11:48 29/11/2024
“Hội Tiên Rồng” hay còn gọi là Đoàn Tiên Rồng là đạo lạ nội sinh, xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Vĩnh Phúc, do ông Võ Trọng Thái, sinh năm 1958, trú tại ngõ 639 Vĩnh Phúc 1, quận Ba Đình, Hà Nội, sáng lập vào năm 2003. Tháng 3/2003 truyền đến các huyện Mê Linh, Phúc Yên, Bình Xuyên, Tam Dương của tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội. Hội có tính chất mê tín dị đoan, phản khoa học và chưa được Nhà nước công nhận là tổ chức tôn giáo.
Được biết, “Hội Tiên Rồng” (Hội) chưa có giáo lý, giáo luật hay kinh sách. Những người theo Hội này dùng một bát hương thờ chung cho Cha Rồng, Mẹ Tiên, thần linh và gia tiên. Bên ngoài bát hương in dòng chữ Cha Rồng, Mẹ Tiên.
Để thu hút các tin đồ tham gia vào Hội, ông Thái cho in băng đĩa tuyên truyền “Thái là con trời”, là Phật sống, là Vua Hùng thứ 19 có nhiều quyền năng hô gió, gọi mưa, tiên đoán trước được hết mọi việc, được phái xuống để cứu rỗi cõi trần. Chưa hết, ông Thái còn tuyên truyền, mẹ của ông là bà Nguyễn Thị Kim Uyên đã sinh ra Phù Đổng Thiên Vương. Các tín đồ khi tham gia Hội sẽ làm ăn phát đạt, tránh được mọi bệnh tật rủi ro, ai đang theo mà từ bỏ thì sẽ gặp tai hoạ hoặc đi tù hoặc sẽ chết.
Theo đó, những người vào Hội Tiên Rồng phải mua thẻ hội viên, khánh, biểu tượng thờ cúng cùng bát hương, ấm chén, bát đĩa với giá 120.000đ/bộ; may quần áo dài hình rồng, phượng với giá 300.000đ - 500.000đ/bộ để đi lễ; mặc quần áo của Hội chụp ảnh đóng khung với giá 120.000đ/ảnh và phải đóng quỹ Hội 300.000đ. Hàng năm, ông Thái tổ chức cho các đoàn đệ tử đi lễ tại các đền, chùa lớn… ở trong và ngoài nước. Mỗi lần đi, hội viên phải đóng góp từ 300.000đ đến 6.000.000đ/người. Trong đó, có tháng Hội tổ chức đi đến 4 lần, riêng năm 2010, 2011, ông Thái tổ chức đi Lào, Thái Lan tốn kém rất nhiều chi phí.
Năm 2004, ông Thái kêu gọi hội viên góp tiền mua 600m2 đất tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay thuộc Hà Nội) để xây dựng cơ sở thờ tự đặt tên là Cung Toà Vàng, được Thái tuyên truyền là khu “Di sản thế giới” sau này sẽ xin tổ chức UNESCO công nhận. Vì vậy đã có rất nhiều người ở Vĩnh Phúc bán đất góp vốn với số tiền lớn từ 30 đến 300 triệu đồng. Sau một thời gian hoạt động, một số người đã nhận ra bản thân bị lừa đã kiện Thái ra toà, buộc Thái phải hoàn trả lại tiền cho nạn nhân. Tuy nhiên, sau khi mọi chuyện yên ắng, Thái lại tiếp tục “ngựa quen đường cũ”…
Năm 2012, Thái lại kêu gọi hội viên góp tiền mua đất ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, với giá 15 triệu đồng/100m2. Những ai tích cực mua đất với số tiền lớn sẽ được Thái tặng một bảng vàng. Một số người dân ở xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, đã tin theo, nộp tiền mà không thấy đất đâu. Một số đệ tử thấy thế đã xin ra khỏi Hội thì bị Thái đe doạ là họ sắp bị đi tù, đồng thời xoá ảnh họ trong cuốn sách “Lịch sử đạo Tiên Rồng” do Thái in để bán cho hội viên với giá 300.000đ/cuốn.
Năm 2006, Hội Tiên Rồng du nhập vào địa bàn tỉnh Hà Giang do Nguyễn Thị Gái và Nguyễn Thị Lâm, trú tại tổ 6, phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang, trong một lần về quê ở xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay thuộc Hà Nội) thăm thân đã thấy một số người theo Hội Tiên Rồng có hoạt động thờ cúng đơn giản, ít tốn kém nên đã làm đơn xin gia nhập Hội. Sau đó khi về Hà Giang, Gái và Lâm đã bỏ thờ điện chuyển sang thờ theo Hội Tiên Rồng.
Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, “Hội Tiên Rồng” chưa được Nhà nước công nhận là tổ chức tôn giáo. Ở Hải Phòng cũng chưa ghi nhận hoạt động của “Hội Tiên RồngPhật đường Huỳnh đạo”. Tuy nhiên, người dân cần nhận diện rõ bản chất của “Hội Tiên Rồng” để không tin, không bị lôi kéo tham gia, đồng thời kịp thời thông báo với chính quyền nếu phát hiện có hoạt động của “Hội Tiên Rồng” tại địa phương.
Thanh Thanh
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Thủ tục trang bị vũ khí quân dụng
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão