Nghệ nhân nặng lòng với múa rối

09:23 12/07/2018

Vẳng từ góc nhỏ của làng nghề truyền thống Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo là tiếng trống, nhịp phách rộn ràng… trong một buổi chiều làng quê yên bình. Nơi ấy là sân khấu múa rối mà nghệ nhân dân gian Đào Minh Tuân đã gắn bó cả đời mình. Đến với nghề múa rối một cách tự nhiên rồi cứ thế say nghề, yêu nghề, nghệ nhân dân gian Đào Minh Tuân góp sức không nhỏ trong việc bảo tồn và giữ gìn nghệ thuật truyền thống của quê hương.

Say sưa với con rối

Sinh năm 1958, đến nay đã tròn 60 tuổi nhưng với người làm nghệ thuật, tâm hồn luôn trẻ trung hơn thế. Cũng đã ngót nghét 50 năm anh Tuân bén duyên với nghề rối và cho đến bây giờ vẫn từng ngày cặm cụi, mê say với nó.

Ngay từ nhỏ, Đào Minh Tuân theo học nghề tạc tượng truyền thống của làng Bảo Hà rồi được làm quen với việc đục đẽo những con rối.

Cũng từ đây, chất nghệ thuật cứ ngấm dần trong anh. Anh học chơi nhạc cụ dân tộc từ các nhạc công của phường rối và cùng tham gia biểu diễn rối nước. Khi lớn hơn, anh Tuân được học điều khiển con rối và tự mình tìm tòi, khám phá thêm những bí mật của nghề này.

Nghệ nhân Đào Minh Tuân biểu diễn tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Văn nghệ dân gian Hải Phòng

Năm 1986, anh Tuân được phân công làm trưởng ban văn hóa xã Đồng Minh. Rồi đến năm 1997, người dân trong làng bất ngờ khi anh quyết định thành lập phường rối Minh Tân. Từ đây, hoạt động múa rối của làng Bảo Hà dần được khôi phục sau một thời gian dài bị bỏ quên.

Từ việc đục đẽo những con rối, làm quen với các nhạc cụ, một tay anh Tuân hướng dẫn mọi người làm. Sự nhiệt tình và lòng yêu nghệ thuật đã gắn bó những người nghệ sĩ nông dân lại với nhau.

Phường rối với gần 30 thành viên, hầu hết đều làm nông nghiệp. Sau những giờ lao động, họ lại cùng tập luyện và tham gia biểu diễn. Bỏ qua những gánh nặng cơm áo gạo tiền, có khi anh Tuân và mọi người sẵn sàng gác lại công việc thường ngày để có mặt ở phường rối khi có chương trình, dù chỉ nhận được mức thù lao ít ỏi.

Tiếng lành đồn xa, phường rối Minh Tân dần dần được mọi người biết đến nhiều hơn, với những suất diễn ngày càng đông người xem. Sự bình dị, dân dã cứ thế chinh phục khán giả, nhất là khách du lịch nước ngoài khi về thăm làng Bảo Hà.

Đến năm 2007, anh Tuân chuyển công tác từ ban văn hóa xã lên Đoàn Nghệ thuật múa rối Hải Phòng, làm nghệ sĩ tạo hình. Cùng với đó, phường rối Minh Tân vẫn được duy trì hoạt động. Nhiệt tình, có tâm với nghề và nhiều sáng kiến, anh Tuân không ngần ngại chia sẻ những vốn nghề tự học được ở Bảo Hà cho các đồng nghiệp của đoàn rối Hải Phòng.

Qua bàn tay của nghệ sĩ Minh Tuân, nhiều con rối mới sinh động được tạo dựng với những chất liệu mới, đạt hiệu quả cao hơn cho đoàn. Đến nay, dù đã nghỉ hưu, anh Tuân vẫn tiếp tục say nghề, tham gia cộng tác với Nhà hát múa rối Hạ Long và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam xây dựng nhiều chương trình biểu diễn hấp dẫn và độc đáo.

Trong năm 2018, niềm động viên lớn đến với anh là được xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, nối tiếp cho danh hiệu Nghệ nhân ưu tú đã được nhà nước phong tặng từ năm 2015.

Ngoài góp công cho nghề rối, ít ai biết rằng chính anh Tuân là người phục dựng lại pho tượng đứng lên ngồi xuống ở miếu Bảo Hà mà mọi người đang thấy.

Theo truyền thuyết, 700 năm trước, để tưởng nhớ Linh Lang Đại Vương từng nghỉ qua đêm trên đường hành quân tại Bảo Hà sau đó ban phát tiền gạo cho dân, người trong làng đã lập miếu làm tượng thờ vị vua.

Nhờ nghề điêu khắc kết hợp với nghệ thuật rối cạn mà người xưa đã tạo nên bức tượng vua có thể đứng lên lúc mở cửa và ngồi xuống khi đóng cửa miếu. Qua thời gian, người dân lại cho rằng vua thì không phải đứng lên chào dân, thế là hệ thống máy móc dưới tượng bị phá bỏ.

Cho đến năm 2000, khi được UBND thành phố đồng ý cho phục dựng lại bức tượng, anh Tuân cùng một số người bắt tay vào tìm hiểu kết cấu, tìm ra phương pháp kỹ thuật để nâng hạ tượng. Khi phục dựng xong, miếu Bảo Hà sở hữu trở lại ông tượng đứng lên ngồi xuống độc nhất vô nhị tại Việt Nam, nhờ đó du lịch làng nghề và làng rối tiếp tục được đón nhận.

Trăn trở vốn nghề cổ

Cuộc sống với nhiều biến động kéo theo nhiều thách thức với nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật múa rối nói riêng. Điều này đỏi hỏi những người làm nghề như anh Tuân phải trăn trở tìm tòi sự đổi mới.

Anh Tuân chia sẻ: “Nếu chỉ diễn đi diễn lại một vài tích trò cổ đã quá quen thuộc thì múa rối sẽ không hấp dẫn được khán giả. Duy trì hoạt động múa rối thường xuyên phải có sự đổi mới trên cái cốt là bản sắc của múa rối cổ”.

Nghệ nhân Đào Minh Tuân (ở giữa) cùng các đồng nghiệp Đoàn Nghệ thuật múa rối Hải Phòng

Tâm niệm đó đã thôi thúc anh Tuân cùng các đồng nghiệp ở phường rối Minh Tân và đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng không ngừng sáng tạo. Nhiều phương pháp tạo hình, biểu diễn mới được áp dụng cho cả rối nước và rối cạn.

Trong các buổi biểu diễn của Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm thanh, ánh sáng theo phong cách hiện đại với phần biểu diễn linh hoạt của các con rối được tạo hình theo kiểu mới đã thu hút được khán giả đến tận những tiết mục cuối cùng. Cách dàn dựng tiết mục, sắp xếp kịch bản cũng giữ vai trò quan trọng.

Khán giả xem múa rối ấn tượng với nhiều hoạt cảnh do anh Tuân và Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng hoặc phường rối Bảo Hà xây dựng. Những vở diễn như “Múa tứ linh”, “Lân mẹ sinh lân nhi”, “Trảy hội”, “Du xuân”… luôn tạo ấn tượng mạnh với khán giả. Ngoài ra, chính anh Tuân cũng học hỏi và lồng ghép trong các buổi biểu diễn những màn múa rối dây của Malaysia hay Ấn Độ rất sinh động: “Vũ điệu la tinh”, “Chú hề đi xe đạp”…

Sự kết hợp giữa nghệ thuật múa rối cổ truyền thống với nghệ thuật múa rối hiện đại bằng cách xây dựng các nhân vật gần gũi với thiên nhiên như chú ếch xanh, con ong, con sóc… hay các nhân vật hoạt hình như: Pokemon, Báo hồng Pink, chuột Mickey… đã cuốn hút được các em nhỏ say sưa với mỗi chương trình biểu diễn.

Yêu trẻ con và đam mê nghệ thuật múa rối, những ngày hè này, anh Tuân cùng phường rối Minh Tân lại miệt mài mang các chương trình đi biểu diễn ở khắp nơi. Được biểu diễn cộng tác nhiều nơi trong cả nước là niềm vui lớn đối với anh và cả phường rối. Không muốn để nghệ thuật truyền thống xa rời khán giả, anh Tuân còn tích cực dạy nghề cho các thế hệ kế cận.

Gắn bó cả đời người với những con rối ngộ nghĩnh và bây giờ đang tập trung cho công tác bảo tồn, truyền dạy nghề, nghệ nhân Đào Minh Tuân cũng mong muốn nghề rối tại Hải Phòng sẽ được quan tâm đúng mức để vốn cổ tiếp tục được lưu giữ cho mai sau, để nghệ thuật rối cổ truyền được sống mãi với thời gian.

Huyền Trâm

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông