16:27 19/10/2013
Là con người sinh ra trên cõi đời, ai cũng thiết tha được sống và mưu cầu hạnh phúc. Thế nhưng, có những người chót lỡ sa chân mắc sai lầm giữa làn ranh của cái thiện và cái ác, họ phải trả giá đắt bằng chính mạng sống của mình. Bước vào phòng biệt giam, đôi chân mang xiềng xích chờ ngày thi hành án, điều duy nhất để những tử tù bấu víu, nương tựa trong quãng đời ngắn ngủi còn lại của mình là những người quản giáo trực tiếp trông coi họ… Nghề đặc biệt Tại trại giam CATP Hải Phòng tại thời điểm này có 22 tử tù đang chờ thi hành án. Trong số đó, có những tử tù sống trong phòng biệt giam đã gần 6 năm, còn người mới nhập buồng thì được vài tháng. Mỗi người một hoàn cảnh, một tình huống phạm tội khác nhau song tất cả họ đều gánh chung một án tử đang treo lơ lửng trên đầu. Vẫn biết rằng, lỗi lầm nào cũng phải trả giá, đó là lẽ đời, nhưng có gần gũi, tiếp xúc với những con người vắn số này trong quãng ngày cuối đời, những người quản tử tù mới hiểu và thông cảm được cái cảm giác được khao khát sống, khao khát hoàn lương của họ. Vẫn biết rằng, sự khao khát, ăn năn ấy đều đã quá muộn màng... Trung uý Cao Văn An, Tổ trưởng tổ quản giáo buồng riêng là một trong 4 cán bộ được phân công quản lý 22 tử tù đang chờ ngày thi hành án. Công việc hàng ngày của anh và đồng nghiệp không đơn giản chỉ là đóng hoặc mở cửa buồng giam. Ít ai hiểu về công việc âm thầm nhưng vất vả và không ít căng thẳng này khi phải tiếp xúc với những con người chuẩn bị về với thế giới bên kia. Hiểu đặc thù công việc được giao, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đối với anh và đồng nghiệp, điều quan trọng nhất là phải nắm bắt diễn biến tâm lý của từng tử tù ở buồng riêng để có biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp. Theo anh An, công việc này còn bận rộn hơn nuôi con mọn, cán bộ quản giáo phải cắt cử thay phiên nhau trực 24/24 tại các buồng giam, không kể ngày nghỉ hay lễ, tết. Do đó, anh em trong đội hầu như không có thời gian dành cho gia đình. Trong những tử tù anh trông coi tại Trại giam Công an thành phố, có không ít thành phần bất hảo, tâm lý thay đổi thất thường như thời tiết, nay thế này, mai đã thế khác nhưng theo anh thì không phải tử tội nào cũng là ác nhân. Nhiều người có hoàn cảnh éo le, chỉ vì một phút không làm chủ được bản thân dẫn đến hành động điên cuồng, trở thành tội đồ của gia đình và xã hội. Được chứng kiến những ngày sống cuối cùng của nhiều tử tù, anh An luôn lắng nghe những tâm sự từ tận đáy lòng của không ít tử tù, để rồi ngày thi hành án, họ có thể nói lời chào vĩnh biệt đỡ buồn đau hơn. Đối với những tử tù thì bóng tối đã trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí. Vậy nên, đa số tử tù đã thay đổi đồng hồ sinh học, ngủ ngày thức đêm. Bởi tất cả họ đều thấp thỏm, lo sợ không biết rằng, qua đêm nay, ngày mai họ có cònnhìn thấy ánh sáng? Cuộc sống của họ còn tiếp diễn hay kết thúc lúc nào, họ không được báo trước. Tất cả là sự lo sợ ngày cuối cùng của đời mình đang đến rất gần. Họ phải đền tội cho những sai lầm đã gây ra. Chẳng ai trong số họ bình thản để đón nhận cái chết. Tình người nơi cửa ngõ cái chết Trước khi công tác tại trại giam Công an thành phố, anh An đã có quãng thời gian dài công tác tại Trại giam Xuân Nguyên. Anh biết rằng, ở trại cải tạo, những phạm nhân có án số còn có cơ hội được trở về gia đình, còn đối với những con người sống trong buồng biệt giam này, cuộc đời họ đã đóng kín. Tiếp xúc với những “số phận đặc biệt” này, mỗi một mảnh đời đều để lại trong cán bộ quản giáo một nỗi niềm riêng. Có những tử tù đau khổ đến tột cùng, muốn được thi hành án sớm, lại có những tử tội nuối tiếc cuộc đời, thèm được sống đến cuồng dại. Cũng có những tử tội lại điên loạn, không kiểm soát được hành vi, quyết liệt chống đối cán bộ quản giáo… Trong số ấy, phải kể đến tử tù Lại Văn Ghi, 45 tuổi, ở huyện Thủy Nguyên, phạm tội giết người. Theo tài liệu điều tra, chiều tối 16-11-2012, Ghi thủ con dao bầu vào trong áo rồi tới nhà chị Tô Thị U (là người yêu cũ của Ghi), ở thị trấn Minh Đức, Thủy Nguyên để nói chuyện. Sau một hồi van xin chắp nối lại tình cảm không được, Ghi đã lạnh lùng xuống tay sát hại chị U. Sau ngày đó, Ghi bị bắt và lĩnh án tử hình. Cuộc đời như thế đối với Ghi là dấu chấm hết. Đau đớn hơn, từ ngày vào trại, sống trong buồng biệt giam, không một người thân trong gia đình ngó ngàng tới y. Thời gian đầu, ở buồng biệt giam, Ghi luôn im lặng, lì lợm, cán bộ quản giáo có nói gì, hắn cũng chỉ gật hoặc lắc đầu. Sau đó, hắn yêu sách đủ điều, nếu không được đáp ứng thì quay ra chống đối. Điển hình, vào cuối tháng 12-2012, Ghi nổi loạn, cản trở không cho dọn vệ sinh buồng giam khiến mùi xú uế bốc nồng nặc. Khi được hỏi nguyên nhân không cho dọn về sinh, Ghi bảo đó là việc của hắn, không phải do người khác và dứt khoát không cho dọn. Có lần đích thân cán bộ quản giáo phải vào dọn buồng giam của Ghi... Có lần, Ghi còn tích xú uế, rồi thẳng tay hất về phía cán bộ đang mở cửa để kiểm tra buồng giam. Không ít lần Ghi chửi bới, lăng mạ cán bộ với những lời lẽ thậm tệ. Còn đối với tử tội Hồ Xuân Phú, những ngày đầu sống trong buồng biệt giam, hắn hoảng loạn tinh thần, lúc thì cười, lúc lại khóc như trẻ con. Có lần cả trại giam mất điện, hắn sợ bóng tối bao quanh nên đã gào thét làm náo loạn cả khu biệt giam, đòi cán hộ quản giáo phải mắc riêng đường điện vào phòng của hắn. Sau khi được cán bộ giải thích, tử tù Phú đã ổn định tâm lý và chấp hành nội quy của trại. Trường hợp tử tù Nguyễn Dũng Giang, một kẻ giết người không ghê tay, mặc dù đã có đủ chứng cứ buộc tội nhưng khi đã nhận án tử, hắn còn tỏ ra oan ức, sống bất cần đời nên có những hành động chống đối lại cán bộ quản lý… Lại có những tử tù như Lê Xuân Trường, sinh 1982, ở Minh Đức, Thủy Nguyên, sống gần 7 năm sống trong cảnh , Trường đã muốn “đi” sớm để cõi lòng được thanh thản. Vậy nên đã 3 lần Trường tìm đến cái chết nhưng đều được cán bộ quản giáo phát hiện kịp thời. Đã nhiều lần y xin cán bộ giấy viết đơn gửi cấp trên để mong thi hành án sớm. Hiểu được tâm lý của tội đồ này, anh An cùng cán bộ quản giáo thường xuyên nói chuyện với y về gia đình, vợ con ngoài xã hội và động viên hắn. Được sự động viên kịp thời, Trường đã hết bi quan, chấp hành tốt nội quy của trại giam. Những ngày cuối cuộc đời, Trường giành thời gian viết nhật ký để gửi cho đứa con trai đang sống cùng vợ, chỉ mong sao con không mắc phải sai lầm như cha và trở thành người công dân tốt… Đối với những tử tù có diễn biến tâm lý bất ổn, cán bộ quản giáo luôn lắng nghe để thấu hiểu và đối xử với tử tù bằng cái tâm của con người với con người để có những biện pháp giáo dục thuyết phục hiệu quả, giúp tử tù biết quý trọng những giây phút còn lại của cuộc đời. Cán bộ quản giáo luôn áp dụng phương châm “lạt mềm buộc chặt” và luôn dành cho họ chút hơi ấm tình người, tình đồng loại. Bởi các anh hiểu rằng, con người ta trong ranh giới mong manh giữa sống và chết, họ không còn gì để mất nên tỏ ra bất cần đời, rơi vào bước đường cùng. Sau khi được giáo dục, thuyết phục đã không còn sự cuồng loạn, mà thay vào đó là sự ăn năn, hối hận và day dứt muộn màng. Đó là công sức âm thầm của những quản giáo tử tù. |