá lần này. Với bản án 8 năm tù về tội Phòng vệ quá giới hạn nhưng Nghi chỉ phải chấp hành 2/3 thời hạn. Tuy nhiên, với nhiều người khi đã qua tuổi lục tuần đều được hưởng an nhàn, vủi vẻ bên cháu con, nhưng ông Nghi thì phải ở trong trại giam lao động, cải tạo. Đây là những tháng ngày dài đằng đẵng, ông Nghi luôn phải sống trong dằn vặt, khổ đau. Ông Nghi thừa nhận, đó là sự trả giá cho bản tính nóng nảy và sự thiếu hiểu biết pháp luật của mình… Được đặc xá lần này còn có Trần Quang Hùng (sinh 1973), chủ quán karaoke Madona số 11 Trần Bình Trọng (quận Ngô Quyền). Ngồi lặng lẽ, trầm tư chen giữa các bạn tù, ít ai biết được rằng trước đó Trần Quang Hùng đã từng một thời “lừng lẫy” với vai trò là “nhà tổ chức” các cuộc “bay”, “lắc” thâu đêm suốt sáng cho dân chơi Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành lân cận. Khi đó là vào những năm 2006 về trước, Hùng cùng vợ là Lê Thị Kim Huyền điều hành tổ chức “động lắc” núp bóng quán karaoke với nhiều thủ đoạn tinh vi. Tất cả “khách” đến yêu cầu “cắn” thuốc và “bay” đều phải có sự đồng ý của ông chủ. Nhà hàng cũng luôn ngụy trang bằng cách đóng cửa chính và đón khách bằng cửa lách. Khi khách đến, nếu trả lời đúng “ám hiệu” thì mới được vào… Khi “động lắc” Madona bị đánh “sập” đã làm rúng động không chỉ thành phố Hải Phòng mà là cả nước lúc bấy giờ. Lực lượng công an bắt quả tang 74 đối tượng đang phê thuốc lắc lư điên cuồng cùng hàng chục viên ma túy tổng hợp, cần sa cùng nhiều loại phương tiện khác… Trần Quang Hùng sau khi bỏ trốn một thời gian đã bị bắt khi chuẩn bị ra sân bay cùng tấm hộ chiếu giả để trốn ra nước ngoài. Khát khao phục thiện Ngồi ôm đứa con trai mới được hơn 2 tháng tuổi trong lòng, Nông Thị Hoa (sinh 1985, ở xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) nước mắt rưng rưng cho biết, sau gần 10 tháng chịu cảnh tù tội, 2 mẹ con Hoa được hưởng ân xá của nhà nước để trở về với gia đình và xã hội… Nghe Hoa kể lại hoàn cảnh của mình mà không ai không khỏi mủi lòng. Chuyện xảy ra từ năm 2003, khi đó trong một lần điều khiển xe máy, Hoa đã gây tai nạn làm chết một người. Việc bồi thường dân sự giữa 2 bên được thống nhất… miệng với nhau.
Mẹ con Hoa ngày ra trại
Tuy nhiên, một thời gian sau phía gia đình người bị hại yêu cầu Hoa phải bồi thường thêm tiền, nếu không sẽ đề nghị xử lý hình sự. Do điều kiện kinh tế quá khó khăn, Hoa không còn khả năng xoay sở đền bù nên buộc lòng phải chịu ra trước vành móng ngựa với bản án 21 tháng tù về tội Vi phạm các quy định về ATGT. Mặc dù vừa mới lấy chồng, lại đang có thai 2 tháng nhưng vì thấy mình cứ phải nặng nề vì món nợ… án sau lần được hoãn thi hành án, cuối cùng Hoa đã quyết định xin được đi trả án để sau đó được thanh thản sống bên chồng con. Vào trại giam được sự quan tâm, tạo điều kiện của cán bộ quản giáo, Hoa vừa cải tạo, lao động nhưng vẫn giữ gìn được sức khỏe. Sau 7 tháng thì Hoa chuyển dạ sinh được đứa con trai kháu khỉnh, khỏe mạnh… Cho đến khi biết tin mình được tha tù trước thời hạn, Hoa đã khóc đến mấy ngày liền vì sung sướng. Ngồi chờ nhận quyết định đặc xá, Đàm Văn Hội (thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) thỉnh thoảng lại đưa tấm ảnh cưới của mình lên xem. Vẻ mặt buồn bã, Hội cho biết vợ chồng Hội mới cưới được 1 năm thì… dính án. Lúc đó vào khoảng tháng 4-2010, vợ chồng Hội nhận được điện thoại của chủ nhà nghỉ Gia Bảo là Đào Thị Liên “đặt hàng” kiếm về cho một phụ nữ còn trinh để bán cho một đại gia đất Mỏ với giá 15 triệu đồng. Nghe thấy số tiền lớn, vợ chồng Hội lóa mắt, lọ mọ lừa được em L.T.S (sinh 1995, ở tỉnh Điện Biên) về “giao” cho khách. L.T.S đã bị đại gia lắm tiền, nhiều của ép buộc cho quan hệ tình dục nhiều lần trong đêm. Khi sự việc bị phát giác, Công an thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã bắt khẩn cấp vợ chồng Hội và Đào Thị Liên vì hành vi độc ác của họ. Hơn 7 tháng sau, cơ quan điều tra cũng bắt được đại gia kia theo lệnh truy nã về tội Hiếp dâm trẻ em. Hội bị xử 7 năm tù và đưa đi lao động cải tạo tại Trại Xuân Nguyên. Còn vợ Hội bị xử 8 năm, đang thi hành án tại Trại giam Tân Lập (Vĩnh Phúc). Trong suốt thời gian lao động, cải tạo, hội luôn chấp hành tốt các quy định nên được xét giảm án và tha tù trước thời hạn. Hội tâm sự, trở về lần này sẽ tìm một công việc chân chính làm ăn, chờ vợ trở về đoàn tụ, tiếp tục cùng nhau xây đắp hạnh phúc gia đình… Những tháng ngày tù tội dường như là cái giá quá đắt cho cô gái mới 23 tuổi. Mang dáng người cao dáo và khuôn mặt hiền lành, Đặng Thị Hải (ở xã Đồng Sơn, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh) tâm sự, cũng vì nghe theo lời rủ rê của kẻ xấu mà Hải đã cả gan lừa cô gái hàng xóm đưa đi bán sang Trung Quốc. Sau khi đã chấp hành được hơn 1 nửa án phạt 7 năm tù, được đặc xá trở về lần này, Hải tự hứa các thầy cô, các bạn là sẽ tìm công ăn việc làm ổn định, chấp hành tốt quy định của pháp luật nhà nước và làm lại cuộc đời, phấn đấu trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Niềm vui của những người được đặc xá cũng là niềm khát khao của những phạm nhân chưa đủ điều kiện đặc xá. Nhìn cảnh bạn tù được về với gia đình, thoát khỏi chiếc áo tù, phạm nhân Đỗ Thị Hoa (sinh 1957, ở ngõ 258 đường Đà Nẵng, quận Ngô Quyền) thụ án hơn 17 năm tù về tội Lừa đảo sử dụng tài sản trái phép đã bộc bạch: “Thấy anh em được trở về mình thấy cũng buồn tủi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có hy vọng được sự quan tâm thông qua các đợt xét giảm án hàng năm”. Chị Hoa muốn gửi lời nhắn nhủ đến anh chị phạm nhân trước đây, sau khi trở về địa phương hãy chấp hành đúng pháp luật, ra sức lao động, làm lại cuộc đời, trở thành một người tốt, đứng lên sau vấp ngã. Còn đối với bản thân mình, chị Hoa cũng tự hứa sẽ cố gắng phấn đấu cải tạo tốt để được hưởng chính sách đặc xá vào các lần sau hoặc được giảm án hàng năm… Không giống với bất kỳ sự trở về nào khác, con đường về lại với cộng đồng của những phạm nhân được đặc xá lần này đang thênh thang rộng mở và mang nhiều cảm xúc. Hơn bao giờ hết, họ đang cần một sự nâng đỡ, một nẻo về để không lạc lối. Tất cả các phạm nhân được đặc xá là những mảnh đời, số phận cũng không giống nhau nhưng họ đều có chung một khao khát phục thiện và ước mơ cháy bỏng cho ngày trở lại làm lại cuộc đời…
Trần Văn |