Nguy cơ cháy, nổ, các biện pháp phòng ngừa tại các thư viện

    13:10 04/12/2024

    Là nơi lưu trữ, bảo tồn những giá trị văn hóa của nhân loại, dân tộc, thư viện giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình truyền bá tri thức từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng những năm gần đây, tình hình cháy nổ diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.

    Các thư viện là một trong những nơi chứa nhiều chất dễ cháy, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Nguy hiểm hơn, nếu cháy nổ xảy ra ở các thư viện thì đám cháy sẽ phát triển rất nhanh gây thiệt hại lớn về người và tài sản, thậm chí có tài sản thiệt hại là vô giá và không có cách nào lấy lại được. Vậy làm thế nào để phòng ngừa cháy nổ đạt hiệu quả tốt nhất, kéo giảm đến mức tối đa nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra tại các thư viện?!

    Hiện nay, hệ thống thư viện của nước ta được phát triển rộng khắp các tỉnh, thành từ trung ương đến cơ sở, trong các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương…

    Tại các thư viện lưu trữ chủ yếu là sách, báo, phim, ảnh, DVD, bàn ghế, tủ mục lục, giá đỡ… Đây đều là các chất dễ cháy được sắp xếp trên các giá đỡ hoặc được bảo quản trong các hòm, tủ với số lượng lớn. Đáng chú ý, tại phòng đọc của các thư viện thường sử dụng nhiều vật dụng cách âm như: cao su, mút, xốp,…

    Chúng đều là các vật liệu dễ cháy và khả năng gây cháy lan cao. Bên cạnh đó, là hệ thống dây điện, đèn chiếu sáng và hệ thống các máy tính tra cứu, truy cập Interner tốc độ cao hoạt động với công suất lớn và trong thời gian tương đối dài.

    Do đó, các thư viện là một trong những địa điểm tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Chỉ cần sơ ý quên tắt công tắc, ngắt cầu dao điện trong kho tài liệu, phòng làm việc hay phòng máy tra cứu, phòng truy cập Internet sau giờ làm việc. Hay sơ suất trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt như hút thuốc, thắp hương thờ cúng, đốt nến…

    Hoặc do mưa bão, gây ẩm ướt hệ thống điện dẫn vào thư viện; sét đánh khi công trình không có hệ thống bảo vệ chống sét hoặc do cọ sát cơ học của tài liệu (các tài liệu xếp sát cạnh nhau, ánh nắng chiếu thẳng vào khiến nhiệt độ cao dẫn đến hiện tượng tự bốc cháy)... đều có thể gây ra sự cố cháy nổ, dẫn đến khả năng cháy lan, đám cháy phát triển mạnh tại các thư viện.

    Đã vậy, nhân viên làm việc trong các thư viện chủ yếu là nữ giới. Nếu không may sự cố cháy nổ xảy ra, đa số nữ nhân viên thường hay mất bình tĩnh, dẫn đến tâm lý hoảng loạn, gặp khó khăn trong công tác chữa cháy, cứu tài liệu cũng như thoát nạn khỏi nơi hoả hoạn.

    Trước thực trạng đó, cơ quan chức năng khuyến cáo các thư viện phải có những biện pháp phòng chống cháy, nổ hợp lý, hiệu quả nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ cháy, nổ xảy ra. Trong đó, cần chú trọng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy cho chính cán bộ làm công tác thư viện. Tuyệt đối không đun nấu, thắp hương, thắp nến, không sử dụng bàn là, lò sấy, lò sưởi trong kho.

    Tắt tất cả nguồn điện trước khi rời khỏi phòng làm việc. Việc bố trí các kho, hệ thống điện, máy móc, trang thiết bị và hệ thống phòng chống cháy, nổ phải liên quan chặt chẽ với nhau. Cần lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động bên trong tòa nhà; quản lý, bảo dưỡng đảm bảo hệ thống này hoạt động tốt nhằm kịp thời phát hiện, chữa cháy hiệu quả.

    Trang bị đầy đủ những dụng cụ chữa cháy cần thiết như bình chữa cháy (bình bọt, bình khí CO2, bình bột); đặt ở những vị trí dễ thấy, dễ lấy. Cửa kho phải chắc chắn, có khoá tốt. Khoảng cách các giá sách và lối đi trong kho phải bảo đảm đúng quy định. Lối đi ngoài kho phải đủ điều kiện cho phương tiện chữa cháy hoạt động dễ dàng, tiếp cận được nơi xảy ra cháy. Ngoài nguồn nước phục vụ sinh hoạt, cần lắp hệ thống cung cấp nước chữa cháy.

    Hệ thống điện phải được thiết kế đúng tiêu chuẩn PCCC, có cầu dao chung cho toàn bộ toà nhà và cầu dao riêng cho mỗi tầng. Trang bị ổn áp để tránh hiện tượng gây cháy, nổ do quá dòng, quá áp. Cần có cột thu lôi chống sét trên trần cao nhất của toà nhà...

    Mặt khác, các thư viện cần niêm yết các biển cấm hút thuốc, cấm lửa. Lập sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn niêm yết từng khu vực, các biển chỉ dẫn và đèn chiếu sáng sự cố đảm bảo hoạt động tốt, đáp ứng yêu cầu công tác chữa cháy, thoát nạn. Thành lập, duy trì, phát huy hiệu quả thiết thực của các Tổ PCCC tại các thư viện; tăng cường kiểm tra an toàn PCCC vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ. Thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng PCCC, CNCH tại các thư viện…

    Bình Huệ

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông