Nguy hiểm dị vật đường thở bị bỏ quên ở trẻ

    11:07 29/09/2017

    Đến nay, chị Dư Bảo Ngọc, trú tại thôn Hoàng Lâu, xã Hồng Phong, huyện An Dương, mẹ của cháu Bùi Đức Trung 18 tháng tuổi vẫn chưa hết bàng hoàng dù con trai chị đã qua cơn nguy kịch, được xử trí gắp dị vật kịp thời tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.

    Cháu Bùi Đức Trung được chuyển vào Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng với biểu hiện ho khò khè, thở nhanh, thiếu oxy. Qua khai thác ban đầu, gia đình khẳng định cháu hoàn toàn không bị sặc thức ăn hay nuốt phải vật lạ. Chụp X-quang phổi các bác sĩ Khoa Hô hấp cũng không phát hiện hình ảnh của dị vật. Loại trừ khả năng hóc dị vật, cháu Trung được chẩn đoán bị viêm tiểu phế quản bội nhiễm và được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu và khoa hô hấp của bệnh viện.

    Tuy nhiên trong quá trình điều trị, diễn biến bệnh của cháu Trung ngày càng phức tạp, không đáp ứng phác đồ điều trị. Lúc này, các bác sĩ Khoa Hô hấp không loại trừ khả năng cháu Trung có dị vật bị bỏ quên từ lâu mà gia đình không biết nên quyết định thực hiện nội soi phế quản ống mềm. Điều đáng mừng, nhờ can thiệp kịp thời, các bác sĩ đã phát hiện và gắp ra một hạt na đã bị bỏ quên lâu ngày tại đường thở của bệnh nhân. Xung quanh vị trí hạt na khu trú có nhiều viết loét trợt kèm giả mạc bao bọc. Hiện tại cháu Bùi Đức Trung đã hồng hào, tươi tỉnh hơn trước rất nhiều, ăn cơm bình thường và tiếp tục được điều trị phục hồi để xuất viện trong vài ngày tới.

    Cháu Bùi Đức Trung đang được điều trị phục hồi tại khoa hô hấp, chờ xuất viện trong vài  ngày tới

    Ths.Bs CKII Hoàng Ngọc Anh, trưởng Khoa Hô hấp Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết dị vật đường thở thường gặp ở trẻ nhỏ, có những trường hợp có biểu hiện rõ ràng nhưng cũng có trường hợp trẻ tự vượt qua được, không gặp nguy hiểm ngay lúc đó nên cha mẹ không hay biết cho đến khi triệu chứng đã rất nặng mới được đưa đi cấp cứu. Trong thực tế, những trường hợp dị vật bị bỏ quên như cháu Bùi Đức Trung gặp nhiều khó khăn trong chẩn đoán do gia đình không cung cấp đủ thông tin do không biết cháu bị hóc, sặc từ khi nào. Vì vậy khi gây mê tại chỗ và nội soi ống mềm, sẽ phát hiện ra dị vật nếu có và dùng các dụng cụ thích hợp để gắp ra. Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng đã từng gắp ra cả một chiếc sim điện thoại, chân sạc pin trong đường thở của bệnh nhân. Đầu năm 2017, một ca bệnh mắc xương cá bị bỏ quên lâu ngày trong đường thở cũng đã được gắp ra kịp thời.

    Dị vật trong đường hô hấp khi chưa được gắp ra thường gây viêm phổi, áp xe phổi, xẹp thùy phổi do tắc nghẽn đường hô hấp và mủ ứ động ở các nhánh của phế quản dưới chỗ tắc nghẽn, nặng hơn gây viêm loét lâu ngày, làm thương tổn nặng, ho ra máu, tràn khí màng phổi… Bác sĩ Ngọc Anh khuyến cáo cha mẹ trong quá trình chăm sóc con cần đặc biệt lưu ý những biểu hiện ho sặc sụa, tím tái ở trẻ, dù trẻ đã qua cơn nguy hiểm khi bị sặc cũng cần đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra tránh tình trạng dị vật lọt vào phổi.

    Huyền Trâm

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông