Nhiều vấn đề liên quan tới hoạt động ngân hàng được gửi tới Quốc hội

12:02 22/05/2023

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15 sẽ xem xét, thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và cho ý kiến về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đây là 2 dự án luật được cử tri ngành Ngân hàng Hải Phòng đặc biệt quan tâm bởi liên quan trực tiếp tới các hoạt động ngân hàng. Từ thực tế đang diễn ra, cử tri ngành Ngân hàng có nhiều ý kiến đóng góp, qua Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng gửi tới cơ quan soạn thảo; Quốc hội với mong muốn các dự án luật bảo đảm giải quyết được các vấn đề liên quan hiện nay và cả sau này, để sau khi ban hành nhanh chóng đi vào cuộc sống.

                                                                 Quy định cụ thể, rõ ràng trong Luật Giao dịch điện tử

          Giám đốc Ngân hàng CP Thương mại Ngoại thương Việt Nam- chi nhánh Hải Phòng Lê Ngọc Thái  cho rằng, Luật Giao dịch điện tử  là Luật nền tảng cho thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, nếu còn nhiều khiếm khuyết sẽ có ảnh hưởng sâu, rộng, lâu dài, nhất là hoạt động ngân hàng. Do đó, cử tri ngành Ngân hàng đặc biệt quan tâm tới dự án Luật này. Qua nghiên cứu dự thảo Luật, ông Lê Ngọc Thái cho biết, trong dự thảo Luật không có quy định làm rõ về “điều kiện bảo đảm an toàn của các hình thức chữ ký điện tử khác” và đề nghị bổ sung quy định chi tiết đối với các loại chữ ký điện tử khác không phải chữ ký số để các bên thực hiện giao dịch có nhiều lựa chọn phù hợp.

                           

Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam- chi nhánh Hải Phòng Lê Ngọc Thái kiến nghị một số nội dung liên quan tới Luật Giao dịch điện tử

           Đại diện Ngân hàng TMCP Quốc dân- chi nhánh Hải Phòng góp ý đối với điều 25 khoản 2 Luật Giao dịch điện tử. Cụ thể, dự thảo Luật quy định: “Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản phải có chữ ký của cá nhân thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu được ký bởi chữ ký điện tử dùng riêng đủ điều kiện bảo đảm an toàn hoặc chữ ký số của cá nhân đó”.

       Cử tri cho rằng quy định này không bảo đảm sự trung lập về công nghệ, dẫn tới các công nghệ OTP, sinh trắc học đang sử dụng hiệu quả cho các giao dịch giá trị nhỏ và rất nhỏ của ngành Ngân hàng sẽ phải chuyển đổi sang sử dụng chữ ký điện tử dùng riêng đủ điều kiện bảo đảm an toàn. Việc tất cả các giao dịch ngành Ngân hàng đều chuyển đổi sang sử dụng chữ ký điện tử dùng riêng đủ điều kiện bảo đảm an toàn sẽ gây tốn kém lớn cho xã hội gồm cả chi phí đầu tư thay đổi hệ thống và chi phí vận hành. Một số nghiệp vụ ngành Ngân hàng yêu cầu một khóa ký có ký được hàng trăm giao dịch/giây sẽ khó khả thi đối với các loại chữ ký điện tử dùng riêng đủ điều kiện bảo đảm an toàn.

            Ngoài ra, theo cử tri, việc quy định như khoản 2 điều 25 cũng sẽ cản trở việc ứng dụng các công nghệ mới hơn trong tương lai. Cử tri Ngân hàng Quốc dân đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bỏ quy định này  hoặc sửa lại theo hướng: “Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản phải có chữ ký của cá nhân thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu được áp dụng các phương pháp xác thực điện tử hoặc kỳ bởi chữ ký điện tử hoặc chữ ký số của cá nhân đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Đồng thời đề nghị bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại chữ ký điện tử, trong đó có chữ ký điện tử dùng riêng.

                                    

Cử tri ngành Ngân hàng kiến nghị nhiều nội dung về các dự án Luật được xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15 liên quan tới hoạt động ngân hàng.(ảnh minh họa)

           Theo cử tri, điểm d khoản 1 điều 28 quy định: “Kết nối với hệ thống kỹ thuật của tổ chức chứng thực điện tử quốc gia để đảm bảo cho việc kiểm tra hiệu lực chữ ký điện tử” là không khả thi và không phù hợp với các tổ chức đa quốc gia nói chung và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nói riêng. Hiện nay, các tổ chức này sử dụng hệ thống thông tin tập trung và sử dụng chung chữ ký điện tử được cấp ở nước ngoài để cung cấp dịch vụ cho toàn cầu. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng còn sử dụng hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Đây là hệ thống thanh toán có mặt tại hầu hết các quốc gia trên thế giới và sử dụng hệ thống chữ ký điện tử do SWIFT cung cấp trên quy mô toàn cầu. Do đó, các quy định này sẽ làm ảnh hưởng tới toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng trên hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

           Cử tri Ngân hàng TMCP Á Châu (chi nhánh Thủy Nguyên) cho rằng, chương 2, mục 3 (từ điều 21 đến điều 23) quy định về giá trị pháp lý, chuyển giao, lưu trữ chứng thư điện tử nhưng chưa quy định về thu hồi chứng thư điện tử khi phát hiện sai sót và đề nghị xem xét quy định về thu hồi chứng thư điện tử...

                                                  Tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ

          Góp ý vào dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), cử tri ngành Ngân hàng quan tâm nhiều tới thứ tự ưu tiên trả nợ khi xử lý tài sản bảo đảm. Đại diện Ngân hàng TMCP Á Châu  đề nghị xem xét tăng thời gian nắm giữ bất động sản do xử lý nợ vay để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có đủ thời gian xử lý triệt để hơn đối với tài sản là bất động sản. Cử tri Ngân hàng TMCP Á Châu- chi nhánh Thủy Nguyên đề nghị quy định số tiền từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được đảm bảo cho tổ chức tín dụng trước khi thực hiện nghĩa vụ án phí, thuế trong Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

        Đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển- chi nhánh Hải Phòng đề xuất các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cần phù hợp với nội dung Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu. Theo NQ 42, “số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu sau khi trừ đi các chi phí xử lý tài sản bảo đảm, chi phí bảo quản, thu giữ được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng trước khi thực hiện nghĩa vụ thế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm”. Từ đó đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Tổng cục Thi hành án có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thi hành án tại địa phương thực hiện đúng quy trình, thứ tự ưu tiên nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các tổ chức tín dụng.

                           

                                          Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng tiếp xúc đại biểu cử tri ngành Ngân hàng

          Cử tri ngành Ngân hàng cũng đề xuất nên bỏ phần cung cấp  khả năng tài chính đối với các khoản vay tiêu dùng có giá trị nhỏ; cân nhắc lại hoạt động bảo lãnh phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp của công ty tài chính. Cử tri đề nghị Ban soạn thảo xem xét giữ nguyên nội dung cho phép ngân hàng thương mại được tiếp tục hoạt động tư vấn tài chính doanh nghiệp; tư vấn mua, bán, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp và tư vấn đầu tư như quy định tại Luật các tổ chức tín dụng hiện hành.

           Ngoài việc sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng, cử tri đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Theo đại diện BIDV chi nhánh Hải Phòng, NQ 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu là quy định mới và  đang chỉ được áp dụng thí điểm nên cũng còn nhiều khó khăn khi các tổ chức tín dụng thực hiện xử lý nợ xấu, hơn nữa NQ 42 đã được kéo dài và đến 31-12-2023 hết hiệu lực.

      Vì vậy, cần thiết xây dựng và ban hành Luật để điều chỉnh công tác xử lý nợ xấu, vừa bảo đảm tính kế thừa các chính sách được quy định tại NQ 42 vừa hoàn thiện cơ chế xử lý nợ xấu đối với các tổ chức tín dụng, phù hợp với thực tiễn và tiệm cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế cũng như giải quyết các vấn đề bất cập, xung đột pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Ngoài ra, có Luật xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng sẽ thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, góp phần làm giảm nợ xấu, từ đó bảo đảm hoạt động của các tổ chức tín dụng được an toàn, hiệu quả. Đồng thời giúp tăng ý thức trả nợ của khách hàng, bảo vệ tốt hơn quyền chủ nợ hợp pháp của các tổ chức tín dụng…

          Cử tri Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho đối tượng là thu nhập thấp được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh nâng thu nhập, cải thiện đời sống; cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng - đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm; đề nghị thành phố ban hành chuẩn nghèo riêng của thành phố cao hơn chuẩn nghèo quốc gia đồng thời bố trí đủ nguồn lực để cho vay đối tượng hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn của địa phương; quan tâm dành một phần nguồn vốn ngân sách thành phố cùng với nguồn vốn của Trung ương để đẩy mạnh cho vay nhà ở xã hội…

           Đồng chí Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng tiếp thu ý kiến cử tri ngành Ngân hàng và cho rằng việc ban hành Luật xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng là cần thiết. Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng sẽ chuyển tải ý kiến này và các vấn đề mà cử tri ngành Ngân hàng tới Quốc hội xem xét, xử lý./.

                                                                                                                                           Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông