19:28 09/08/2017 Công tác ở môi trường luôn phải tiếp xúc với những kẻ từng “chọc trời, khuấy nước” ngoài xã hội nhưng các cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Thái Bình luôn tâm niệm: giúp cho một phạm nhân quay đầu hướng thiện là cứu rỗi thêm một phận đời lầm lạc. Bằng những việc làm âm thầm, lặng lẽ theo cách riêng của mình, các anh, các chị thực sự là những người dẫn lối về cho biết bao kẻ một thời đã nhúng chàm tội lỗi…
Gột bỏ được tật xấu của một người bình thường đã khó, cảm hóa, giáo dục can phạm nhân lại càng khó bội phần, bởi để họ nhận thức đúng về tội lỗi đã gây ra, sự nghiêm minh của pháp luật nhằm khơi dậy “tính bản thiện” trong họ là điều không dễ dàng. Ngoài ý chí thép, những cán bộ quản giáo còn phải có một trái tim nhân hậu.
Phạm nhân Nguyễn Văn Phan, 45 tuổi, quê xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình bị án phạt 4 năm tù. Những ngày đầu cải tạo, Phan tỏ ra bất cần, không chấp hành nội quy của trại. Hiểu được tâm lý phạm nhân, các cán bộ quản giáo đã quan tâm, động viên Phan từng ngày. Biết Phan chưa biết chữ, cán bộ quản giáo - Đại úy Nguyễn Xuân Oanh, đã tranh thủ ngoài giờ trực dạy Phan tập đọc, tập viết.
Đại úy Nguyễn Xuân Oanh cùng đồng đội dạy nghề cho phạm nhân
Ngày một rồi ngày hai, từ sự kiên trì, nhẫn nại của thầy, Phan đã viết và đọc được tên của mình, đọc được báo tại thư viện của Trại tạm giam. Dẫu phải chậm chạp đánh vật với từng con chữ, song với Phan đó là hạnh phúc vô bờ mà trước đó thân phận một tội nhân không bao giờ dám nghĩ tới.
Cách nào để cảm hóa tốt nhất từng can, phạm nhân khi họ mới nhập trại luôn là đề bài hóc búa mà mỗi cán bộ quản giáo ở đây luôn trăn trở, tìm tòi câu trả lời. Và để có giải pháp đúng, các anh, các chị đặc biệt tuân thủ một phương châm. Đó là, trước hết phải “giải mã” cho được những đặc tính tâm lý riêng của từng can, phạm nhân.
Với họ, tuy mỗi cuộc đời, hoàn cảnh khác nhau nhưng có chung một quá khứ lầm lỗi nên không thể giáo dục, cảm hóa theo cách thông thường. Cũng chính vì thế, công việc hàng ngày của những cán bộ quản giáo là vô cùng căng thẳng, vất vả, đầy áp lực.
Cũng như nhiều trại giam khác trong cả nước, Trại tạm giam Công an tỉnh Thái Bình là đơn vị quản lý, giam giữ và giáo dục can phạm nhân thuộc đủ mọi thành phần như: Giết người, trộm cắp, ma túy, cướp tài sản... Trong đó, số can phạm nhân nhiễm HIV chiếm 10%. Nhiều đối tượng có biểu hiện chống đối, bất cần, bất chấp nội quy, quy định của Trại, thậm chí chống trả quyết liệt khi bị xử lý sai phạm.
Khó khăn, thách thức là vậy nhưng tập thể CBCS của đơn vị vẫn nhẫn nại, kiên trì, điều chỉnh các hành vi sai trái của can phạm nhân, nắm bắt tâm lý, tình cảm để từ đó uốn nắn, cảm hóa họ trở thành người có nhận thức đúng đắn, biết phục thiện.
Cũng từ đây, bài học giản dị nhất mà cán bộ quản giáo - những “người thầy” của Trại tạm giam - Công an tỉnh thường dạy cho các “học trò” đặc biệt của mình là bài học về cách gấp chăn, màn, cách sắp xếp và bố trí gian phòng của mình cho gọn gàng sạch sẽ. Đây chính là một “liệu pháp” về ý thức cho những người tù để giúp họ sau này trở về với xã hội sẽ “sạch sẽ”, “ngăn nắp”, “quy củ”… trong lối sống. Cùng với đó là “liều lượng lớn” của những lời động viên để họ yên tâm cải tạo, chuẩn bị hành trang, kiến thức sớm hòa nhập với cộng đồng.
Hàng năm, trung bình số bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân cải tạo trong Trại tạm giam Công an Thái Bình là trên 300 người. Riêng năm 2015 - 2016, đã có 19 trường hợp được đặc xá trở về với gia đình và xã hội, 72 trường hợp được giảm án do cải tạo tốt.
Có rất nhiều hoàn cảnh khác nhau dẫn đến phạm tội nhưng tất cả can, phạm nhân đều chỉ có chung một lối về sớm nhất, nhanh nhất - đó là sự tích cực cải tạo tốt để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, vững vàng đứng dậy sau vấp ngã, trở lại với cuộc sống lương thiện.
Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là sự thôi thúc từ trái tim của những cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Thái Bình - những “người thầy” vẫn trông mong từng giờ, từng ngày vào học trò “đặc biệt” của mình.
Bình Vân