Nhanh chóng khống chế dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại huyện Thủy Nguyên, Tiên Lãng lây lan ra diện rộng

13:03 02/03/2019

Sau khi bùng phát trên địa bàn 2 tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, làm 200 con lợn buộc phải tiêu hủy trong các ổ dịch, mới đây, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại địa bàn 2 huyện: Thủy Nguyên, Tiên Lãng của Hải Phòng. Công tác kiểm soát, khống chế, phòng chống dịch bệnh phát tán ra diện rộng đang được các địa phương, các đơn vị chức năng gấp rút triển khai.

 Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên địa bàn 2 huyện Thủy Nguyên, Tiên Lãng

424 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy...

Chiều 22-2, ngay sau khi nhận báo cáo từ Trạm Chăn nuôi & Thú y Thủy Nguyên về tình hình dịch bệnh trên đàn lợn của hộ ông Vũ Văn Đạt, thôn 12, xã Chính Mỹ; Chi cục Chăn nuôi & Thú y thành phố đã phối hợp cùng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật địa phương kiểm tra thực tế tại cơ sở.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng xác định hộ ông Vũ Văn Đạt có tổng đàn lợn: 53 con (trong đó, có 7 con lợn nái 180 - 200kg; 21 con lợn từ 15 - 30kg; 13 con lợn từ 40 - 70kg và 12 lợn con theo mẹ).

 Đã có 424 con lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định

Từ ngày 18-2, đàn lợn có dấu hiệu bỏ ăn, sốt cao, nôn mửa, 8/53 con lợn đã chết. Đến ngày 22-2, tổng số lợn chết tăng lên là 18 con (gồm: 5 lợn nái, 7 con lợn từ 40 - 70kg, 6 con lợn từ 15 - 30kg). Số lợn chết bệnh trên gia đình đã tự tiến hành chôn hủy. 35 con còn lại đang có triệu chứng giảm ăn, sốt.

Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, Chi cục Chăn nuôi & Thú y đã tiến hành lấy 5 mẫu (1 mẫu bệnh phẩm, 4 mẫu huyết thanh) gửi Chi cục Thú y vùng II xét nghiệm.

 Đã có 424 con lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định

Ngay sau khi nhận được kết quả xét nghiệm 2/5 mẫu dương tính vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Ngày 23-2, Chi cục tiếp tục lấy 13 mẫu giám sát tại 5 hộ chăn nuôi xung quanh ổ dịch.

Kết quả xác định 1 mẫu huyết thanh dương tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi của hộ bà Nguyễn Thị Ngấn có đàn lợn 3 con từ 50 - 60kg/con.

Như vậy, tính đến 17h ngày 23-2, tổng số lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi bắt buộc phải tiêu hủy theo quy định trên địa bàn xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên là 38 con.

Mặc dù đàn lợn còn lại trong xã được giám sát chặt chẽ, công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng được thực hiện theo quy định phòng chống dịch hiện hành nhưng tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của dịch bệnh

Tính đến ngày 1-3, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 38 hộ chăn nuôi thuộc 12 thôn, 6 xã, 2 huyện Thủy Nguyên và Tiên Lãng.

Tổng số lợn tiêu hủy tính đến thời điểm hiện tại là 424 con. Trong đó, có 46 con lợn nái, 299 con lợn thịt, 79 con lợn con theo mẹ; trọng lượng lợn tiêu hủy là 19.529kg; chủ yếu thuộc địa bàn huyện Thủy Nguyên.

Cụ thể, tại huyện Thủy Nguyên, tính đến chiều tối ngày 1-3, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 37 hộ, 11 thôn, 5 xã của huyện; tổng số lợn bắt buộc phải tiêu hủy lên tới 401 con (35 con lợn nái, 304 con lợn thịt, 62 con lợn con theo mẹ); trọng lượng tiêu hủy 18.936kg.

Nhiều nhất là xã Chính Mỹ, địa phương đầu tiên phát hiện dịch bệnh. Hiện toàn xã đã có 188 con lợn thuộc 17 hộ, ở 6 thôn buộc phải tiêu hủy.

Tăng cường công tác kiểm tra, sát giám dịch bệnh đến từng hộ gia chăn nuôi

Tiếp đến là xã Lưu Kiếm và xã Đông Sơn, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra từ ngày 25-2, đến ngày 1-3 đã khiến 81 con lợn của 9 hộ thuộc thôn Dưới, xã Lưu Kiếm và 39 con lợn của 5 hộ, thuộc 3 thôn của xã Đông Sơn buộc phải tiêu hủy.

Tại xã Liên Khê, dịch bệnh xảy ra từ ngày 26-2 đến ngày 1-3, đã khiến 81 con lợn của 5 hộ thuộc 3 thôn bị tiêu hủy.

Đến ngày 28-2, dịch bệnh tiếp tục được phát hiện tại xã Thủy Đường, đến 1-3 đã có 12 con buộc phải tiêu hủy.

Cùng với đó, tại huyện Tiên Lãng, ngày 26-2, dịch tả lợn Châu Phi đã phát hiện tại hộ bà Nguyễn Thị Nhẵn, thôn Xuân Trại 2, xã Nam Hưng. 23 con lợn, gồm 11 con nái, hậu bị, 12 lợn con theo mẹ, trọng lượng 593 kg đã bị tiêu hủy.

Tính đến ngày 1-3, trên địa bàn xã Nam Hưng cũng như toàn huyện Tiên Lãng không phát hiện có lợn ốm, chết, buộc phải tiêu hủy do dịch gây ra.

 Chôn hủy lợn bệnh theo quy định

Áp dụng đồng bộ các giải pháp khống chế dịch lây lan diện rộng...

Đáng chú ý, theo thông kê thì hiện đàn lợn tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm có số lượng rất lớn, lên đến hành chục ngàn con.

Để nhanh chóng khoanh vùng, khống chế dịch bệnh có thể lây lan ra diện rộng, các địa phương đang triển khai các biện pháp, thực hiện nghiêm theo các văn bản chỉ đạo của thành phố.

Chi cục Chăn nuôi & Thú y thành phố đã phối hợp, thống nhất cùng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các địa phương thành lập các chốt kiểm dịch động vật kiểm soát chặt chẽ không cho vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch.

Giám sát chặt chẽ đàn lợn trên địa bàn các xã có dịch và các xã nằm trong vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm; phát hiện, xử lý kịp thời các đàn lợn có dấu hiệu mắc bệnh theo quy định. Kiểm tra, thực hiện khử trùng tiêu độc các hố tự chôn hủy lợn bệnh của hộ chăn nuôi và khu vực xung quanh; tiến hành khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, nơi chôn hủy lợn bệnh 1 lần/ngày liên tục trong 7 ngày; khu vực xung quanh 2 lần/tuần, liên tục trong 3 tuần.

 Phun thuốc khử trùng, tiêu độc khu vực chuồng trại chăn nuôi

Thông báo cho các hộ, các thôn, xã xung quanh về tình hình dịch bệnh trên đàn lợn. Yêu cầu các hộ chăn nuôi tạm ngừng nuôi mới lợn; theo dõi, giám sát đàn lợn nuôi, báo cáo ngay cán bộ thú y cơ sở, chính quyền địa phương khi phát hiện lợn có dấu hiệu bị bệnh, nghi bị bệnh, thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định…

Công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, giúp người dân hiểu đúng được tính chất nguy hiểm của bệnh, không giấu dịch, không bán chạy lợn bệnh, không vứt xác lợn bừa bãi ra ngoài môi trường, không buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn, sản phẩm từ lợn mắc bệnh đang được tăng cường.

Công tác giám sát tình hình dịch bệnh tới tận các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nơi kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn nhằm phát hiện sớm, báo cáo kịp thời các trường hợp mắc bệnh, nghi mắc bệnh về Chi cục Chăn nuôi & Thú y để có các biện pháp xử lý kịp thời, không để dịch lây lan; khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hành động ngăn chặn, ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn quản lý đang được các địa phương đặc biệt chú trọng.

Khánh Chi

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông