Ngũ linh từ ở Tiên Lãng - di tích nào là chính xác?

17:26 08/08/2011

Bên cạnh “Tứ bất tử”, người Việt xưa còn có tục thờ “Ngũ linh từ”, mà điển hình là “Ngũ linh từ” ở Tiên Lãng và “Ngũ nhạc linh từ” ở Côn Sơn - Hải Dương...
Bên cạnh “Tứ bất tử”, người Việt xưa còn có tục thờ “Ngũ linh từ”, mà điển hình là “Ngũ linh từ” ở Tiên Lãng và “Ngũ nhạc linh từ” ở Côn Sơn - Hải Dương...

“Ngũ nhạc linh từ” ở miền địa linh Côn Sơn, bao gồm: đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Chu Văn An, đền thờ Khúc Thừa Dụ và Văn miếu Mao Điền đã được người đời mặc nhiên thừa nhận. Trong khi đó, “Ngũ linh từ” ở Tiên Lãng còn có những nhận thức mơ hồ trong dân gian. Thậm chí trên phương tiện thông tin đại chúng, có tác giả khẳng định “Ngũ linh từ” gồm 5 ngôi đình, đền thiêng nên xếp cả đình Cựu Đôi (thị trấn Tiên Lãng) vào hàng “Ngũ linh từ”. Không biết dựa vào tài liệu nào, có tác giả cho rằng: “Theo tương truyền, lễ rước Ngũ linh từ bắt đầu từ việc rước thánh từ các làng có 5 ngôi đình, đền thiêng (đền Để Xuyên (xã Đại Thắng), đền Hà Đới (xã Tiên Thanh) thờ Trần Quốc Thành, đền Gắm (xã Toàn Thắng) thờ Ngô Lý Tín, đền Kinh Sơn (xã Đoàn Lập) thờ Kim Cương Sơn, đình Cựu Đôi (thị trấn Tiên Lãng) thờ Đào Linh Quang) về tập trung tại đình Cựu Đôi để lập đàn tế cầu mưa...

 Học giả người Pháp là L.Cadièxe khi nghiên cứu về tôn giáo tín ngưỡng của người Việt đã từng cảm thấy bất lực trước hiện tượng nhiều chiều hướng của tư duy dân gian Việt khiến ông bị “bồng bềnh trong ảo giác”, như lạc vào một vùng “rừng rậm nhiệt đới” không tìm thấy lối ra, cũng như không có nút khởi đầu. Có lẽ, đây cũng là cảm giác của những người dụng tâm tìm hiểu về “Ngũ linh từ” - tức 5 ngôi đền thiêng ở Tiên Lãng.

Dựa vào truyền ngôn dân gian: “Thứ nhất đền Bì, thứ nhì đền Gắm” và bản khai hồ sơ thần tích của làng vào năm 1938, chúng tôi mặc nhiên thừa nhận “Ngũ linh từ” ở huyện Tiên Lãng xưa gồm: đền Bì Tử Đôi; đền Bì Vân Đôi (đền Tử Đôi và đền Vân Đôi đều nằm bên đầm Bì nên đều có tên gọi là đền Bì) đều thuộc xã Đoàn Lập; đền Gắm (xã Toàn Thắng); đền Hà Đới (xã Tiên Thanh), đền Để Xuyên (xã Đại Thắng).

Đền Bì (còn gọi là đền Long Bì), tên chữ là Tử Đôi, thuộc địa phận thôn Tử Đôi xã Đoàn Lập. Theo các tác giả sách “Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng” thì đình, đền, miếu, nghè thờ 3 vị thành hoàng, phúc thần, gồm: Đại Đồng, tên huý là Chuẩn, sinh ngày 14-2, hoá ngày 11-11, hiển thánh ngày 13-11, có công giúp vua Hán Thiên (?) đánh Chiêm Thành; Bạt Hải, tên huý là Hải, sinh ngày 15-2, hoá ngày 15-11, có công giúp vua Lê Đại Hành đánh Tống; Vệ Đàn, tên huý là Đàn, không rõ ngày sinh, hoá ngày 7-4, đỗ Tiến sĩ đời Lê Tương Dực, làm quan đến chức Thượng thư Bộ Hình.

Cả ba đều được thờ bằng bài vị và ngai. Vị Đại Đồng được thờ ở đình, vị Bạt Hải ở Nghè, vị Vệ Đàn ở miếu. Theo hồ sơ thần tích, “đền Ngài là một trong 5 đền “Ngũ linh từ” ở huyện hạt, khi nào có hạn hán thì đảo vũ ở đền Ngài. Đình trước là trường học của Ngài, nghè trước là chỗ Ngài đón đồn, miếu trước là gò”. Chính các tác giả “Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng” đã thừa nhận không rõ “Ngài” là ai trong bản khai trên. Theo chúng tôi thì “Ngài” ở đây chính là vị Bạt Hải, vì những lý do sau đây: tên hiệu Bạt Hải xem ra gần gũi với tục đảo vũ cầu mưa hơn; được thờ ở nghè Tử Đôi mà nghè là tên gọi khác của từ...

Đền Bì, tên chữ là Vân Đôi (còn gọi là đền đá Kinh Sơn hay Canh Sơn), thuộc thôn Vân Đôi, xã Đoàn Lập. Cũng theo “Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng” thì đền Bì - Vân Đôi thờ thần Kinh Sơn, có công đánh giặc Thục. Theo bản khai thần tích năm 1938, “đền Ngài là một trong ngôi đền Ngũ linh ở huyện, tục gọi là đền Bì và là chính đền của hàng huyện đảo vũ”.

Đền Gắm tên chữ là Cẩm Khê, thuộc địa bàn xã Toàn Thắng. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “ Đền Thống lĩnh họ Ngô ở xã Cẩm Khê, huyện Tiên Minh. Thần họ Ngô, tên Lý Tín, quê ở Sơn Nam, làm quan ở triều Lý Cao Tông, được phong thượng tướng quân, đem quân thuỷ bộ đi tuần bắt giặc, lại làm đô đốc đem quân đi đánh Ai Lao, được thăng Thái phó, lãnh Hậu thống hải. Khi đến xã Cẩm Khê thì chết do bị đắm thuyền, người trong xã lập đền thờ. Thuyền bè đi lại cầu đảo thường linh ứng.

Thần Ngô Lý Tín được thờ bằng ngai và bát hương ở miếu và đình, sau thờ ở đền Gắm; cũng thờ ở làng Lệ Cẩm cùng tổng (trước năm 1901, Lệ Cẩm thuộc xã Cẩm Khê)”. Theo bản khai thần tích năm 1938 của chức dịch làng Cẩm Khê thì: Ngô Lý Tín quê ở trang Vĩnh Đồng, huyện Khoái Châu, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Cha là Ngô Huy Hiếu, mẹ là Đào Thị Phức, Ngô Lý Tín sinh ngày 20-1 năm Bính Ngọ. Thuở nhỏ theo học chữ Hán một thầy dạy nổi tiếng ở vùng Kính Chủ (Kinh Môn, Hải Dương). Năm 18 tuổi, cha mẹ lần lượt qua đời. Sau khi mãn tang ông tìm về trang Cẩm Khê, huyện Bình Hà (nay là thôn Cẩm Khê, xã Toàn Thắng, Tiên Lãng) sinh sống bằng nghề dạy học.

Vào những năm cuối triều Lý, nhân loạn lạc, nhà vua có chiếu cầu hiền, Ngô Lý Tín xin ứng mộ, đem theo 30 người trang Cẩm Khê làm gia thần, lập nhiều công lớn. Tương truyền, nghe tin Thái phó Phụ chính Ngô Lý Tín qua đời và được nhân dân trang Cẩm Khê, huyện Bình Hà an táng chu đáo, vua Lý Cao Tông lấy làm thương tiếc, sai người đem 500 lạng vàng và 1.000 lạng bạc cho bản trang xây linh từ phụng thờ trên nền sinh phần của ông.

Về đền Để Xuyên, theo “Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng”, trước năm 1945, làng Để Xuyên thuộc tổng Đại Công, nay là một thôn của xã Đại Thắng. Đình Để xuyên thờ 5 vị thành hoàng: Duy Ninh, Nam Hải, Xa Lâu, Đống Thung, Á Thành Hoàng Thuỵ. Cả 5 vị đều không rõ sự tích, chỉ biết ngày sinh (10-1), hoá (6-11) và ngày hiển thánh của một trong 5 vị thời Hậu Lê có công dẹp giặc, chiêu dân lập ấp, được xem là đệ nhất Ngũ linh từ, mỗi khi huyện Tiên Minh xưa bị khô hạn thì hàng huyện cầu đảo đều được linh ứng. Cả 5 vị đều được thờ bằng long ngai.

Sách “Đồng Khánh dư địa chí” chép: xã Để Xuyên có đền thờ Trang Định Vương, con vua Trần, do cùng Trần Phế đế diệt Hồ Quý Ly nên bị hại. Theo chúng tôi, các tác giả “Từ điển địa danh Hải Phòng” đã có sự nhầm lẫn khi cho rằng đình Để Xuyên đứng vào hàng thứ nhất của “Ngũ linh từ”. Chúng tôi cho rằng đền Để Xuyên thờ Trang Định Vương mới được xếp vào hàng “Ngũ linh từ”.

Đền Hà Đới (còn gọi là đền Trần Tông Thất hay đền Hà), thuộc xã Tiên Thanh, thờ Thượng tướng Trần Quốc Thành. Ông thuộc dòng dõi tôn thất nhà Trần, ở Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc (nay thuộc thành phố Nam Định). Trần Quốc Thành là con ông Trần Thuỵ Trung và bà Trần Thị Tình. Năm 18 tuổi, Trần Quốc Thành giữ chức Đô chỉ huy sứ, theo Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên ở bến Chương Dương, cửa Hàm Tử, từng đóng quân ở trang Hà Đới để tuyển thêm dân binh và huy động lương thực.Về sau Trần Quốc Thành giữ chức trấn thủ lộ Kinh Bắc, khi ông mất dân làng Hà Đới lập đền thờ trên nền nhà cũ của ông (thực ra là trên nền quân doanh). Ngoài ra, đền Hà Đới còn thờ Băng Ngọc công chúa, không rõ sự tích (các tác giả “Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng” ngờ là vợ Trần Quốc Thành).


TRẦN PHƯƠNG


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông